Tuổi thơ tôi không trọn vẹn lắm, chỉ đến khi học cấp hai mới về quê. Ngày ấy, thời điểm vàng của tâm hồn ăn vặt, chẳng đứa nhóc nào chê vị ngọt kẹo đường…
Quê tôi là một xã gần núi, Hành Thịnh từ bao đời sống bằng nghề nông là chính. Đồng ra đồng vào mỗi ngày chỉ là từng khóm rau, con cá bán đại cho người lại kẻ qua nào đấy cần. Có khi suốt tháng cũng chẳng thấy mặt đồng tiền tươi, toàn là… mua nợ nhau hoặc trao đổi qua lại. Ở thời điểm ấy, chẳng khó hiểu khi đa phần thanh niên, những ai có sức khỏe đều bỏ quê vào Nam lập nghiệp kiếm sống. Mùa lúa quê nhà chỉ còn những chú trung niên, những cô dì túm lụm ống quần lom khom cắt vội… Thuần nông là vậy, nhưng ở thời điểm đó, có một thứ đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân quê tôi, một bước ngoặt trong việc thay đổi quan điểm chỉ trồng xen canh giữa đậu rồi bắp trên khu đất đồi: chính sách nhà nước khuyến khích trồng mía, bao tiêu sản phẩm cung cấp cho Nhà máy đường Quảng Ngãi tạo một làn sóng mãnh liệt trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Có thể nói, cây mía đã giúp người dân quê tôi nói riêng, toàn tỉnh nói chung có nguồn để có thể trang trải những vật dụng trong nhà. “Làm nhà, cưới vợ, trả nợ, mua xe” - mọi thứ từ câu truyền miệng ngày xưa ấy có thể được thực hiện, một phần lớn là nhờ cây mía!
Chưa cần đến mùa mía thì đám chúng tôi đã rạo rực rồi.
Những đám mía gần đến ngày thu hoạch là nơi thử thách “chí anh hùng” của bọn tôi. Ngày đó, cứ giờ chiều học thể dục xong, cả đám hò nhau đạp xe lên tít trên Hòa Huân, nơi trồng mía lớn nhất bấy giờ, mang tiếng là “ghé nhà bạn” chơi, lúc về đứa nào cũng giắt trên xe mấy khúc mía được chặt gọn thành ba bốn lóng. Kể ra chẳng oai gì, tụi tôi thi nhau đứa nào có gan dám vào sâu nhất, bẻ… trộm được nhiều nhất, xong tụ về lẻn ra bãi cát hò nhau tắm sông rồi ăn cho đến khi rát đầu lưỡi thì mới lót tót về. Vậy mới nói, “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, sau dăm ba lần xông pha “anh hùng” (hay “trộm cướp”) ấy, thành quả của chúng tôi là có thằng thì bị rách áo, thằng thì quần bị xé toạc ống do giẫm gốc mía, và dĩ nhiên chẳng thoát khỏi những lần bị mắng vốn, chủ đám mía theo xe về tới tận nhà, sau một tăng ăn chửi là mười phút ăn roi, một tiếng quỳ gối, và lần sau… vẫn tái diễn.
Khi vào mùa, ngoài những chuyến xe chở mía về với nhà máy đường cho những hộ đã bao tiêu hoặc đàm phán bán được giá, ở một góc mát mẻ, người ta lập trại, bắt đầu xây lò chuẩn bị nấu đường.
Tôi còn nhớ như in cái mùi thơm của mía mật, khi tiếng roi hụi, ông trâu già bắt đầu đi vòng cho xoay chiếc “máy ép”, các cô bắt đầu đẩy mía vào sau khi róc sạch, từng thau nước mía được đổ vào từng chảo nóng đã đặt trên lò nóng nghi ngút khói, “thợ nấu” bắt đầu khuấy, múc lên, đổ xuống đều tay. Mẹ tôi kể rằng muốn có đường vừa đẹp vừa ngon thì phải là tay thợ mới có thể nấu được chứ chẳng chơi. Mùi khói, mùi mật, lại quyện vào cả mùi xác mía được đốt, đâu đó những chú ong ruồi quây lại hòng hưởng ké, lò nóng hừng hực, mồ hôi nhễ nhại, cả ngày đêm luôn tay như vậy, thay thế nhau mà làm để cho xong sớm… Thành quả là từng “muỗng đường” vàng đẹp, sánh mịn thơm mùi đặc trưng không lẫn vào đâu được. Mãi cho đến sau này, cái nghề làm đường mía này vẫn còn được lưu truyền, nhưng số lượng ngày một ít, và buồn hơn, có thể sẽ chẳng có lớp trẻ nào nối nghề…
Chúng tôi tụ tập bên lò nấu, phần vì lâu lâu sẽ được ưu ái cho chút đường mật ăn ké, phần thì nếu chăm, cùng phụ róc mía sẽ được cho cả bó chừng chục cây mang về. Giữa trưa nắng trời, được tưởng thưởng một ly nước mía to đùng, gặm cục đường ngọt kẹp với miếng dừa khô, thật đã cơn thèm. À mà cũng không nên quên món bánh tráng nhúng đường nữa chứ, mật còn nóng, trụng bánh vào rồi vớt ra, để nguội, ăn luôn, nhớ hoài.
Thời gian trôi qua, mật mía bây giờ được sản xuất nhỏ lẻ tại nhà, những “muỗng đường” xưa cũng được làm gọn hơn, vuông vức, đẹp mắt hơn. Vị ngọt đường có thể vẫn còn đó, nhưng cái cảm giác được tận hưởng giai vị của ngày bé chẳng còn trọn vẹn. Chẳng hiểu tại sao, có khi, ta đã lớn rồi…
Giờ đây cây mía chẳng còn đóng vị thế đặc biệt như xưa, khắp nơi cũng không còn bạt ngàn ruộng mía, người dân có thêm nhiều cách kiếm tiền, nhưng với những người con xa quê, được một lần sống qua tuổi thơ ấy sẽ chẳng bao giờ quên được, bởi đi càng xa, càng lâu, thì ta lại càng nhớ hương vị quê nhà.
Ở đây, ngay lúc này, tự nhiên thấy vấn vương sao mùi thương mật mía…
|
Bình luận (0)