Trung tâm Nghiên cứu Microsoft châu Á (MSRA), trụ sở tại Bắc Kinh, đang làm thủ tục thị thực (visa) để đưa các chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu sang cơ sở tại thành phố Vancouver (Canada).
Tờ Financial Times ngày 10.6 dẫn 4 nguồn biết được kế hoạch nói trên cho hay quyết định có thể ảnh hưởng 20-40 nhân sự.
MSRA do nhà khoa học máy tính người Đài Loan Lee Kai-Fu thành lập, là trung tâm đào tạo quan trọng cho các nhân tài công nghệ Trung Quốc. Những người từng được đào tạo và nghiên cứu tại đây có Tổng giám đốc công nghệ Wang Jian của Alibaba, nhà sáng lập Xu Li của công ty về AI SenseTime và Yin Qi, lãnh đạo công ty AI Megvii.
Một người thân cận với Microsoft cho biết một số ít nhân viên người Trung Quốc sẽ sang Canada trong năm nay, nơi công ty Mỹ đang thiết lập một phòng nghiên cứu mới với nhân viên là chuyên gia từ khắp thế giới. Các nhà nghiên cứu miêu tả động thái này được gọi là Kế hoạch Vancouver.
Các nguồn tin cho biết đây là động thái phản ứng của Microsoft trong bối cảnh căng thẳng chính trị Mỹ-Trung tăng cao, đồng thời là cách để ngăn những nhân tài hàng đầu về AI bị các tập đoàn công nghệ Trung Quốc chiêu dụ trong nỗ lực phát triển một phiên bản nội địa của phần mềm AI ChatGPT của hãng OpenAI.
Microsoft nói rằng những số liệu của Financial Times là không chính xác và không có cái gọi là Kế hoạch Vancouver.
Cảnh báo đáng sợ của cựu giám đốc Google: AI có năng lực 'bóp chết' loài người
Tuy nhiên, vào ngày 9.6, Microsoft cho biết đang thành lập một phòng thí nghiệm mới tại Vancouver được liên kết về mặt tổ chức với MSRA và nhằm làm việc tốt hơn với các nhóm kỹ sư tại Vancouver. Cơ sở này sẽ có nhân viên là chuyên gia từ các MSR khắp thế giới, gồm Trung Quốc.
Theo Financial Times, hai nhà nghiên cứu người Trung Quốc của MSRA gần đây nhận đề nghị làm việc từ các công ty internet của Trung Quốc nhưng họ từ chối và đang xin visa Canada.
Một nhà nghiên cứu nói dù Microsoft có liên kết sâu sắc với Trung Quốc nhưng "vẫn có rủi ro khi để các nhà nghiên cứu giỏi nhất làm việc tại nước này, đặc biệt là những người làm việc trong mảng học máy". Người này liệt kê các nguy cơ như bị công ty Trung Quốc "đi đêm" với các nhà nghiên cứu hoặc bị cơ quan chức năng quấy rầy.
Bắc Kinh những năm qua đã tìm cách chiêu mộ các nhà nghiên cứu công nghệ cao người Trung Quốc làm việc ở nước ngoài quay về nước thông qua các khoản tài trợ hậu hĩnh và vị trí giảng dạy danh giá. Việc đưa các nhà nghiên cứu AI hàng đầu rời khỏi Trung Quốc được cho là có thể khiến Bắc Kinh tức giận.
MSRA là một ví dụ hiếm hoi về sự cộng tác giữa Mỹ và Trung Quốc về nghiên cứu công nghệ cao. Tuy nhiên, hai nhà nghiên cứu cho biết mối quan hệ đang xấu đi giữa hai nước và tham vọng công nghệ của mỗi bên đã thu hẹp năng lực của họ trong việc cộng tác với các đồng nghiệp phương Tây, đồng thời khiến họ chịu sự theo dõi gắt gao hơn từ các quan chức Trung Quốc.
MSRA từng bị Mỹ chỉ trích sau khi Financial Times đưa tin trung tâm này làm việc với một đại học do quân đội Trung Quốc điều hành để nghiên cứu AI có tiềm năng ứng dụng trong giám sát và kiểm duyệt.
Bình luận (0)