Miền biển Thạnh Phú trên đường phát triển: Vì sao tiểu thương không muốn di dời chợ?

31/10/2019 08:00 GMT+7

Tuy chưa được lấy ý kiến chính thức từ cơ quan chức năng cho việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch khu vực TT.Thạnh Phú, di dời chợ Giồng Miễu, nhưng hầu hết tiểu thương khu vực“mặt tiền” trung tâm chợ đã phản ứng.

Thực trạng chợ Giồng Miễu

Khu trung tâm chợ Giồng Miễu là nhà lồng được xây dựng kiên cố với quy mô 1 trệt, 1 lầu, sân thượng. Tại tầng trệt của tòa nhà, hệ thống kết cấu gồm cột trệt, dầm và sàn lầu còn khá kiên cố, đang được khai thác sử dụng hết diện tích với hơn 30 tiểu thương. Tuy vậy, cốt thép tại sàn ô lầu trục 10 - 11 đã bị ăn mòn hơn phân nửa, trơ lõi thép, tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn.
Cầu thang dẫn lên tầng lầu bị bong tróc, nhiều mảng đá xanh bị vỡ và mặt cầu thang chứa rất nhiều phân dơi rất tanh hôi, khó chịu. Từ cầu thang nhìn lên trần, có khoảng vài ngàn con dơi sinh sống, phân dơi rơi như mưa xuống mặt cầu thang suốt ngày đêm.
 Tiểu thương hoài nghi kết quả kiểm định chất lượng vì cho rằng cách lấy mẫu không khách quan vì theo bà con phải lấy mẫu toàn diện công trình

Tiểu thương hoài nghi kết quả kiểm định chất lượng vì cho rằng cách lấy mẫu không khách quan vì theo bà con phải lấy mẫu toàn diện công trình

Ảnh: Phương Bình

Tầng lầu kết cấu bởi cột lầu và dầm, sàn mái. Toàn bộ mặt sàn cốt thép bị bong tróc bê tông từ lâu. Một số cột lầu bị bong tróc bê tông rơi vãi xuống sàn, phần bê tông còn dính trên cột bị thấm nước chảy xuống bên dưới sàn đen thui. Trong đó có một vị trí ô sàn bị phá vỡ toàn bộ kết cấu, cốt thép bị ăn mòn gần hết, độ chừng là không còn khả năng chịu lực…Hiện toàn bộ tầng lầu chỉ bố trí Văn phòng Ban quản lý chợ, diện tích còn lại bỏ trống nên một số tiểu thương mang một ít hàng hóa chậm bán lên gửi tại các ô sàn giữa. Phần sân thượng với nhiều mảng bê tông rệu rã bị bỏ quên từ lâu, không có người lui tới.
Theo kết quả kiểm định chất lượng của Trung tâm tư vấn và Kiểm định xây dựng (thuộc Sở Xây dựng Bến Tre) vào năm 2016 về nhà lồng trung tâm chợ Giồng Miễu, tầng trệt của công trình vẫn đảm bảo khả năng chịu lực và có thể sử dụng tiếp một khoảng thời gian, nhưng phải giải quyết các khuyết điểm nguy hiểm tại đây, đặc biệt là tầng lầu, để không bị sập xuống. Riêng tầng lầu không đảm bảo khả năng chịu lực, khuyến cáo không để người qua lại tại các khu vực bị hư hỏng nặng, trường hợp muốn sử dụng phải khẩn cấp cải tạo lại, trước hết là phá dỡ ngay một số bộ phận kết cấu hư hỏng nặng. Cụ thể, phân cấp nguy hiểm tầng lầu là D (cấp cao nhất) theo tiêu chuẩn về tính an toàn trong xây dựng, nghĩa là khả năng chịu lực không đáp ứng yêu cầu an toàn và luôn trong tình trạng nguy hiểm tổng thể.
Tuy vậy, ông Đào Văn Bé, Trưởng Ban quản lý chợ Giồng Miễu, khẳng định từ năm 2016 đến nay, nhà lồng trung tâm chợ vẫn chưa được tu sửa bất cứ hạng mục nào do nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo ông Bé, toàn chợ Giồng Miễu có 172 tiểu thương tham gia, được chia thành khu nhà lồng Trung tâm với hơn 32 tiểu thương buôn bán mặt hàng chủ yếu là giày dép, quần áo và các mặt hàng khác; Các tiểu thương còn lại buôn bán thực phẩm, ẩm thực… tại các khu, cụm ki-ốt, khu nhà lồng tiền chế phía sau nhà lồng trung tâm chợ.
Do khu vực chợ bị lấn chiếm vỉa hè, trũng thấp… nên Ban quản lý chợ luôn có trang bị máy bơm nước cứu hỏa, máy bơm thoát nước, cũng như thường xuyên nhắc nhở bà con về ý thức trong quá trình sử dụng điện…nhằm hạn chế tối thiểu các sự cố. Tuy vậy, cuối năm 2017, một vụ hỏa hoạn nhỏ trong chợ đã xảy ra do chập điện. Dù nỗ lực chữa cháy được phát huy tối đa nhưng 2 ki-ốt hàng hóa đã bị cháy rụi, 2 ki-ốt kế bên cũng bị thiệt hại nghiêm trọng. Tổng số tài sản thiệt hại sau vụ hỏa hoạn nhiều tỉ đồng.
Thực trạng hoang tàn đổ nát và đầy hiểm nguy tại tầng lầu khu nhà lồng trung tâm chợ Giồng Miễu

