Miễn phí đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng

05/07/2014 09:00 GMT+7

“Ở đâu không biết chứ ở Đà Nẵng việc bồi dưỡng cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, nghiệp vụ thuyền viên và thợ máy tàu cá là hoàn toàn miễn phí”, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng nói.

Miễn phí đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng
Khi chuyển đổi từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép sẽ cần nhiều nguồn lao động được đào tạo bài bản - Ảnh: H.T

Mừng vì tàu to đang tăng

Theo quyết định số 77/2008/QĐ-BNN của Bộ NN-PTNT, có 3 nhóm tàu đánh cá được phân chia để thực hiện bồi dưỡng, cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá. Đó là loại tàu từ 20CV đến dưới 90CV (chứng chỉ hạng nhỏ); tàu từ 90CV đến dưới 400CV (chứng chỉ hạng 5) và tàu trên 400CV là chứng chỉ hạng 4. Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong việc thực hiện quyết định của Bộ NN-PTNT. Theo ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng, từ năm 2008 đến nay, tại Đà Nẵng đã bồi dưỡng và cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng cho 1.900 người, trong đó có 1.300 người được miễn phí hoàn toàn. “Từ năm 2008 đến năm 2012, tại Đà Nẵng phần lớn là tàu công suất nhỏ hoạt động, nên việc bồi dưỡng và cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng chủ yếu tập trung vào loại 5 hoặc chứng chỉ hạng nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay tại Đà Nẵng đã có trên 100 chiếc tàu đánh cá vỏ gỗ có công suất trên 400CV và số người tham gia bồi dưỡng lấy chứng chỉ hạng 4 cũng tăng đáng kể. “Đây là tín hiện lạc quan đáng mừng khi có nhiều tàu công suất lớn vươn khơi đánh bắt thủy sản, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, ông Tám nói. Qua nhiều năm bồi dưỡng cho ngư dân Đà Nẵng, theo ông Nguyễn Đỗ Tám, cái mà ngư dân đang thiếu chính là kiến thức hàng hải, thông tin về luật biển cũng như các công ước quốc tế về biển mà VN tham gia, cách khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chậm tiếp thu, sử dụng trang thiết bị hàng hải chuyên dụng như máy định vị, máy tầm ngư, ra đa... Còn khả năng điều khiển tàu thì rất tốt, bởi những người này đã có nhiều năm kinh nghiệm đi biển, đối mặt với những cơn bão dữ trên biển Đông.

Lo chất lượng lao động

“Cho đến nay vẫn chưa có quy định nào mới của Bộ NN-PTNT về bồi dưỡng thuyền trưởng, máy trưởng cho tàu vỏ thép. Bước đầu, tại Đà Nẵng, các loại chứng chỉ sử dụng trên tàu vỏ gỗ cũng sẽ được chấp nhận sử dụng cho tàu vỏ sắt. Tuy nhiên, về lâu dài, căn cơ thì khi triển khai đồng loạt chương trình đóng tàu đánh cá bằng vỏ thép, khẩn cấp phải đào tạo lại, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho thuyền trưởng, máy trưởng...”, ông Tám nhấn mạnh. Một trong những nỗi lo lớn của ngành NN-PTNT là muốn hiện đại hóa, công nghiệp hóa lĩnh vực khai thác thủy sản thì người lao động trên tàu phải có học vấn nhất định để có kiến thức điều khiển, làm chủ tàu cũng như trang thiết bị hiện đại đầu tư trên tàu. “Qua khảo sát tại Đà Nẵng, ngay cả con em ngư dân bao đời gắn bó với biển, có con học lớp 11 - 12, thậm chí tốt nghiệp THCS đã không muốn đi biển mà tìm kiếm cơ hội khác trên đất liền. Vì vậy, khi đầu tư tàu vỏ thép cho ngư dân, chắc hẳn sẽ cần một lượng rất lớn lao động có trình độ tay nghề được đào tạo cơ bản mới mang lại hiệu quả cao trong quá trình đánh bắt thủy sản”, ông Tám tâm sự. “Đi biển thu nhập bấp bênh, rủi ro lớn, nguy hiểm luôn rình rập nên nhiều người, nhất là lao động trẻ ngại đi biển. Nếu có tàu vỏ thép, độ an toàn cao, năng suất đánh bắt, chất lượng bảo quản sản phẩm sau đánh bắt cũng tăng ắt hẳn thu nhập của người lao động cũng tăng theo. Từ đó, sẽ thu hút được nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên môn đi biển, khai thác thủy sản”, một ngư dân ở Q.Sơn Trà, Đà Nẵng nói.

Hữu Trà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.