Miền Bắc sắp đón đợt mưa lớn, các tỉnh miền núi ứng phó thế nào?

12/08/2023 16:41 GMT+7

Hầu hết các tỉnh miền núi phía bắc đều đã có kịch bản, phương án ứng phó với đợt mưa lớn được dự báo diễn ra từ ngày 16 - 21.8.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, trong 9 ngày, từ 2 - 10.8, mưa lớn, sạt lở đất tại các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hòa Bình, Tuyên Quang đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Miền Bắc sắp đón đợt mưa lớn, các tỉnh miền núi ứng phó thế nào? - Ảnh 1.

Dòng nước lũ tại H.Mù Cang Chải (Yên Bái)

VÀNG A THÀO

Thiên tai đã làm 13 người chết (Lai Châu 4, Điện Biên 1, Sơn La 1, Yên Bái 4, Lào Cai 1, Hà Giang 1, Thái Nguyên 1), 2 người mất tích (Lai Châu 2), 8 người bị thương (Lai Châu 4, Cao Bằng 1, Sơn La 3) và 82 nhà sập, 1.088 nhà bị hư hại.

Về nông nghiệp, 1.277 ha lúa, hoa màu và 30,43 ha diện tích nuôi thủy sản bị thiệt hại; 2.052 con gia cầm, 255 con gia súc bị chết, cuốn trôi. 

Mưa lũ cũng làm 261 công trình thủy lợi, nước sạch, kè, 26 điểm trường học, 4 cơ sở y tế bị sạt lở, hư hỏng; 709 điểm sạt lở trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và giao thông địa phương; 129 cột điện bị gãy đổ.

Miền Bắc sắp đón đợt mưa lớn, các tỉnh miền núi ứng phó thế nào?

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khu vực Bắc bộ từ khoảng ngày 16 - 21.8, khả năng có mưa rào và giông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa giông, có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Do mưa liên tục từ cuối tháng 7 tới nay nên các tỉnh miền núi phía bắc thường xuyên xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Trước tình hình thiên tai diễn biến rất phức tạp, khó lường, các tỉnh đều đã có kế hoạch ứng phó cụ thể nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Tại tỉnh Lai Châu, nơi xảy ra thiệt hại nặng nhất về người trong đợt mưa lũ đầu tháng 8 (4 người chết, 2 người mất tích, 4 người bị thương), trước đợt mưa lũ tiếp theo, địa phương này tiếp tục tăng cường công tác truyền tin, phổ biến kịp thời các thông tin dự báo thời tiết, các chủ trương, chỉ thị, mệnh lệnh về công tác phòng, chống thiên tai đến người dân toàn tỉnh.

Đồng thời, phổ biến các kiến thức, kinh nghiệm trong việc chủ động phòng, chống thiên tai, nâng cao khả năng chuẩn bị, ứng phó, phục hồi của cộng đồng trước, trong và sau thiên tai để giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất.

Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu lên kế hoạch dự phòng vật tư nông nghiệp, vật tư y tế, vật liệu xây dựng, phương tiện, lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết khác nhằm đảm bảo ứng cứu, hỗ trợ kịp thời cả trước, trong và sau thiên tai, đảm bảo sớm ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân...

Tương tự tỉnh Lai Châu, ngoài việc khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ đầu tháng 8, tỉnh Yên Bái tiếp tục cảnh báo đến các khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Nước lũ khiến bản làng tại H.Mù Cang Chải (Yên Bái) tan hoang

ĐINH LUẬN

"Hầu như toàn tỉnh Yên Bái đều có nguy cơ sạt lở do địa hình là đồi núi. Vì vậy, những nơi có nguy cơ cao sẽ phụ thuộc vào lượng mưa. Khu vực có nguy cơ cao nhất là Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn do có địa hình dốc lớn nhất", lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái nói, và cho hay, lực lượng chức năng sẽ cảnh báo những khu vực có nguy cơ sạt lở ở các ta luy dương để người dân chủ động di dời, tránh tình trạng chủ quan trong phòng, chống thiên tai.

Trong khi đó, tỉnh Điện Biên lập nhóm Zalo kết nối giữa ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai cấp tỉnh và lãnh đạo cấp huyện, cấp xã trên địa bàn để cập nhật tin tức thời tiết hàng ngày, hàng giờ.

"Nếu có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất, chúng tôi sẽ kiểm tra, khuyến cáo, thậm chí cương quyết di dời người dân", lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Điện Biên nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La, đang ở mùa mưa nên nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất rất cao. Tuy nhiên, một số người dân chủ quan trong việc phòng, chống nên vẫn xảy ra thiệt hại về người.

"Lãnh đạo tỉnh Sơn La thường xuyên có văn bản chỉ đạo các huyện rà soát các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét. Nếu những điểm này mưa nhiều sẽ sơ tán và di dời người dân. Về lâu dài, chúng tôi sẽ sắp xếp và bố trí các phương án an toàn hơn", lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La nói, và cho hay, nhờ chủ động cảnh báo sớm nên tỉnh Sơn La vừa qua giảm nhẹ được nhiều thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ. Việc ứng phó với thiên tai không chỉ là vấn đề trước mắt mà còn phải thường xuyên, liên tục.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 12.8

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.