Miền Đông - vùng đất lành của những người xa xứ

Khánh Liên
Ninh Thuận
02/12/2023 15:00 GMT+7

Miền Đông là một cái tên thân thương đối với làng tôi - một ngôi làng Nam Trung bộ. Mỗi khi gặp biến cố, những người làng tôi giống như bao người làng khác, khăn gói vào miền Đông để tìm cơ hội…

Trong làng tôi, nhiều gia đình có con học tập, làm việc, sinh sống ở vùng đất này. Miền Đông giống như vùng đất lành của những người xa xứ.

TP.Biên Hòa, Đồng Nai

TP.Biên Hòa, Đồng Nai

Lê Lâm

Ông cha ta thường nói "đất lành chim đậu". Ở một ngôi làng, người nông dân một nắng hai sương, một ngày bỗng gặp biến cố: người nhà bệnh, công việc khó khăn, nợ nần, con cái không có tiền đi học…, miền Đông được xem như là nơi cưu mang. Bọn trẻ đi học, sau khi tốt nghiệp cũng chọn miền Đông là nơi lập nghiệp vì nơi đây có nhiều công ty, xí nghiệp, nhà máy, nhiều cơ hội cho chúng thử sức trẻ và tạo dựng tương lai. Những bà nội trợ ở làng tôi nhiều khi muốn giúp chồng, con cũng khăn gói vào TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… giúp việc. Có thể nói, chưa có vùng đất nào người làng tôi chọn lựa đến tìm kiếm cơ hội nhiều như miền Đông. Nên miền Đông là quê hương thứ hai của bao thân phận người.

Miền Đông có gì mà hấp dẫn người ta đến thế?

Đầu tiên chính là thế mạnh của vùng đất. Miền Đông đất rộng, nhiều sông ngòi, đất đai trù phú, thích hợp cho trồng cây công nghiệp và cây ăn trái. Khí hậu miền Đông cũng mưa thuận gió hòa, không có nhiều bão, lũ. Miền Đông còn là vùng kinh tế trọng điểm. Bình Dương, Đồng Nai nơi tập trung các khu công nghiệp, làng nghề, vườn cây công nghiệp, cây ăn trái. Vũng Tàu phát triển công nghiệp hóa dầu, công nghiệp biển và du lịch. TP.HCM là trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam, trung tâm thương mại và kinh tế của khu vực… Những yếu tố này đủ để gây hấp dẫn với người lao động tìm kiếm việc làm và cơ hội đổi đời.

Bên cạnh thế mạnh của vùng đất, miền Đông còn thu hút lòng người. Do lịch sử của vùng đất, miền Đông là nơi hội tụ các anh hùng hào kiệt tứ xứ nên người miền Đông có tính cách hào sảng, y như phù sa của những dòng sông ở vùng đất này. Đón nhận tất cả những người tứ xứ, không phân biệt vùng miền, chỉ cần có ý chí, nỗ lực là có thể ở lại, trở thành công dân của vùng đất. Người miền Đông thu nhận cái hay của mọi miền, không phân biệt, kỳ thị. Ở miền Đông ta có thể tìm hiểu được cái hay của mọi miền vì khi một người rời quê hương xứ sở, người ta mang mọi thứ hay ho của quê hương mình tới vùng đất mới.

Rất nhiều người đã tạo dựng được cuộc sống của mình ở miền Đông nhưng không phải ai cũng được như vậy. Trên bước đường xa xứ, không ít người không trụ lại được, phải trở về quê nhà. Sau dịch Covid-19, kinh tế thế giới và Việt Nam khó khăn. Không có đơn hàng, nhiều công ty, nhà máy… hoạt động cầm chừng. Nhiều nơi cơ cấu lại nhân sự, giảm và sa thải người lao động.

 Miền Đông - vùng đất lành của những người xa xứ - Ảnh 2.

