Miền Tây bội thu vụ lúa - tôm

29/01/2024 10:13 GMT+7

Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang đến gần, nông dân các tỉnh ven biển miền Tây vui như 'bắt được vàng' khi vụ lúa - tôm bội thu chưa từng thấy.

Từ lâu, mô hình sản xuất luân canh lúa - tôm tại các tỉnh thuộc bán đảo Cà Mau như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và một phần Kiên Giang được xem là cách làm bền vững, giúp nông dân thoát nghèo. Thế nhưng, chưa năm nào mô hình này mang lại giá trị cao như vụ đông xuân 2023 - 2024. Đặc biệt, khi giống lúa thơm chất lượng cao như ST24, ST25 cho gạo ngon nhất thế giới phủ kín ánh đồng, giúp nông dân nâng cao giá trị cả con tôm lẫn cây lúa.

"Đồng chó ngáp" trúng mùa kép

Nhìn những cánh đồng lúa ST24, ST25, OM18 trên ao tôm ở các huyện Hồng Dân, Phước Long và TX.Giá Rai (Bạc Liêu), thật khó tưởng tượng nơi này từng là "cái rốn" của "Đồng chó ngáp". Một vùng đất vốn toàn lung trũng, phèn, mặn, cỏ hoang mọc um tùm. Người dân quanh năm chỉ có thể thả trâu, nuôi vịt chạy đồng. Vậy mà ngày nay, qua bàn tay con người đã trở thành những ruộng lúa luân canh trên đất nuôi tôm trĩu hạt, vàng óng, đang thu hoạch rộ.

Miền Tây bội thu vụ lúa - tôm- Ảnh 1.

Mô hình lúa - tôm ở H.Hồng Dân, Bạc Liêu

PHAN THANH CƯỜNG

Ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp An Khang (xã Ninh Quới A, H.Hồng Dân, Bạc Liêu), phấn khởi cho biết: "HTX có 50 thành viên, hơn 850 ha đất canh tác, trong đó 200 ha sản xuất lúa - tôm. Vụ này, nhờ thời tiết thuận lợi, năng suất lúa đạt gần 7 tấn/ha, tăng 0,5 - 1 tấn/ha, đây là năng suất cao hiếm thấy". Mừng hơn cho nông dân khi giá lúa bán bình quân 240.000 đồng/giạ, tăng gần 70.000 đồng/giạ (1 giạ lúa bằng 20kg - PV). Sau khi trừ các khoản chi phí, nông dân thu lợi nhuận 68 triệu đồng/ha.

Ông Phong kể, cái lợi trông thấy được của việc trồng lúa trên đất nuôi tôm là cắt giảm được lượng lúa giống, phân bón, hạn chế sử dụng thuốc thực vật, giảm chi phí mà năng suất vẫn rất đạt. Thêm vào đó, quá trình sản xuất lúa luân canh với nuôi tôm còn giúp nhà nông cắt đứt nguồn lây bệnh từ vụ lúa trước sang vụ sau. Các chất hữu cơ còn tồn dư sau vụ tôm cũng chính là nguồn dinh dưỡng giúp lúa sinh trưởng. Ngược lại, trồng lúa luân canh không chỉ giúp làm sạch môi trường ao tôm mà nguồn rơm, rạ phụ phẩm sau thu hoạch cũng chính là nguồn thức ăn phong phú cho tôm. "Năm nay, trúng mùa, trúng giá ai cũng phấn khởi. Chắc chắn HTX sẽ nhân rộng thêm diện tích lúa - tôm vụ sau", ông Phong nói.

Miền Tây bội thu vụ lúa - tôm- Ảnh 2.

Mô hình lúa - tôm mở ra những kỳ vọng lớn hơn cho nông dân miền Tây

PHAN THANH CƯỜNG

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu Phạm Văn Mười vui mừng thông tin, trong gần 47.000 ha lúa - tôm trên địa bàn hiện đã thu hoạch khoảng 15.000 ha. Các giống lúa thơm trồng phổ biến như: ST24, ST25, Một bụi đỏ, OM18, Đài thơm 8... đều có giá dao động từ 10.600 - 11.500 đồng/kg. Đây là mức giá kỷ lục, giúp lợi nhuận của nông dân tăng từ 9 - 24 triệu đồng/ha so với năm trước. "Nếu trước đây nông dân chủ yếu trông chờ vào con tôm thì nay đã chú trọng cả lúa. Chính nhờ có nhiều giống lúa chất lượng cao, giá tốt, cộng với việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào canh tác đã thực sự mang lại hiệu quả cao cho mô hình lúa - tôm tại địa phương", ông Mười nói.

