Miền ký ức thuở xung phong

16/01/2021 06:54 GMT+7

Một thời chân đất là tuyển tập đậm tính văn học, được khởi xướng bởi một nhóm cựu thanh niên xung phong TP.HCM nhập ngũ năm 1976 - 1977, mang tinh thần “nghĩa tình đồng đội”.

1. Thấm thoát đã 45 năm, kể từ tháng 3.1976, ngày chứng kiến hàng vạn thanh niên của thành phố Sài Gòn cùng nhau “bỏ phố lên rừng”, khoác lên người bộ đồng phục màu cỏ úa, tập hợp trong một tổ chức với tên gọi: Thanh niên xung phong (TNXP). “Xin chào tạm biệt thành phố yêu dấu/Ta bước vô ngôi trường cách mạng/Mang theo tình yêu, mang theo cuộc sống/Đi bất cứ nơi nào Tổ quốc đang mong...” (bài hát Hành khúc lên đường, sáng tác của Vy Nhật Tảo).
Một thời chân đất (NXB Tổng hợp TP.HCM) dày khoảng 350 trang, in 3.000 quyển, giá bìa 100.000 đồng/quyển, với sự tham gia của hơn 40 tác giả trong và ngoài lực lượng TNXP, cùng phần vẽ minh họa màu khá sinh động của 8 họa sĩ: DAD, Nguyễn Thành Trung, NHOP, Trần Anh Toàn, Nguyễn Hữu Thiện, Nguyễn Anh Dũng, Hoài Ngọc, Đinh Tấn Lễ. Tuyển tập dự kiến phát hành vào trung tuần tháng 3 năm nay.
Họ đã dàn quân rộng khắp, từ vùng ven TP.HCM, lên Tây nguyên, qua miền Đông Nam bộ, xuống Đồng Tháp Mười, U Minh, miệt thứ Kiên Giang, đất mũi Cà Mau… thực hiện những công trình khai hoang phục hóa, đào kênh đắp đập, lập làng kinh tế mới, xây dựng nông trường... với cả tâm hồn trong sáng, bất vụ lợi.
Rồi chiến tranh biên giới Tây Nam bùng phát, những chàng trai cô gái TNXP lại xông pha vào trận mạc, cùng bộ đội Việt Nam giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ. Kết thúc chiến tranh, 99 liệt sĩ TNXP tuổi đôi mươi đã vĩnh viễn ra đi, để lại sự tiếc thương nơi đồng đội.
Ngày họ lên đường, tóc hãy còn xanh với sự đa dạng thành phần xuất thân: sinh viên, học sinh, lao động phổ thông, gái lỡ lầm… Bây giờ, những mái đầu ấy đã bạc, họ đồng loạt “lên chức” ông bà nội ngoại, đặc biệt có người làm ông, bà cố. Dù đã 45 năm trôi qua, song “tình đồng đội” ở họ vẫn luôn nồng ấm như thuở khoác ba lô về những miền đất mới. Những đồng đội TNXP ngày ấy vẫn hồn nhiên, sôi nổi ôn lại kỷ niệm xưa trong những lần họp mặt truyền thống. “Chất TNXP” trong họ hình như vẫn còn vẹn nguyên.
Tuy nhiên, kể từ ngày xuất ngũ, phần lớn trong số họ đã trải qua những tháng ngày lao động cật lực để mưu sinh với đủ thứ nghề. Điều không may là một số người đổ bệnh mà trước đó chẳng có đủ tiền để mua thẻ bảo hiểm y tế; thậm chí có người qua đời mà gia cảnh quá nghèo không lo nổi hậu sự... Trước tình cảnh ngặt nghèo đó, các ban liên lạc hội/nhóm cựu TNXP TP.HCM đã cùng chung tay góp sức trên tinh thần “nghĩa tình đồng đội”. Gần đây nhất là sự chuẩn bị để ra mắt tuyển tập Một thời chân đất cũng thuộc phạm trù “nghĩa tình đồng đội” ấy.
2. Một thời chân đất là tuyển tập đậm tính văn học, được khởi xướng bởi một nhóm cựu TNXP TP.HCM nhập ngũ năm 1976 - 1977. Tập sách được cơ cấu với các thể loại: truyện ngắn, bút ký, thơ, tản văn và được thể hiện bởi các cây bút TNXP và những người bạn, gồm: Nguyễn Nhật Ánh, Cao Vũ Huy Miên, Trần Ngọc Châu, Nam Thiên, Đỗ Trung Quân, Bùi Chí Vinh, Thanh Nguyên, Bùi Nguyễn Trường Kiên, Hồ Thi Ca, Bùi Thị Trinh, Phan Tiến Trình, Nguyễn Tuấn Quyền, Đào Công Điện, Trương Quang