Miền Tây phát triển nông nghiệp bền vững: Mô hình mới trên đất lúa

19/11/2022 16:31 GMT+7

Miền Tây phát triển nông nghiệp bền vững: Mô hình mới trên đất lúa

Mô hình trồng chanh, làm kinh tế tập thể của hợp tác xã Thạnh Phước được ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, đánh giá rất cao trong chuyến công tác tham quan các mô hình kinh tế tiêu biểu tại huyện Châu Thành đầu tháng 11 vừa qua.

Tận dụng những lợi thế sẵn có, mô hình trồng chanh của hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Phước đạt rất nhiều thành công

Hàng ngàn gốc chanh được trồng ngay hàng thẳng lối cạnh mương nước

Ngoài mô hình này, huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) cũng có nhiều trang trại, hợp tác xã khác ứng dụng các phương pháp làm nông nghiệp mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, đơn cử như mô hình trồng dưa lưới Ngọc Thành (ở xã Đông Thạnh) khi kết hợp giữa trồng dưa lưới, dưa lê hoàng kim theo tiêu chuẩn VietGap và nuôi cá, trồng sầu riêng,...

Mô hình trồng dưa lưới cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao

Không chỉ riêng tỉnh Hậu Giang, nhiều tỉnh thành khác ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đã và đang hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.

Với 4 triệu ha đất tự nhiên, ĐBSCL được xem là một trong những vùng đồng bằng lớn, trù phú nhất Đông Nam Á và thế giới. Đóng góp 90% gạo xuất khẩu của cả nước, ĐBSCL lâu nay được mệnh danh là vựa lúa của cả nước. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan và nghiêm trọng đã tác động sâu sắc đến cơ cấu kinh tế nông nghiệp của các tỉnh miền Tây, đến sinh kế của người dân. Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để giúp ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như nâng cao giá trị từ chính lợi thế nông nghiệp của mình.

Người dân tận dụng tiềm năng sẵn có và trồng những loại cây ăn trái phù hợp

Trên thực tế, nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân cũng chủ động thích ứng và triển khai các mô hình nuôi trồng từ thế mạnh riêng của mình. Đơn cử như An Giang, người dân đã chuyển từ vùng đất sản xuất lúa và khai thác thủy sản kém hiệu quả để sang trồng cây ăn trái ngắn ngày. Đồng Tháp trồng sen, trồng hoa kiểng mang lại giá trị kinh tế cao.

Những địa phương có các loại cây trồng thế mạnh cũng mạnh dạn đầu tư, nâng tầm thành thương hiệu nổi bật và có giá trị kinh tế cao. Ví dụ nhắc đến Vĩnh Long ta có bưởi Năm Roi hay Tiền Giang có xoài cát Hòa Lộc; sen, quýt ở Đồng Tháp; thốt nốt ở An Giang; vú sữa Lò Rèn ở Tiền Giang; dừa sáp ở Trà Vinh; chôm chôm ở Vĩnh Long; cam mật ở Cần Thơ... Với địa thế cảnh quan tự nhiên được trời ưu ái, nhiều địa phương đang phát triển du lịch mạnh mẽ…

Lúa vẫn là thế mạnh lớn nhất của miền Tây, những được chuyển đổi mạnh mẽ những năm gần đây

Riêng lúa gạo, thế mạnh lớn nhất của miền Tây cũng chuyển đổi mạnh mẽ, thay vì tập trung vào sản lượng thì giờ đây chuyển hướng tập trung chất lượng. Những năm gần đây, gạo Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đã thâm nhập được vào các thị trường cao cấp nhất thế giới như Nhật, Mỹ, EU… khẳng định giá trị và thương hiệu nông nghiệp của miền đất này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.