Không giống với nhiều ngành công nghiệp toàn cầu khác, thời trang cao cấp đã tạo nên một phần bản sắc dân tộc ở trên chính danh thiếp của mỗi thương hiệu. Những từ “Made in Italy” hay “Made in France” là một yếu tố lớn tạo dựng nên giá trị của nhãn hàng. Nhìn chung, ngành công nghiệp nào cũng có những câu chuyện huyền thoại riêng về xuất xứ. Máy tính cá nhân ra đời trong nhà đậu xe của Steve Jobs, ngành hàng không khai sinh từ tiệm xe đạp của anh em nhà Wrights. Thế thì thời trang xa xỉ lại bắt rễ từ các xưởng may ở châu Âu, nơi quần áo cao cấp và nghề thủ công được xem là phần hội tụ của di sản. Đó là một trong những lý do mà giữa làn sóng liên kết lại sau thời kỳ suy thoái, ở Ý đã có vô số lời ca thán và không ít những nắm đấm giơ lên phản đối các thương hiệu di sản của đất nước này bị đem bán cho Pháp. Có thể kể LVMH sở hữu Louis Vuitton, Fendi, Donna Karan, Berluti, Givenchy, Marc Jacobs, Kenzo, Emilio Pucci, và Bulgari hay Kering có được Gucci, Bottega Veneta và Brioni. Trong câu chuyện này, thời trang Mỹ thậm chí bị xem là còn quá mới mẻ, là tay “trưởng giả học làm sang”. Đây là quốc gia từng bị những kẻ nặc danh bêu rếu là cho nhân viên cửa hàng bách hóa của mình đột nhập vào các show trình diễn thời trang cao cấp của châu Âu để sao chép mẫu mã về cho các shop bán lẻ chế tác làm hàng nhái. Đất nước này cũng là nơi khai sinh ra trang phục thể thao, là xứ sở mà thế hệ nào cũng muốn cách tân cũng như tự tìm phong cách sống riêng, thay vì ghé vai cùng duy trì truyền thống.
Suốt trong nhiều năm, Tuần lễ Thời trang New York luôn lẹt đẹt đợi những Tuần lễ Thời trang khác như London, Milan và Paris diễn ra xong mới đến phiên mình, rồi còn bị xầm xì là xào lại “gu” ăn mặc của giới thiết kế châu Âu. Chỉ từ năm 1998 đến nay, nó mới thoát được cái bóng của các đàn anh lão làng. Thế nhưng, sản phẩm sáng tạo của các show diễn ấy cũng không cạnh tranh được bao nhiêu so với “hàng” đến từ lục địa già. Các nhà thiết kế Mỹ muốn gầy dựng vị thế thường cảm thấy cần phải làm sao ghi dấu ấn tại chính thành phố tháp Eiffel mới đạt hiệu quả. Điển hình là năm rồi, cả hai nhà thiết kế Proenza Schouler lẫn Rodarte đều rời căn cứ địa New York trực chỉ nước Pháp để dựng show. Còn huyền thoại Marc Jacobs dành 16 năm làm Giám đốc sáng tạo cho Louis Vuitton. Riêng chính bản thân Michael Kors cũng đã từng 6 năm đi “đánh thuê” cho Celine chứ đâu có phục vụ cho ngành thời trang nước Mỹ.
Với những thắc mắc như tại sao nước đàn anh Mỹ không có tập đoàn thời trang cao cấp riêng, hoặc vì lẽ gì cứ vụt xuất hiện rồi thất bại. Một phần câu trả lời lâu nay vẫn được cho là nằm ở vấn đề tài chính, nhưng thực ra mấu chốt lại đến từ một khía cạnh rất trừu tượng. Đơn giản nước Mỹ không phải là quốc gia có văn hóa gầy dựng các thương hiệu mang bề dày lịch sử hay hàng thủ công cao cấp. Thế nên, phi vụ sáp nhập Kors-Versace quả là một thách thức lớn. Dù Giám đốc điều hành Idol lên tiếng “chống chế”, Michael Kors là một tập đoàn quốc tế có văn phòng điều hành chính đặt tại London, không phải thuần Mỹ, châu Âu hay châu Á, nhưng hầu hết mọi người đều hiểu nó là một tập đoàn Mỹ được chính một công dân Mỹ rặt tên Michael Kors sáng lập. Nhà thiết kế quê Long Island này từng là một ngôi sao nhiều mùa của show truyền hình thực tế Mỹ tìm kiếm những nhà thiết kế thời trang Project Runway.
Nếu dự tính mà Mr. Idol nhắm đến không sai, lấy thế mạnh Versace lấp chỗ yếu của Michael Kors, và ngược lại - Versace sẽ đạt đến doanh số 2 tỉ USD, Choo 1 tỉ USD và Kors 5 tỉ USD trong vài năm sắp. Lợi nhuận tiềm năng này sẽ giúp tập đoàn mới tái cân bằng doanh mục đầu tư, tăng số lượng cửa hàng và mở rộng hoạt động thương mại điện tử. Lúc ấy cuộc "hôn nhân" giữa tính thực dụng Mỹ và nét lãng mạn Ý trong thiết kế mới có thể tạm được xem là tốt đẹp, kỳ vọng đủ sức đối đầu với Kering và LVMH.
Bình luận (0)