Lục... Tuyển tập này ra đời nhằm 2 mục đích: một là lưu giữ những kỷ niệm khó phai của lớp thanh niên Sài Gòn dưới màu áo TNXP 45 năm trước; hai là dành toàn bộ tiền bán sách cùng nguồn tiền đóng góp của những tấm lòng hảo tâm để “làm quà” gửi đến các cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn. Một món quà nghĩa tình, nhân tiến tới kỷ niệm 45 năm ngày thành lập lực lượng TNXP TP.HCM (28.3.1976 - 28.3.2021). Tuyển tập được sự đồng tình, hỗ trợ của Hội Cựu TNXP TP.HCM và Ban Tuyên giáo Lực lượng TNXP TP.HCM.
Đọc tuyển tập này, chúng ta sẽ thấy rõ hơn sự mất mát bởi chiến tranh:
“Tờ báo tường bị miểng cắt làm hai
Đội phó chính trị một mình loay hoay ngồi dán
Miểng cắt nhằm ngay bài thơ tải đạn
Tác giả mới hy sinh trong trận đánh hồi chiều
Nên bài thơ đành bỏ dở mấy câu
Mặt trận mới yên giờ nghỉ không lâu
Ngồi trên miệng hầm vẫn còn lo giặc pháo
Đội phó chính trị thúc: “Mỗi người một bài báo”
Ai cũng loay hoay tranh thủ viết ngồi, nằm...”
(Trích bài thơ Tờ báo tường trên chốt tiền tiêu của Cao Vũ Huy Miên viết về những đồng đội TNXP một thời ở biên giới Tây Nam).
Sự mất mát, hy sinh của TNXP còn được thể hiện trong bài thơ Tình đồng đội (Nguyễn Tuyết), tiếc thương cho trung đội nữ của mình bị lính Khmer Đỏ tàn sát. Tác giả bị dằn vặt trong nỗi đau mất đồng đội khi mình may mắn thoát chết (do cấp trên điều động đi công tác) trước “ngày định mệnh” chỉ 1 ngày. Chiến trường biên giới Tây Nam những năm cuối của thập niên 1970 được kể lại trong khá nhiều bài viết khác, trong đó có bài Những bông hoa trên tuyến lửa của Đỗ Trung Quân: “... Em là người thanh niên xung phong/Không có súng, chỉ có đôi vai cáng thương, tải đạn/Giữa tầm đạn thù, tấm lòng dũng cảm/Em vượt đường dài tiếp thêm lửa tiến công...”.
Bên cạnh “chương hào hùng” về chiến trường biên giới Tây Nam, còn có sự hài hước trong “văn hóa ẩm thực” của TNXP thời bao cấp qua bút ký Ăn như tu, làm như phu... (Nguyễn Tuấn Quyền) với những câu chuyện mà nếu đọc, thế hệ trẻ ngày nay chắc sẽ không tin được là trên cõi đời này lại có những món ăn “kinh dị” như vậy.
Như đã nói, thành phần xuất thân của TNXP TP.HCM thời trước khá đa dạng, trong đó có một bộ phận chỉ mới học lớp 1, lớp 2, thậm chí còn... mù chữ. Do vậy, các đơn vị TNXP phải mở lớp bổ túc văn hóa cho họ. Vận động anh chị em đi học bổ túc và xóa mù chữ là cả một nghệ thuật, được thể hiện bằng nhiều thủ thuật vừa “tình thương mến thương” xen lẫn “mệnh lệnh hành chính”. Kết quả là họ biết đọc, biết viết. Rất mừng. Song cũng rất lo vì có anh nọ mạnh dạn viết “thư tình cuối mùa thu” gửi cho một đồng đội nữ nhằm thổ lộ tình yêu thầm kín. Thế nhưng trong “thông điệp tình yêu đầu đời” ấy, thay vì viết “Anh yêu em”, anh ta lại viết thành “Anh yêu me”. Đó là một trong nhiều tình tiết thú vị được Nguyễn Nhật Ánh thể hiện trong truyện ngắn Con đường văn tự. Ngày nay, Nguyễn Nhật Ánh đã trở thành nhà văn “best-seller” của Việt Nam, được đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước ngưỡng mộ, nhất là giới sinh viên - học sinh. Nếu độc giả muốn biết lúc còn tại ngũ TNXP, Nguyễn Nhật Ánh đã viết văn như thế nào thì có thể tìm thấy trong tuyển tập Một thời chân đất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.