Các bạn đoàn viên, thanh niên Bình Phước phát miễn phí nước, tiếp bước bà con về quê ăn tết

Hoàng Giáp

Trong bức tranh buồn, người lao động cũng hiểu rằng đây là một giai đoạn khó khăn, buộc phải vậy, chứ không phải vùng đất này từ bỏ họ. Về lại quê nhà hay đi tìm cơ hội ở một vùng đất khác, ai cũng luyến tiếc vùng đất đã cưu mang mình và gia đình.

Làng tôi, thời gian gần đây, một số người làm ăn ở miền Đông trở về sinh sống. Mặc dù về làng nhưng họ vẫn vấn vương vùng đất đã từng cho họ công ăn việc làm. Ở đó có gì vui? Nhiều người hỏi họ. Một phòng trọ bé xíu, chật chội và nóng. Mở mắt ra đi làm, tối mịt mới về phòng trọ. Có gì đâu mà lãng mạn và thương nhớ?

Có chứ. Có cái tình. Đời sống cực khổ nhưng ở riết thành người thân, thành gia đình. Mình bị nhiễm cái tính hào sảng của người ở đó luôn. Rồi những câu chuyện tuôn ra. Hồi Covid-19, thật kinh khủng, cả dãy trọ bị nhốt, không đi làm, không đi chợ, không đi đâu. Tui tưởng mình chết chắc rồi. Vậy mà tuần nào, cả dãy trọ cũng có đồ ăn: nào gạo, rau, cá… Mọi người cảm động chia nhau và bảo chắc có "Bụt" mang tới. "Bụt" là ai biết không? Là người, trùm kín mít tui không biết mặt, biết tên. Nhưng giúp người sống sót thì chính là "Bụt". Vì cái tình đó mà tụi tôi vững tâm, can đảm vượt qua những ngày dịch giã.

Còn vô số câu chuyện nữa chỉ những người xa xứ mới cảm nhận được cái tình ở vùng đất đã cưu mang họ. Bao nhiêu người ra đi, trong túi không có một ngàn đồng, cả gia đình trông đợi phía sau, hai bàn tay trắng vậy mà cũng làm nên cơm áo. Vùng đất gì thần kỳ vậy?

Tui biết ơn vùng đất đó, dù không trụ lại được, tui vẫn biết ơn. Khi trở về làng, người ta cũng mang về những hay ho đã học hỏi ở vùng đất mình đã tới, suy nghĩ thoáng hơn, có tầm nhìn hơn, can đảm, nỗ lực làm việc trên chính quê hương mình.

Một chiều, tôi lang thang qua một thành phố mới ở Đồng Nai. Những ngôi nhà trong khu phố mới dành cho người giàu nhưng có nhiều người lao động nghèo làm việc. Hết giờ làm, những người lao động ngồi trên vỉa hè, bên khu đất trống chưa xây dựng, người chủ đã cho trồng một vườn hoa mai. Vườn mai vàng rực, líu ríu chim sẻ giỡn, những người lao động áo ướt đẫm mồ hôi, những tầng nhà chiếu xiên vạt nắng chiều. Giàu – nghèo, quê - phố trong cùng một bức tranh.

Câu chuyện cuối ngày, người mơ có một ngôi nhà đẹp như ngôi nhà trước mắt, người mơ chỉ cần có nhà nhỏ xíu như hộp diêm, miễn nhà mình là được, người mơ vườn mai, người mơ về quê sửa nhà, làm vườn… Các gương mặt nhễ nhại mồ hôi nhưng miệng cười và ánh mắt lấp lánh. Ai cũng nghĩ, biết đâu đấy, một ngày nào đó, giấc mơ sẽ thực hiện được. Đâu có ai đánh thuế giấc mơ.

Vì giấc mơ đó mà họ đã tạm biệt quê nhà và ở đây - xứ của người và sẽ là xứ của họ.

Miền Đông - vùng đất lành của những người xa xứ, nơi cho họ giấc mơ, niềm tin và hy vọng. Nếu không, họ đâu coi đây sẽ là chốn quê nhà?

 Miền Đông - vùng đất lành của những người xa xứ - Ảnh 3.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.