Thực trạng hoang tàn đổ nát và đầy hiểm nguy tại tầng lầu khu nhà lồng trung tâm chợ Giồng Miễu

Ảnh: Phương Bình

“Nếu có sự cố, các xe cứu hỏa chuyên dụng không thể di chuyển vào sâu bên trong chợ được vì vướng víu hàng hóa lấn chiếm lòng lề đường của tiểu thương trong chợ và người dân bên ngoài nhà lồng. Mặt khác, mặt đường giao thông nội bộ của toàn bộ khu chợ luôn bị ngập sâu do triều cường, mưa lớn và rất nhếch nhác”, ông Trần Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND TT.Thạnh Phú đánh giá.

Tiểu thương không muốn di dời chợ?

Ghi nhận về tâm tư, nguyện vọng của bà con tiểu thương Khu trung tâm chợ Giồng Miễu đối với chủ trương của huyện là chuyển toàn bộ chợ Giồng Miễu hiện hữu về Trung tâm thương mại - chợ Thạnh Phú, thuộc dự án Khu dân cư TT.Thạnh Phú, do Công ty TNHH MTV Đầu tư - Xây dựng Út Thắng làm chủ đầu tư.
Ông Lưu Hoàng Phóng, người bán đồ may sẵn tại tầng trệt Khu trung tâm chợ Giồng Miễu, cho biết ông không đồng tình việc phải di dời đến bất cứ nơi nào khác kinh doanh. Sở dĩ ông không muốn đi vì đã gắn bó với chợ này từ hơn 30 năm qua, hiện có những khách hàng quen thuộc, làm ăn khá ổn định…Việc phải chuyển đi đồng nghĩa với việc phải làm lại từ đầu. “Từng con đường, công trình mới mọc lên tại quê hương là tôi mừng lắm. Đứng ở góc độ người dân thị trấn, dĩ nhiên tôi sẵn sàng đóng góp cho lợi ích chung. Huyện chủ trương dời việc làm ăn của chúng tôi là để xây dựng các công trình phục vụ cho nhân dân. Nhưng lợi ích của nhân dân là cái nói chung chung, nếu không muốn nói là cái mơ hồ…Trong khi đó quyền lợi của chúng tôi sẽ bị mất tại Khu trung tâm chợ là cụ thể”, ông Phóng phân ưu.
“Nơi chuyển chúng tôi đến buôn bán thì Nhà nước phải lấy ý kiến chính chúng tôi thôi chứ lấy ý kiến cả của những người không trực tiếp buôn bán trong nhà lồng Trung tâm chợ là sao. Chúng tôi không đồng tình với cách làm này. Ngoài ra, hiện nay chúng tôi còn chưa rõ nơi chuyển tới sẽ như thế nào…thì làm sao đi được. Mặc dù doanh số buôn bán của quầy tôi trong vài năm qua đã giảm đến khoảng 50% so với trước kia nhưng tôi chỉ muốn tiếp tục buôn bán tại chợ này”, tiểu thương Lê Thị Bích Ngọc (59 tuổi), chủ 3 gian hàng buôn bán tại khu vực trung tâm chợ với thâm niên 20 năm, cho biết.
Nhiều tiểu thương tại khu vực trung tâm chợ Giồng Miễu còn cho biết họ không muốn đi vì hoài nghi kết luận năm 2016 về chất lượng công trình của Trung tâm tư vấn và Kiểm định xây dựng Bến Tre. Ngoài ra, Khu trung tâm thương mại - chợ H.Thạnh Phú nơi chuyển đến là của tư nhân đầu tư quản lý chứ không phải nhà nước như chợ cũ nên khả năng sẽ có nhiều vấn đề về cách quản lý chợ, giá thuê quầy hàng, cũng như vị trí của nơi này lùi về sau khá xa mặt lộ, không thuận lợi cho việc buôn bán kinh doanh. Ý kiến của số tiểu thương còn cho rằng chủ đầu tư Khu dân cư - Trung tâm thương mại H.Thạnh Phú đã chưa thực hiện hết các hạn mục về công trình, hạ tầng nội bộ…đúng theo giấy phép đầu tư của UBND tỉnh Bến Tre cấp, đã được công bố.
Theo ông Đào Văn Bé, từ sau khi bà con tiểu thương khu Trung tâm chợ nghe thông tin sẽ phải chuyển việc buôn bán về Khu dân cư - Trung tâm thương mại H.Thạnh Phú đã hết sức lo lắng, nhiều người thể hiện sự không đồng tình với chủ trương di dời. “Từ khi có thông tin chuyển chợ, một số tiểu thương Khu Trung tâm đã không nhập hàng mới, một số thì nhập hàng để cầm chừng… Nói chung tâm lý của bà con hoang mang lắm và không muốn dời đi. Hầu hết tiểu thương tại Khu trung tâm không muốn đi, còn các tiểu thương ở khu vực khác thì chưa có ý kiến”, ông Bé cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.