Miền Bắc vẫn chưa thoát cảnh thiếu điện

27/09/2023 06:31 GMT+7

Nguy cơ thiếu điện ở miền Bắc trong vài năm tới vẫn rất lớn. Mới đây, Tập đoàn Điện lực VN lại tiếp tục kiến nghị Bộ Công thương xem xét, trình chủ trương nhập khẩu thêm điện từ Lào về.

Có thể thiếu gần 1.800 MW điện

Tập đoàn Điện lực VN (EVN) mới đây kiến nghị Bộ Công thương xem xét đẩy nhanh việc nhập khẩu điện từ các nhà máy thủy điện, điện gió từ Lào về VN. Cụ thể, nhập khẩu, đấu nối điện từ cụm nhà máy thủy điện Nậm Mô và nhà máy thủy điện Houay Koauan với tổng công suất trên 225 MW và có phương án đấu nối với dự án điện gió Savan 1 và 2.

Miền Bắc vẫn chưa thoát cảnh thiếu điện - Ảnh 1.

Cung ứng điện khu vực miền Bắc vẫn “khó khăn” vào tháng nắng nóng cao điểm

NHẬT THỊNH

Theo Quy hoạch điện 8 và Hiệp định hợp tác giữa 2 nước VN - Lào năm 2019, đến năm 2025, VN sẽ mua 3.000 MW điện từ Lào; năm 2030 tăng lên 5.000 MW và có thể tăng lên 8.000 MW nếu điều kiện cho phép. Với thực trạng trong 2 năm tới, miền Bắc vẫn chưa có dự án nguồn điện lớn nào vận hành, nguy cơ thiếu điện tại khu vực miền Bắc vào mùa khô vẫn rất cao.

Về điện nhập khẩu từ Lào, đến tháng 8 vừa qua, Thủ tướng đã thông qua chủ trương nhập khẩu khoảng 2.698 MW điện từ Lào. Trong đó, EVN đã ký 19 hợp đồng mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư để mua điện từ 26 nhà máy điện ở Lào với tổng công suất 2.240 MW. Đến nay, đã có 6 nhà máy điện được chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện từ Lào, tổng công suất 449 MW, trong đó có 4 dự án (tổng công suất 249 MW) EVN giao Công ty mua bán điện (thuộc EVN) đàm phán PPA, 2 dự án thủy điện đã có thông báo ngừng bán.

Ngày 26.9, cập nhật tính toán từ báo cáo của EVN, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống dự báo từ tháng 9 - 12 năm nay ước đạt 95,6 - 97,2 tỉ kWh, tăng khoảng 10 - 12% so cùng kỳ năm ngoái. Năm nay, ước tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống từ 282 - 283,6 tỉ kWh, tăng từ 5,1 - 5,7% so cùng kỳ năm ngoái và đạt 99,1 - 99,6% so với kế hoạch năm nay đã được duyệt.

Với các phương án về lưu lượng nước về bình thường, Cục Điều tiết điện lực cho hay hệ thống điện quốc gia về cơ bản đáp ứng cung ứng điện. Tuy nhiên, do công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nên đơn vị này cho rằng miền Bắc vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm (trong khung giờ từ 13 - 16 giờ và từ 19 - 22 giờ) trong ngày của các ngày nắng nóng.

Cụ thể, đối với trường hợp lưu lượng nước về cực đoan, việc đảm bảo cung cấp điện đặc biệt đối với khu vực miền Bắc sẽ gặp khó khăn hơn, có thể xuất hiện tình trạng thiếu công suất (khoảng 420 - 1.770 MW) trong một số giờ cao điểm các tháng 6 và 7.2024. Sang mùa khô năm 2025, việc cung ứng điện tại khu vực này vẫn tiếp tục khó khăn; trước đó EVN dự báo khu vực miền Bắc năm 2024 - 2025 thiếu tối đa 2.000 MW. Theo EVN, việc có thêm hơn 225 MW điện nhập khẩu từ Lào sẽ bổ sung đáng kể nguồn điện (đấu nối qua đường dây 220 kV), đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc những năm tới. Ngoài Lào, VN còn mua điện từ Trung Quốc qua đường dây 110 kV khoảng 550 - 800 MW. Tuy vậy, trong 2 năm tới 2024 - 2025, nguy cơ thiếu điện tại khu vực miền Bắc vẫn rất cao.

"Thúc" đẩy nhanh đầu tư nguồn, truyền tải…

Trao đổi với Thanh Niên, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Việt Hòa cho hay, theo cập nhật của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, năm 2024, nguồn điện truyền thống được bổ sung từ nhà máy thủy điện Ialy vào tháng 11.2024 thêm 180 MW. Còn nguồn thủy điện nhỏ dự kiến đến cuối năm nay đạt 5.594 MW, sang năm 2024 dự kiến bổ sung 474 MW, nâng tổng công suất thủy điện nhỏ toàn quốc năm 2024 đạt 6.068 MW. Bên cạnh đó, nguồn năng lượng tái tạo có điện gió dự kiến bổ sung 573 MW.

