Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đêm qua 20.8 và sáng sớm nay 21.8, ở vùng núi và trung du Bắc bộ đã có mưa vừa, mưa to và giông, có nơi mưa rất to; khu vực đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to cục bộ.
Lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 20.8 đến 3 giờ ngày 21.8 có nơi trên 80 mm, như: Hùng Đức (Tuyên Quang) 156,4 mm, Mỏ Vàng 1 (Yên Bái) 136,6 mm, Hiền Lương (Phú Thọ) 96,2 mm, Thanh Nưa 1 (Điện Biên) 89,2 mm, Ít Ong (Sơn La) 84,6 mm…
Dự báo, ngày và đêm 21.8, ở đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa có mưa, mưa vừa và rải rác có giông, có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 15 - 30 mm, có nơi trên 60 mm.
Đặc biệt, từ sáng sớm 21 - 23.8, vùng núi và trung du Bắc bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to và giông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50 - 100 mm, có nơi trên 230 mm.
Từ ngày 23.8, mưa lớn có khả năng giảm dần, cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét cấp 1.
Cơ quan khí tượng cho biết thêm, sau đợt mưa này, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, Tây nguyên tiếp tục đón đợt mưa giông từ ngày 24 - 30.8. Trong thời gian dự báo, nhiệt độ tại Hà Nội duy trì ở mức từ 26 - 33 độ C.
Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét. Mưa lớn có khả năng gây ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Trong khi đó, ngày 21 - 22.8, khu vực từ Nghệ An - Ninh Thuận có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 - 37 độ C, có nơi trên 37 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55 - 60%.
Nắng nóng tại Trung bộ có khả năng kéo dài đến cuối tháng 8. Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Lưu ý, nhiệt độ dự báo trong các bản tin thời tiết và nhiệt độ thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2 - 4 độ C, thậm chí có thể cao hơn, phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.
Ứng phó với mưa lớn ở miền Bắc
Trước đợt mưa lớn với lượng mưa phổ biến từ 50 - 100 mm, có nơi trên 230 mm, Bộ NN-PTNT đã gửi văn bản tới các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hoà Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh đề nghị chủ động ứng phó với mưa lớn.
Cụ thể, Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua. Theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy; tổ chức di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Tổ chức lực lượng bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan...
Bình luận (0)