Miền Tây - hơn cả chữ tình

28/01/2023 17:34 GMT+7

Từ miền Trung vào tận Cà Mau sinh sống, hơn 30 năm qua, tôi vẫn chưa một lần “trò chuyện” với quê hương thứ hai này (và cũng không biết làm sao để cất lời mà không gượng, không sáo…), cho đến khi đọc được những tác phẩm dự thi Nghĩa tình miền Tây...

Những bài viết hiện dần trên số báo in mỗi cuối tuần và ngày một nhiều hơn trong chuyên mục Nghĩa tình miền Tây khác nào những thước phim đẫm màu hoài niệm, đưa tôi về - bồng bềnh cùng ký ức tuổi thơ, từ dòng sông Ông Ðốc…

Toàn cảnh Mũi Cà Mau

CTV

Ðó là Ký ức về những chuyến tàu xưa, như tác giả Nguyễn Ðào (Bà Rịa-Vũng Tàu) nhớ lại: “Phương tiện giao thông chính để kết nối giao thương và phục vụ đi lại của bà con quê tôi với thị xã Cà Mau (nay là thành phố Cà Mau) khi ấy là những chiếc tàu đò chở khách khá lớn và cũ kỹ. Một chuyến tàu có thể chở được gần cả trăm người cùng vô số hải sản, hàng hóa... Bến tàu là một sàn gỗ được lót bằng những thân cây đước cỡ bắp chân, thẳng tắp như cột cờ...”. Nếu chuyến tàu đò đầu tiên đưa gia đình tôi đến thị trấn Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời) như dài vô tận, một phần vì cảm giác trông ngóng và cũng bởi sau những chặng xe thấm mệt từ miền Trung di chuyển dần đến Cà Mau, thì về sau, những chuyến tàu hay vỏ lãi mà tôi đi học - về quê giữa thị xã Cà Mau - thị trấn Sông Ðốc trở nên “tốc hành” và thân thương hơn. Ðể hành khách tuổi teen khi đó, là tôi, vô lo tận hưởng “Những làn gió mát rượi từ biển thổi vào tạo âm thanh vi vu xen lẫn tiếng ầm ập của sóng nước vỗ bờ hòa cùng những tiếng máy đuôi tôm dưới lòng sông, tạo nên một bản hòa ca thật đặc trưng của một vùng sông nước…”.

Du khách tham quan biểu tượng con tàu ở Đất Mũi Cà Mau

Nguyên Vân

Là những cách phát âm, giọng nói mới đầu thấy ngồ ngộ mà dần dà nghe riết lại “thấy cưng gì đâu”. Ðể rồi khi lên TP.HCM học đại học, ngoài việc “nhận đồng hương” hay mừng rỡ chạy theo “nhìn mặt coi có quen không” khi thấy biển số xe 69 (tỉnh Cà Mau) trên đường, sinh viên chúng tôi còn đoán “xuất xứ” của nhau qua giọng điệu. Dĩ nhiên, chưa ai đoán được tôi đến từ đâu bởi “lai lịch phức tạp” của mình (ba mẹ người Huế, sinh tôi ra ở Quảng Nam rồi gia đình mới vào Cà Mau sống). Thế nên, đọc câu chuyện của tác giả Tạ Tư Vũ - Miền Tây, thương nhau thương từ giọng điệu, tôi đã lắng lại thật lâu, miên man theo những tự tình người viết: “Tôi ra trường và bon chen cùng dòng đời 20 năm. Trong suốt khoảng thời gian đó, tôi đã đến khắp nơi ở miền Tây, gặp nhiều con người bình dị cùng những giọng điệu miền Tây thân thuộc. Ở vùng đất này, dường như cái tính, cái tình của người miền Tây được biểu lộ ra hết từ giọng điệu. “Hôm qua bụng má nghĩ đến mày, dạo này khỏe hôn con?”, “Quà gì mà dữ thần vậy mậy? Dzìa chơi được rồi, quà cáp làm gì”, “Mỗi lần nhậu là nhớ anh trời gầm luôn, coi hổm nào phẻ phẻ xuống em quắc cần câu một bữa nha...”. Hay lại bật cười một mình khi tưởng như đang về lại xóm mình ngày xưa lúc đọc Dọc miền thổ ngữ (Trần Văn Thiên, TP.HCM) vì có nhân vật trùng tên người quen - Hết: “Út Hết, ga (ra) sàn lãng lấy cho má cái gổ (rổ)!”. Xóm nhà tôi lúc ấy, sát vách có bé Trúc hay bày tôi ca vọng cổ, xéo xéo nhà có cô Út Hết nuôi mái tóc dài chấm mắt cá chân dạy tôi cách búi tóc gọn hơ… Cũng trong xóm ấy, nhờ có đám bạn (nhà làm nghề biển) đã bạo gan xin ba tôi cho tôi (không biết bơi) đi theo ghe nhà tụi nó, nên tôi đã sớm thưởng ngoạn chốn “tiên cảnh” vùng đất cuối bản đồ Việt Nam - Hòn Ðá Bạc, hay chứng kiến Lễ hội nghinh Ông Sông Ðốc ngoài biển vui như tết ra sao (lễ hội dân gian lớn nhất ở Cà Mau này được xếp vào danh sách 60 lễ hội tiêu biểu ở Việt Nam và được Bộ VH-TT-DL chính thức đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ tháng 2.2021)…