Trong dài hạn, khi chúng ta tăng mạnh nguồn điện tái tạo theo lộ trình chuyển dịch năng lượng, thì việc kết nối lưới điện càng rộng sẽ giúp VN chủ động xuất, nhập khẩu điện, tăng ổn định hệ thống và điều hòa sự thất thường của nguồn điện gió, mặt trời. Đó là cũng là xu thế chung của thế giới.

Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình

Về giải pháp cung ứng điện năm 2024, Bộ Công thương sẽ phối hợp các bộ, ngành, địa phương thực hiện cơ chế, chính sách hợp lý để khuyến khích người dân, doanh nghiệp phát triển điện mặt trời áp mái ở những khu vực điều kiện kỹ thuật lưới điện cho phép tại khu vực miền Bắc, các khu đô thị, khu công nghiệp, công sở, trường học, bệnh viện... Chỉ đạo EVN đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình lưới điện, đặc biệt là công trình đường dây 500 kV mạch 3 nối Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa - Nam Định - Phố Nối để truyền tải nguồn từ miền Trung ra miền Bắc.

"Bên cạnh đó, EVN chủ động phối hợp các chủ đầu tư năng lượng tái tạo chuyển tiếp hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan để sớm đưa các dự án vào vận hành, khai thác cùng các nguồn điện khác. Với nguồn điện đang triển khai xây dựng như thủy điện Ialy mở rộng, LNG Nhơn Trạch 3 và 4, Vũng Áng II, Quảng Trạch I, yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh, chú trọng đến các dự án năng lượng trong danh mục ưu tiên", đại diện Cục Điều tiết điện lực cho biết.

Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cho rằng, có một số lý do phải nhập khẩu điện vì có những hợp tác quốc tế, đa dạng hóa nguồn, một số vùng ven biên giới kết nối với lưới điện của nước khác rẻ hơn là kết nối với lưới điện trong nước… Đặc biệt, trong vài năm tới, nguồn điện tại khu vực miền Bắc vẫn là thách thức nên phải tăng nhập khẩu là hợp lý. Thực tế từ năm 2015, VN bắt đầu chuyển sang nước nhập khẩu tịnh năng lượng do tổng các nguồn cung trong nước thiếu hụt và khối lượng nhập khẩu ngày càng tăng lên nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. 

Trong Quy hoạch điện 8, hệ thống điện VN vừa có xuất khẩu vừa có nhập khẩu điện, phù hợp với xu hướng chung trên thế giới. Đến nay, VN đã thiết lập các đường dây để nhập khẩu điện từ năm 2004 với Trung Quốc qua các đường dây cao thế 110 kV nối Lào Cai - Hà Khẩu; tuyến đường dây 220 kV nối Lào Cai - Hà Khẩu, Hà Giang - Malutang đi qua cửa khẩu Thanh Thủy và tuyến 110 kV Thâm Câu - Móng Cái. Sản lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc cũng liên tục tăng, đạt đỉnh 5,6 tỉ kWh vào năm 2010 trong giai đoạn miền Bắc thiếu điện nghiêm trọng.

"Nhờ kết nối với Trung Quốc mà các tỉnh miền núi phía Bắc đã có điện ổn định hơn hẳn so với các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Tuy nhiên, sau khi nhà máy thủy điện Sơn La được đưa vào vận hành, miền Bắc đã có đủ điện. Theo đó, lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc giảm xuống còn 1,6 - 2,2 tỉ kWh/năm và duy trì ở mức đó. Tương tự, nhập khẩu điện từ Lào chủ yếu do các chủ đầu tư VN xây dựng và hòa đồng bộ với lưới điện VN. Trong những năm gần đây, tổng lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc và Lào chỉ chiếm 1 - 1,5% tổng sản lượng điện của VN", ông Đào Nhật Đình cho hay.

Đáng lưu ý, ông Đình nhấn mạnh: "Nguồn điện nhập khẩu từ Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai và Hà Giang vẫn có ưu thế vì giá điện tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) rẻ nhờ nguồn thủy điện dồi dào. Giá điện mua từ Lào cũng khá cạnh tranh so với các nguồn điện khác trong nước". Chẳng hạn, theo EVN, giá mua điện từ nhà máy thủy điện Lào cũng khoảng 6,95 cent/kWh, cạnh tranh hơn so với một số nguồn điện trong nước, như điện mặt trời 7,09 - 9,35 cent/kWh, điện gió 8,5 - 9,8 cent/kWh, hay điện khí từ các nhà máy trong nước là 8,24 cent/kWh và điện than từ 7,23 - 8,45 cent/kWh. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.