Lúa ngon nhất thế giới giúp tăng thu nhập gấp đôi

Tương tự Bạc Liêu, những ngày cuối năm, đi đến các xã thuộc H.Thới Bình (Cà Mau) sẽ bắt gặp bà con thu hoạch tôm càng xanh nuôi trên đất lúa. Thới Bình cũng là huyện có diện tích sản xuất lúa - tôm lớn nhất tỉnh Cà Mau với khoảng 18.000 ha, tiếp đến là các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước... với diện tích toàn tỉnh gần 40.000 ha.

Ông Lê Văn Mưa, ngụ xã Trí Lực, H.Thới Bình, cho biết, 5,5 ha lúa ST25 trồng trong vuông tôm của ông vừa thu hoạch xong, năng suất lúa đạt gần 6 tấn/ha. "Vui hơn là gạo ST25 tiếp tục giành giải gạo ngon nhất thế giới năm 2023, thế nên từ đầu vụ, thương lái đã bao tiêu giá lúa gần 10.000 đồng/kg. Nhờ đó mà vụ lúa này gia đình tôi lãi gần 200 triệu đồng".

Miền Tây bội thu vụ lúa - tôm- Ảnh 3.

Nông dân H.Thới Bình (Cà Mau) thu hoạch tôm luân canh với lúa chất lượng cao

GIA BÁCH

Là hộ sản xuất lúa - tôm có tiếng ở xã Tân Bằng, H.Thới Bình, ông Huỳnh Văn Dũng kể, trước đây với diện tích 1,5ha, mỗi năm tối đa, gia đình ông thu về khoảng 50 - 60 triệu đồng. Cho đến khi ông Dũng cùng 2 hộ dân được ngành chức năng chọn tham gia đề án "Nâng cao tính bền vững của hệ thống canh tác lúa - tôm". "Chính nhờ đề án này, nông dân chúng tôi được đào tạo bài bản lại, không chỉ dựa vào kinh nghiệm như trước nữa. Chẳng hạn theo thói quen cũ, rơm rạ của vụ lúa trước mình tuốt xong là bỏ thì nay cột lại thành từng bó, đưa xuống ruộng để tạo tảo, làm thức ăn cho tôm. Rồi họ còn hướng dẫn cải tạo ao đầm, gây màu nước, chọn con giống tôm, nói chung rất kỹ lưỡng", ông Dũng nói. Ứng dụng hiệu quả các giải pháp kỹ thuật nên cùng 1,5 ha ruộng như mọi năm nhưng thu nhập của gia đình ông Dũng đã tăng lên 100 - 120 triệu đồng/năm.

Theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, tỉnh đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để phát huy hơn nữa mô hình lúa - tôm. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc liên kết xây dựng quy trình sản xuất phù hợp; nỗ lực thực hiện các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế, đa chứng nhận để nông dân có thể bán được tôm luân canh lúa cho nhiều thị trường với giá trị cao hơn.

Tỉnh Kiên Giang cũng đã mở rộng diện tích lúa - tôm lên khoảng 62.500 ha; Sóc Trăng 7.500 ha. Nhiều địa phương lúa - tôm còn được sản xuất với nhiều hình thức phong phú hơn như: Nuôi 2 vụ tôm (tôm sú hoặc thẻ chân trắng) vào mùa khô và trồng 1 vụ lúa vào mùa mưa có xen thả nuôi tôm sú, thẻ tôm chân trắng hoặc tôm càng xanh. Các địa phương cũng mạnh dạn khuyến khích mở rộng mô hình lúa - tôm theo hướng tôm sạch - lúa an toàn; lúa thơm - tôm sạch, tôm sạch - lúa hữu cơ; đồng thời kết nối doanh nghiệp bao tiêu, đảm bảo đầu ra…

Có thể nói, từ một mô hình sản xuất "ăn chắc, mặc bền", giúp nông dân thoát nghèo thì giờ đây mô hình sản xuất lúa - tôm đang mở ra những kỳ vọng lớn hơn. Đó là một mô hình sản xuất thuận thiên, bền vững làm ra những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, chất lượng, giá trị cao, từ đó tăng thu nhập đáng kể trên cùng diện tích đất sản xuất cho nông dân. Với những nhà nông miền Tây, không điều gì phấn khởi hơn khi vụ lúa - tôm 2023 - 2024 trúng mùa, được giá lại thu hoạch ngay vào dịp cuối năm để nhà nhà có một cái tết sung túc, phấn khởi hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.