Miễn học phí THCS là một bước tiến lớn

11/08/2018 07:02 GMT+7

Việc ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tái đề xuất miễn giảm học phí với THCS, bậc học phổ cập giáo dục bắt buộc, khi sửa luật Giáo dục, nhận được nhiều ý kiến đồng tình từ dư luận xã hội.

Trước đó, Báo Thanh Niên đã từng có nhiều bài viết đề xuất miễn học phí THCS. Trong các bài viết, nhiều phụ huynh và nhà quản lý cho rằng làm được vấn đề trên là thể hiện tính “cách mạng” và sự nhân văn trong chính sách của nhà nước đối với giáo dục.
Miễn học phí rất cần, nhưng có phát sinh lạm thu?
Chị Bùi Thị Thu Huyền, phụ huynh học sinh (HS) học một trường THCS ở Q.Đống Đa (Hà Nội), nói: “Có 2 con học ở cấp học phổ cập nên việc giảm chi phí học hành là tin rất đáng quan tâm với những gia đình viên chức như chúng tôi. Nhất là từ năm học mới, Hà Nội lại tiếp tục tăng học phí ở cấp THCS hơn 40% so với năm học trước (từ 110.000 đồng/HS/tháng lên 155.000 đồng). Tuy nhiên việc miễn, giảm học phí chỉ thực sự có ý nghĩa nếu tổng chi phí năm học của mỗi HS không tăng cao và là gánh nặng cho phụ huynh”.
Theo chị Huyền, thực tế ở cấp tiểu học, dù lâu nay được miễn học phí hoàn toàn nhưng gia đình vẫn phải đóng góp nhiều khoản cao gấp nhiều lần mức học phí quy định. Vì vậy, vấn đề chính là nhà nước và các địa phương cần xem xét thật kỹ các khoản thu được phép của nhà trường để cân bằng với chi phí và ngân sách. Mục đích cuối cùng là con số tổng chi cho mỗi năm học phải thực sự giảm, nên phụ huynh chỉ yên tâm khi miễn học phí mà không phải đóng những khoản ngoài học phí quá nhiều.

Nếu chúng ta áp dụng theo hướng bắt buộc như các nước vẫn làm thì chắc chắn chúng ta phải miễn học phí cho HS độ tuổi đó ở trường công lập, nếu không người dân có thể nói vì “tôi không có tiền nên tôi không đi học”

GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa -
Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội

Ông Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Q.Tây Hồ, Hà Nội), cũng bày tỏ sự ủng hộ chính sách miễn học phí ở cấp THCS vì cho rằng chính sách này thể hiện đúng tinh thần phổ cập giáo dục như các nước trên thế giới vẫn thực hiện, dù có thể nhà trường không còn 40% trích lại từ khoản thu học phí sẽ có thể khó khăn hơn một chút.
Học sinh trường tư cũng cần được hưởng
Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng lâu nay bậc tiểu học được miễn học phí nhưng chỉ áp dụng với cơ sở công lập. Nay nếu đề xuất miễn học phí tới cấp THCS thì dự thảo luật cần xem xét tới đối tượng HS học ở các cơ sở ngoài công lập cũng cần được thụ hưởng chính sách này.
“Theo tôi, HS học các trường tiểu học và THCS ở trường công lập và ngoài công lập cũng cần được nhà nước cấp học phí ngang bằng nhau. Đó là mức đảm bảo các điều kiện tối thiểu, còn các trường ngoài công lập, trường chất lượng cao cung cấp thêm các dịch vụ giáo dục cao thì phải thu thêm tiền của HS để bổ sung phần nâng cao đó”.
Đã là phổ cập thì không thu học phí GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội, cho hay ông rất mừng khi biết việc miễn học phí THCS được đề xuất trở lại khi xây dựng dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi). Trước đó, vào tháng 3 vừa qua, khi biết nội dung được đặc biệt quan tâm là miễn học phí tới cấp THCS ở trường công lập và lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp đều không còn được đề cập trong dự thảo luật, trao đổi với Thanh Niên, GS Thi cũng nói đây là điều “rất đáng tiếc” và cho rằng nếu như vậy thì việc sửa luật Giáo dục sẽ không còn nhiều ý nghĩa nữa.
Ông Thi cho rằng đây là chính sách nhân văn nhất cho HS, đối tượng chúng ta cần quan tâm. Do vậy, nếu chính sách miễn học phí cho HS THCS được Quốc hội thông qua thì đây sẽ là một bước tiến lớn. Lâu nay, chúng ta đã coi cấp THCS là cấp học phổ cập nhưng lại đưa ra khái niệm “phổ cập thu học phí” và “phổ cập không thu học phí”. Trong khi lẽ ra đã là phổ cập thì không được thu học phí. Ở các nước, phổ cập bắt buộc về mặt pháp lý. Có nghĩa phổ cập không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ và trách nhiệm của HS, phụ huynh nữa. Nếu chúng ta áp dụng theo hướng bắt buộc như các nước vẫn làm thì chắc chắn chúng ta phải miễn học phí cho HS độ tuổi đó ở trường công lập, nếu không người dân có thể nói vì “tôi không có tiền nên tôi không đi học.
Lý giải cho việc đề xuất miễn học phí ở cấp THCS, theo Bộ GD-ĐT, cơ quan soạn thảo dự luật Giáo dục (sửa đổi), khoản 2 điều 61 Hiến pháp năm 2013 quy định: “từng bước phổ cập giáo dục trung học”; Nghị quyết số 29-NQ/TƯ quy định: “Đối với giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020”. Đồng thời, chế độ thu học phí hiện nay đã bộc lộ một số hạn chế, như luật Giáo dục hiện hành quy định: Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, giáo dục tiểu học và giáo dục THCS. Tuy nhiên, đến nay nhà nước mới chỉ thực hiện miễn học phí đối với giáo dục tiểu học, còn giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và giáo dục THCS vẫn chưa được miễn học phí. Điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là vùng núi, vùng dân tộc thiểu số... Miễn học phí đối với HS THCS sẽ huy động được HS đến trường, định hình việc phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho HS THPT rõ ràng hơn, khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo, đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội và hội nhập quốc tế. Miễn học phí đối với HS THCS không chỉ góp phần tiết kiệm chi phí cho mỗi cá nhân, gia đình mà còn tiết kiệm nguồn lực cho cả xã hội.
Ý kiến
Chủ trương đúng thì phải thực hiện đúng
Thực sự số tiền học phí miễn giảm không lớn, do vậy đừng hô hào khẩu hiệu rồi tìm cách biến tướng nó xấu đi. Phải làm sao cho tổng chi phí của phụ huynh và học sinh giảm để thể hiện sự quan tâm của nhà nước và chính sách được thực hiện đúng, chứ đừng theo cái bản chất là đổi hình thức thu, núp bóng kiểu xã hội hóa, vận động sai mục đích.
Võ Quốc Bình,
Phụ huynh HS tại Q.1, TP.HCM
Chính sách thể hiện sự tiến bộ và nhân văn
So với tổng số tiền học mà phụ huynh đóng hằng tháng cho con em thì tiền học phí chiếm tỷ trọng khá nhỏ nhưng chính sách miễn giảm lại thể hiện sự tiến bộ và nhân văn. Phụ huynh sẽ giảm một phần đóng góp, dù có thể không nhiều, đặc biệt những gia đình ở thành thị nhưng tác động đến tâm lý khá lớn. Chính sách này giúp người dân thấy được nhà nước quan tâm đến sự đầu tư cho giáo dục. Cùng với việc miễn giảm học phí ở bậc tiểu học, đây là việc nên làm đối với những bậc học cao hơn.
Phạm Phương Bình,
Phụ huynh Trường THCS Hoa Lư, Q.9, TP.HCM
Đây là một tin vui
Mỗi tháng, trung bình tiền học của con tôi vào khoảng 1,3 triệu đồng, nếu bây giờ được miễn học phí thì mức đóng giảm khoảng 10%. Đối với người buôn bán nhỏ lẻ, kiếm tiền ăn hằng ngày như chúng tôi, đây là một tin vui bởi giảm được khoản tiền nào thì hay khoản đó. Đối với đại đa số người dân hiện nay, việc chăm lo cho con cái học hành không phải là chuyện nhỏ. Nên rất mong nhà nước ngày càng có những chính sách chăm lo đối với người dân.
Dương Thanh Hòa,
Phụ huynh HS tại Q.5, TP.HCM
Bích Thanh (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.