Miền Đông là một 'miền Thương'

20/01/2024 07:46 GMT+7

Sau hơn 4 tháng phát động, cuộc thi viết Hào khí miền Đông đã tìm ra những bài viết vô cùng xuất sắc. Tập sách cùng tên do Báo Thanh Niên - Vanlangbooks - NXB Hồng Đức ấn hành cũng được ra mắt nhân sự kiện này.

Một điều không thể phủ nhận là miền Đông Nam bộ luôn có sức hút đối với mỗi người. Dù là nơi chôn nhau cắt rốn hay chốn khách trú ghé lại đường xa thì vùng đất này vẫn mang lại cho người viết cũng như người đọc những tình cảm lạ. Ở đó, ta nghe thoang thoảng mùi hương của điều, sầu riêng…, tai nghe tiếng lá lao xao của rừng cao su, của tiếng sông thở…, còn tim cảm nhận sự giản dị, nhiệt tình, tính cách bộc trực, hào phóng và giàu lòng nhân ái của con người nơi đây.

Miền Đông là một 'miền Thương'- Ảnh 1.

Bìa sách

Miền Đông nuôi lớn những đứa con của mình bằng sự êm dịu, bằng sản vật trù phú. Đó có thể là người mẹ già vẫn nhắc con cháu mang trái điều chín về để ăn cơm. Đó là người đàn ông mỗi khi nghe hương nước mắm từ vùng Phan Thiết lại nhớ về kỷ niệm xưa mình đã đánh mất. Con sông Đồng Nai phù sa vun đắp hai bờ cũng tạo nên vùng thổ nhưỡng tốt cho rất nhiều sản vật phong phú…

Nhưng hơn hết đó còn là những cảm nhận của người xa xứ nhìn thấy một nét quê hương, bởi có những người dẫu đến xứ nào thì cũng mang theo hồn cốt quê nhà. Tuy cách rất xa ngọn nguồn thân yêu, nhưng tô mì Quảng hay món bánh khọt vẫn sẽ nối họ với nơi mình đã ra đi.

Và rồi ngược lại cũng từ nơi đó, thế hệ con cháu sẽ như những bậc cha chú dần được kết nối với giá trị này.

Và để có được một nơi hội tụ nhiều sắc dân ấy, thì người miền Đông vốn dĩ dễ thương, bà con thiệt thà, đầy ắp nhân nghĩa. Đó là Sài Gòn xoa dịu trái tim của kẻ tha hương để xây giấc mơ bé bỏng cho con mình. Đó là nơi giữ nhau bằng nghĩa tình, không ràng nhau lễ nghĩa, không so đo, tính toán thiệt hơn…

Miền Đông cũng gắn liền với một thời khó khăn, nơi từng ngôi nhà, từng khoảnh đất, từng mảng rừng… vẫn còn thấm đẫm ký ức chiến tranh. Nơi đó có liệt nữ Võ Thị Sáu ghi danh muôn đời, có già "Củ Chụp" ở chiến khu Đ đã giúp nuôi cán bộ lúc bị bao vây bởi cái đói cận kề. Đó cũng còn là những người một đi không muốn quay về, vì bạn bè, đồng chí - những người còn chưa quên mùi hương bưởi trên tóc người yêu hay còn dang dở những trang nhật ký viết cho mẹ mình… vẫn còn đâu đó nằm lại nơi đây Chính những người lính qua 30 năm với 2 cuộc trường kỳ kháng chiến rồi sẽ tiếp tục "làm đất nở hoa", làm thêm trù phú những mảnh đất cằn từ vết thương chiến tranh.

Họ là những người anh hùng thầm lặng, không đến chỉ bởi tiếng gọi kinh tế mà vì trách nhiệm thiêng liêng đối với đất nước, đối với Tổ quốc.

Dẫu cho thách thức, khó khăn vẫn luôn còn đó, thì chính nghị lực như câu thơ "Có sức người sỏi đá cũng thành cơm" rồi sẽ giúp họ mạnh mẽ vượt qua.

Người miền Đông cũng hồ hởi bắt tay xây dựng những công trình mới, giúp cuộc sống ngày càng giàu đẹp. Đó là công trình kênh Đông dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng để mang nước về cho H.Củ Chi. Đó còn là những khu công nghiệp đem đến cuộc sống trù phú, thịnh vượng cho người xa quê để thế hệ sau thêm phần dễ dàng... Từ những điều đó mà vùng đất này ngấm vào máu thịt, để rồi một ngày họ chợt nhận ra: "Khi ta ở cũng là nơi đất ở/Khi ta đi đất bỗng hóa linh hồn".

Tuy không phải ai cũng xuất phát từ những cây bút chuyên nghiệp nhưng qua sự chân thành, tươi sáng và đầy hồn nhiên của các bài viết gửi về tham gia cuộc thi, những gì đẹp nhất và thiêng liêng nhất của miền Đông hào khí đã được tái hiện. Chúng như những lát cắt để hình thành nên bức tranh khảm về một miền thương "gian lao mà anh dũng" trong cả thời chiến cũng như thời bình, khắc sâu trong ký ức của thế hệ trước và người đương thời.

Hôm nay, tổng kết và trao giải cuộc thi viết Hào khí miền Đông

Sáng nay 20.1, lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết Hào khí miền Đông do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổ chức sẽ diễn ra tại khách sạn Kỳ Hòa Vũng Tàu (TP.Vũng Tàu) và được phát trực tiếp trên báo điện tử thanhnien.vn cùng các kênh mạng xã hội Facebook, YouTube, TikTok Báo Thanh Niên vào lúc 9 giờ 30.

Phát động từ cuối tháng 7. 2023, sau hơn 4 tháng diễn ra, cuộc thi viết Hào khí miền Đông đã nhận được hơn 500 bài dự thi, thể hiện đa dạng cung bậc cảm xúc về tình đất, tình người cũng như niềm tự hào về kinh tế, văn hóa, lịch sử của các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ. Và theo nhà thơ Lê Huy Mậu, thành viên Ban giám khảo vòng chung khảo cuộc thi, "khi đọc các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, tôi nhận thấy mặc dầu thời gian tổ chức không dài, nhưng cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm theo dõi và tham gia của đông đảo của các nhà văn, nhà báo, của các bạn viết từ nhiều nơi trong cả nước. Nội dung các bài viết, dù tản văn, tạp bút hay bài báo, dù phản ánh hiện thực, hay khám phá đời sống, hay hồi ức kỷ niệm, hay cảm nhận tình đất, tình người… đều toát lên tình cảm, lòng tự hào, lòng biết ơn đối với vùng đất miền Đông - "vùng kháng chiến xưa" và "Vùng trọng điểm kinh tế phía nam" ngày hôm nay". Cùng tham gia chấm thi vòng chung khảo, nhà văn Thu Trân bày tỏ mong ước sẽ có nhiều cuộc thi hơn nữa viết về các vùng miền khác trên dải đất VN thân yêu của chúng ta; "bởi đây không chỉ là những chia sẻ về đất và người của một vùng đất, mà tôi còn thấy rất đậm đà những vấn đề văn hóa lịch sử bạt ngàn trong muôn trùng ký ức…".

Ngoài những bài viết được BTC trao giải theo quy định, các tác giả có bài viết hay còn được các tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam bộ trao giải thưởng của địa phương, gồm: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Phước. Dịp này, BTC cũng chính thức ra mắt tuyển tập sách Hào khí miền Đông, tập hợp 87 bài viết được tuyển chọn từ cuộc thi.

Thiên Anh

Miền Đông là một 'miền Thương'- Ảnh 2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.