Các cụ cao niên sống gần hết đời ở nơi này cho biết cái tên “càng” đã có từ thời xa lắc, cách đây mấy trăm năm trước.
Người dân vùng càng thành thạo nghề sông nước - Ảnh: Nguyễn Phúc |
Kể cũng khó tin khi có một vùng đất cũng mênh mang sông nước, cá
tôm ăm ắp như một “miền tây Nam bộ” ở Quảng Trị - địa phương vốn chỉ cần
nhắc tên, người ta đã lè lưỡi nghĩ ngay đến hai thứ “đặc sản” không mấy
dễ chịu: gió Lào và cát trắng. Vùng đất ấy gọi bằng cái tên ngắn gọn, ngồ ngộ: càng !
|
Bảy càng nằm khá gần nhau, đứng ở càng này sẽ thấy càng kia. So với làng chính, những xóm càng có diện tích bé nhỏ, mỗi càng chỉ vài chục hộ dân sinh sống, nhưng mỗi tấc đất ở đây đều được dựng xây bằng mồ hôi, bằng máu và chứng kiến biết bao câu chuyện bi hùng về nghị lực sống, chống chọi với thiên nhiên của con người.
Đắp đất thành... càng !
Các cụ cao niên sống gần hết đời ở nơi này cho biết cái tên “càng” đã có từ thời xa lắc, cách đây mấy trăm năm trước. Rằng khi những bậc khai khẩn “hành phương nam” bỗng thấy những vùng “nổi lên” giữa ruộng sâu, lại có hình hài như những chiếc càng cua đang cong lên kiêu hãnh nên cái tên “càng” hình thành từ đó.
Theo ông Trần Sách, người đã sống qua hơn 80 mùa nước bạc ở vùng càng và đang là Hội trưởng càng Cây Da, nơi ông đang sống đã có từ năm 1708, khi 2 ông tổ họ Trần và họ Nguyễn dắt díu gia đình từ vùng Trí Bưu (nay thuộc TX.Quảng Trị) ra đây cắm vạt áo rách, dựng lều lập nghiệp...
Còn ông Võ Văn Ân (58 tuổi, trưởng càng Hưng Nhơn) cho biết càng Hưng Nhơn có diện tích rất bé, chỉ vỏn vẹn 2 mẫu nên những ngày đầu họa hoằn cũng chỉ có 2, 3 nhà ra ở... “Họ sinh con đẻ cái nhưng đất đai đâu có tự sinh ra, nên người xưa phải lấy sức người, múc đất ruộng để đắp cho càng ngày một lớn. Thế rồi dúm đất ngày xưa đang là nơi sinh sống của 16 hộ với 76 khẩu”, ông Ân diễn giải.
Hầu hết các càng còn lại trong 7 vùng càng đều có mô típ “ra đời” giống như vậy. Có khác nhau chỉ là bởi đất càng này cao hơn càng kia chút ít, người dân càng này nhiều hơn càng kia chút ít, lịch sử càng này dày dặn hơn càng kia chút ít... Từ rổ rá, cạp nia, từ những mảnh đời không tròn trịa, họ đã sống, bám trụ trên những vùng đất biệt lập này. Lớp người trước ngã quỵ thì lớp người sau tiếp tục cõng bùn, đắp càng. Để bây giờ, khi ngước nhìn về những “ốc đảo” như những chiếc càng cua, sẽ thấy những rặng tre xanh ngút, những mái nhà ngói đỏ bình yên...
Xứ nhiều không!
Chuyến đi vùng càng của tôi đứng trước nguy cơ hỏng bét bởi chiếc xe phản chủ, xẹp lốp ngay trên con đê dài tít tắp, nối từ càng này sang càng khác. Bỗng đâu có người đàn ông chèo đò ngang qua, buông một câu đủ sức làm chân tay rã rời: “Quay lại sửa xe rồi vào. Trong càng không có tiệm sửa xe đâu”. Tưởng ông này nói chơi, thế mà thật. Và nếu không được một vị chủ nhà tốt bụng ở càng Cây Da trổ tài “bơm vá” với những dụng cụ tự trang bị thì hành trình cuốc bộ của tôi không biết bao giờ mới dứt.
Nhưng ở vùng càng không chỉ thiếu mỗi tiệm sửa xe. Bởi dạo một vòng qua Hưng Nhơn, An Thơ, Hội Kỳ, Trung Đơn... tuyệt nhiên chẳng thấy một cái chợ nào, thậm chí một hàng quán xập xệ cũng chẳng có. “Tất cả mọi thứ dân vùng càng chúng tôi đều ra chợ Diên Sanh thuộc xã Hải Thọ (cách các càng từ 3 - 10 km) để mua về dùng. Hàng quán không mọc lên phần vì dân chẳng có nhu cầu ăn uống, sắm sanh gì nhiều, phần vì tiền đâu mà mua... Tí nữa anh đi đâu thì đi, nhớ quay về nhà tôi mời cơm kẻo vác bụng rỗng về đấy. Ở càng không có các tiệm cơm, phở như trên phố đâu”, ông Trần Dũng, trưởng càng Cây Da dặn.
Ấy thế mà nhiều người vẫn bảo danh sách “không có” ở vùng càng đã rút ngắn được khá nhiều so với những năm trước. Phải đến sau năm 1999, vùng càng mới có những ngôi nhà xây bằng gạch thay cho đa phần làm bằng phên đất, 2001 mới có điện, 2009 mới có đê bao vùng trũng Hải Lăng để thoát cảnh quanh năm di chuyển bằng... đò. Ông Nguyễn Văn Hộng (trưởng càng An Thơ) bảo đến tận bây giờ, khi đã được nhà nước đầu tư thì vùng càng vẫn còn thiếu thốn bộn bề nhưng duy nhất tình người ở càng không bao giờ thiếu. “Hôm nay có thằng em cất nhà, cả càng An Thơ đến phụ việc, chung vui không thiếu một ai. Phàm là người trong càng không bà con thì cũng là bằng hữu”, ông Hộng ví dụ.
Bình luận (0)