[VIDEO] Đóng bè di chuyển ở thành phố Thanh Hóa vì nước sông Mã dâng
|
Mưa sau bão ở các tỉnh miền Bắc và bắc miền Trung vẫn còn xảy ra trong hai ngày cuối tuần (18 - 19.8), qua tuần sau mưa gió sẽ giảm nhanh, trời có lúc hửng nắng, mưa tập trung vào chiều tối và đêm trên diện hẹp hơn. Đến gần cuối tuần sau thời tiết xấu trở lại do rãnh áp thấp đi ngang Bắc bộ hoạt động mạnh dần lên, có nơi mưa vừa mưa to, đề phòng lốc xoáy, gió giật mạnh trong cơn giông. Tình hình mưa lũ ở nửa phía bắc còn diễn biến khá phức tạp trong vài ngày tới, lũ trên các sông có thể lên nhanh gây ngập úng ở vùng trũng thấp. Vùng núi nhiều khả năng xảy ra sạt lở đất và lũ quét.
Miền Trung sẽ có nắng tăng nhanh trong những ngày đầu tuần, nhiệt độ cao nhất có nơi trên 35oC và nắng nóng xuất hiện một số nơi, chiều tối có giông và mưa rào vài nơi. Đây cũng là thời kỳ chuyển mùa ở miền Trung nên thường có giông sét và lốc xoáy sau những ngày nắng nóng và oi bức.
Gió tây nam còn khá mạnh vào cuối tuần nên Tây nguyên và Nam bộ còn mưa trên diện rộng. Qua tuần sau gió mùa tây nam suy yếu dần nên thời tiết khả quan hơn, mưa giảm, nắng nhiều hơn. Mưa tập trung vào chiều tối, các tỉnh ven biển miền Tây có mưa giông vài nơi, miền Đông mưa diện rộng hơn và có nơi mưa vừa mưa to cục bộ.
Trên thượng nguồn sông Mê Kông có mưa do bão số 4 nên mực nước đang lên, trong khi đó ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long mực nước xuống chậm. Theo dự báo, trong 5 ngày tới mỗi ngày nước xuống 2 - 4 cm, đến ngày 21.8 hầu hết ở mức báo động 1. Sau đó sẽ lên trở lại theo triều cường giữa tháng 7 âm lịch và mưa lũ từ thượng nguồn đổ về. Theo dự báo của ngành khí tượng thủy văn, đến 25.8 mực nước cao nhất ngày trên sông Tiền tại Tân Châu ở mức 3,9 m; trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 3,4 m (dưới báo động 2 0,1 m) và còn tiếp tục lên, cuối tháng 8 sẽ vượt báo động 2. Như vậy, tình hình ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao sẽ cao hơn so với tuần vừa qua ở các tỉnh vùng Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười.
Sau mưa lũ, cần tranh thủ thời tiết giảm mưa những ngày đầu tuần tới để tiêu thoát nước nhanh chống ngập úng; các vườn cây trái làm vệ sinh cho thông thoáng nhằm giảm khả năng sâu bệnh do mưa ẩm kéo dài nhiều ngày qua.
Ngoài việc lũ năm nay về sớm và cao hơn năm 2017 từ 30 - 60 cm, cần lưu ý tình hình sâu bệnh, rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá có khả năng xuất hiện mật độ cao. Vùng an toàn có đê bao cần xuống giống đồng loạt, tập trung né rầy, thường xuyên kiểm tra ruộng lúa, phát hiện bệnh vừa chớm là có giải pháp phòng trừ dập dịch rầy nâu bằng thuốc bảo vệ thực vật...
Ngoài ra, cần lưu ý cây ăn trái cũng bị sâu bệnh gây hại do thời tiết năm nay mưa gió bất thường; đặc biệt bệnh đốm nâu trên cây thanh long, bệnh greening trên cây có múi và bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu có xu hướng tăng trong khi mùa mưa lũ ngập úng, triều cường đang vào giai đoạn cao điểm gây khó khăn trong việc kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh.
Bình luận (0)