Tuổi thơ cơ cực
Lớn lên bên tiếng cọc cạch từ chiếc máy may của mẹ nên Quí Trần (tên thật Trần Văn Quí Em, 25 tuổi, quê ở tỉnh Đồng Tháp), đã nung nấu ước mơ trở thành một nhà thiết kế thời trang. Để đến được với giảng đường đại học là một hành trình nỗ lực đáng nể vì từ nhỏ Quí Trần phải đối mặt với cuộc sống đầy khó khăn. Ba bị tai biến mạch máu não khi Quí Trần vừa lên lớp 3, anh trai lớn thì khờ khạo nên cũng không đỡ đần được gia đình, mọi gánh nặng dường như đè nén lên đôi vai của mẹ.
Quí Trần kể từ ngày ba phát bệnh, chiếc máy may của mẹ hoạt động hết công suất từ sáng sớm cho đến giữa đêm, mẹ làm việc không mệt mỏi để gồng gánh gia đình. Thương mẹ vất vả, ngay từ nhỏ Quí Trần đã biết phụ mẹ cắt chỉ may đồ, đi bán vé số sau giờ học để kiếm tiền giúp gia đình.
“Thuở nhỏ, mình đã nhặt lại từng mảnh vải vụn, xin kim chỉ của mẹ để làm ra những con búp bê, một thứ đồ chơi của bọn con nít nhà nghèo ở quê mình ngày ấy. Việc vẽ vời hay may đồ cho búp bê chỉ dừng lại ở việc vui chơi, cho đến khi lên học ở bậc THPT thì mình mới nhận ra bản thân thật sự đam mê ngành thiết kế thời trang”, Quí Trần kể.
Những năm cuối của bậc THCS, Quí Trần được cô giáo dạy vẽ định hướng trở thành kiến trúc sư và khuyên nên đi ôn luyện vẽ. Tuy nhiên, khi lên bậc THPT, do phải tập trung học văn hóa, còn dịp hè thì phụ mẹ may đồ, đi làm thêm để kiếm tiền trả học phí cho năm học kế tiếp nên Quí Trần không đi học vẽ được. Trước ngày thi năng khiếu vẽ hơn 1 tháng, Quí Trần mới tìm đến người thầy năm xưa để ôn luyện chuyên sâu. Nhờ năng khiếu hơn người, học hỏi nhanh nên năm 2016 Quí trở thành thủ khoa đầu vào ngành thiết kế thời trang Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM.
Áp lực tạo “kim cương”
Ngày nhận kết quả đậu thủ khoa, mẹ Quí Trần vẫn còn hoài nghi về ngành học của con trai, vì bà quan niệm rằng nghề may rất cực và nghèo. Tuy nhiên, chàng trai này vẫn quyết tâm thuyết phục gia đình để được thực hiện đam mê. Ngày lên TP.HCM nhập học, hành trang của Quí Trần chỉ có vỏn vẹn trong tay 5 triệu đồng, đó là số tiền tiết kiệm được khi nhận may đồng phục cho học sinh từ năm lớp 11. Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên Quí Trần viết đơn xin sự hỗ trợ từ Ban quản lý ký túc xá Cỏ May (TP.HCM).
“Và mình nhận được sự hỗ trợ của ký túc xá Cỏ May từ việc ăn uống, chỗ ở và đặc biệt là 100% học phí tại trường. 2 năm đầu mình tập trung toàn bộ sức lực cho việc học để đạt được kết quả tốt nhất cũng như làm quen với cuộc sống sinh viên. Đến năm học thứ 2, khi đã thích nghi tốt với môi trường học đại học thì mình mới bắt đầu đi làm thêm công việc vẽ tranh tường để có trải nghiệm”, Quí Trần chia sẻ.
Sau 4 năm học tập đầy cố gắng, Quí Trần đã trở thành thủ khoa đầu ra ngành thiết kế thời trang của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM vào năm 2020. Quí Trần đang phát triển thương hiệu thời trang của mình và đã ra mắt 4 bộ sưu tập đều lấy ý tưởng từ nét đẹp của cảnh quan và con người miền Tây Nam bộ.
“Mình lớn lên tại miền Tây Nam bộ, nơi lưu giữ miền ký ức tuyệt vời. Đó là những buổi ra đồng hái sen, bắt cá vào mùa nước nổi, hay chiếc mền được kết từ những mảnh vải vụn kỳ công của bà ngoại. Khi được mang những ý tưởng này vào thời trang, Quí thấy đó là lúc mình được thể hiện bản thân rõ nét, chân thật nhất. Và mình tin rằng ký ức đẹp đẽ đó sẽ truyền cảm hứng và chạm đến trái tim của nhiều người hơn”, Quí Trần nói.
Là người trực tiếp giảng dạy và hướng dẫn đồ án tốt nghiệp cho Quí Trần, thạc sĩ Nguyễn Minh Châu, giảng viên Khoa Mỹ thuật công nghiệp, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, cho biết: “Ngay từ khi học trong trường Quí Trần đã là một sinh viên rất năng nổ và luôn nỗ lực hết mình trong việc học cũng như tham gia các hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực thiết kế thời trang. Quí là người có chí cầu tiến, biết lắng nghe và học hỏi, không ngại khó”.
Thạc sĩ Minh Châu nói thêm: “Quí Trần có sự nhạy bén, nhận biết được những cái đẹp trong thế giới khách quan, kết hợp với khả năng nghiên cứu tốt để hình thành và nuôi dưỡng sự sáng tạo. Qua quá trình hướng dẫn tốt nghiệp, tôi thấy rằng Quí Trần là một nhà thiết kế có tâm hồn sâu sắc, có tư duy, ý thức hướng về nguồn cội, truyền thống và những điều có ý nghĩa trong cuộc sống”.
Bình luận (0)