Nghĩa tình miền Tây: Những bài viết máu thịt với đồng bằng

Và sẽ không thể nào quên, cũng là điều tôi muốn ngỏ nhất, mà cuộc thi viết này đã chuyển lời hộ, chính là “nghĩa tình miền Tây”. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, giám khảo cuộc thi Nghĩa tình miền Tây, cho rằng: “Nói yêu quá dễ, nhưng đưa ra lý giải thật thuyết phục, thật chi tiết rằng yêu bởi lẽ gì thì khó. Bởi có những rung động không thể nói bằng chữ, bằng lời. Cho dù bằng cách đơn giản nhất, viết về sự cảm kích, tri ân một miền Tây đã bảo bọc ta những ngày khốn khó, nhưng cũng cảm giác chưa nói hết cái tình của đất với mình, và ngược lại, tình của mình với đất”. Người viết, dẫu là tác giả dự thi hay tôi - khi mượn những tác phẩm của họ để nói với quê hương mình, nếu có dạt dào tình riêng, nghĩa chung đến mấy, cũng “lại hao hao nhau, những cho - nhận lúc lận đận, ngặt nghèo. Nhưng biết làm sao được, bởi cá tính miền Tây xưa nay không giấu gì riêng cho mình; vui buồn, yêu ghét hay tốt xấu đều phơi bày ra hết; viết hay nói về đất chỉ có mỗi cách viền đi viền lại, tô đậm thêm lên chữ NGHĨA TÌNH”, nữ văn sĩ người Cà Mau nhìn nhận.

Bởi thực tế là, đến hôm nay, dẫu gia đình tôi không còn ở Cà Mau nữa, nhưng xóm nhà tôi tận Sông Ðốc thay đổi ra sao, mới mẻ thế nào vẫn luôn được “cập nhật” từ người thân, bạn bè hay qua những cuộc FaceTime trò chuyện của mẹ tôi với bà con xóm giềng nơi ấy. Như có hôm sang nhà thăm mẹ, tôi nghe tiếng cười giòn tan vang ra từ điện thoại của bà. “Ai vậy mẹ?”. “Cô Năm Nghĩa đó, đang kể chuyện làm ăn dưới khu nhà cô, với chuyện học hành của con gái...”. À, là cô Nghĩa, làm sao tôi quên được, khi cái tên như con người cô vậy! Người mà dẫu lạ hoắc lạ huơ, khi gia đình tôi vừa vào Sông Ðốc không bao lâu, vẫn cho mượn nhà để ở, chỉ vì cháu của cô Năm Nghĩa học lớp do mẹ tôi chủ nhiệm...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.