Miền Tây lũ muộn, nước sông Cửu Long thấp hơn bình thường cả mét

26/08/2023 12:07 GMT+7

Ở thời điểm hiện tại, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long thấp hơn cùng kỳ nhiều năm gần 1m. Năm nay, miền Tây lũ muộn và thấp. Ngược về hướng thượng nguồn, tại trạm Kratie (Campuchia), mực nước thấp hơn trung bình nhiều năm gần 3m, lượng nước thiếu hụt gần 28 tỉ mét khối.

Đỉnh lũ năm nay được dự báo diễn ra vào cuối tháng 9 đầu tháng 10, ở mức báo động 1. Vào thời điểm hiện tại, theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, nguồn nước từ sông Mekong đổ về ĐBSCL qua trạm Kratie (từ 1.6 - 24.8) mới chỉ đạt 107 tỉ mét khối, so với trung bình nhiều năm ít hơn đến 27,8 tỉ mét khối. Điều này làm mực nước sông ở mức thấp, ngày 24.8 là 15,7m, thấp hơn trung bình nhiều năm 2,9m. Cùng ngày, mực nước tại Biển Hồ đạt 4,7m, thấp hơn cùng kỳ nhiều năm 2,93m. Biển Hồ, hồ chứa nước tự nhiên cho vùng hạ nguồn Mekong (Campuchia và ĐBSCL của Việt Nam) đang thiếu hụt lượng nước trên 14 tỉ mét khối so với trung bình nhiều năm. Điều này dẫn đến mực nước đổ về vùng đầu nguồn sông Cửu Long thấp. 

Mùa lũ miền Tây vẫn chưa về, mực nước sông thấp hơn bình thường cả mét  - Ảnh 1.

Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long vẫn thấp hơn bình thường gần 1m, lũ vẫn chưa về ĐBSCL

T.L

Xuôi về phía hạ nguồn sông Mekong, mực nước trên sông Cửu Long chịu ảnh hưởng bởi nước sông từ thượng nguồn và thủy triều. Ngày 23.8, trên sông Tiền tại Tân Châu mực nước cao nhất ngày đạt 2,01m, thấp hơn cùng kỳ nhiều năm đến 0,96m; tương tự trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc thấp hơn 0,59m.

Một trong những nguyên nhân là do tuần qua lượng mưa trên khu vực hạ Mekong ở mức thấp vì gió mùa tây nam yếu. Lượng mưa phổ biến khoảng 25mm, riêng một số nơi ở Campuchia và Tây nguyên của Việt Nam lượng mưa khoảng 75mm.

Nguyên nhân quan trọng là do các đập thủy điện thượng nguồn Mekong đã tích một lượng nước rất lớn trong tuần qua. Theo MDM (Dự án giám sát hoạt động của các đập thủy điện Mekong), điểm nổi bật tuần qua là các đập trên các phụ lưu đã tích trữ lượng nước khổng lồ 3,8 tỉ mét khối để lấp đầy các hồ chứa. Trong số này có 5 con đập thủy điện tích trữ lượng nước vượt quá 400 triệu mét khối là đập Nam Ngum 2 (2 tỉ mét khối), Nam Ngum 1 (410 triệu mét khối), Nam Ngiep 1 (581 triệu mét khối), Nam Theun 2 (520 triệu mét khối) và Xekaman 1 (450 triệu mét khối). 

"Đây là đợt tích trữ nước lớn nhất trong một tuần ở các đập thủy điện của Lào kể từ năm 2020. Những hoạt động tích trữ nước trong mùa mưa sẽ gây bất lợi cho các cộng đồng Mekong vì chúng hạ thấp mực nước sông Mekong và làm giảm các nguồn lợi của dòng lũ Mekong mang lại", các chuyên gia của MDM bình luận.

Trên toàn lưu vực Mekong, ở thượng nguồn lượng mưa được cải thiện tuy nhiên tình trạng khô hạn lan rộng ở Lào, đông bắc Thái Lan và Campuchia vẫn phổ biến.

Theo dữ liệu của Ủy hội sông Mekong (MRC), tổng lưu lượng đến Stung Treng, Campuchia vào tháng 7.2023 là 34,18 tỉ mét khối, mới bằng khoảng 57% so với lưu lượng trung bình trước khi có các con đập. Hiện tại, tình trạng ngập lũ theo mùa đã xảy ra ở một số vùng trũng thấp hạ nguồn Mekong (chủ yếu ở Campuchia), diện tích ngập vào cuối tháng 7 mới đạt khoảng 10.700 km2, ít hơn trung bình nhiều năm 4.000 km2.

Các chuyên gia dự báo, năm nay miền Tây lũ muộn và ở mức thấp. Đỉnh lũ cao nhất năm chỉ đạt mức báo động 1 và kết thúc sớm. Trong khi đó, triều cường được dự báo tăng làm cho mặn xâm nhập sâu làm cho tình trạng hạn mặn gay gắt, bà con nông dân nên chủ động đề phòng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.