Chưa giảm bớt gánh nặng tiền thuê nhà cho người dân
Nhận được thông tin Bộ Tài chính ban hành quy định mới, có hiệu lực từ ngày 1.1.2022, anh Nguyễn Ngọc Thái (40 tuổi) chia sẻ bản thân khá hụt hẫng vì cả gia đình đang thuê nhà ở Q.Hai Bà Trưng (Hà Nội) để vừa ở, vừa bán hàng cơm bụi. Giá thuê nguyên căn nhà rộng hơn 30 m2 là 12 triệu đồng/tháng, nhưng mới đây chủ nhà đã thông báo sẽ tăng thêm tiền nhà đề bù vào phần sẽ phải nộp thuế.
Nhiều người cho rằng, với mức miễn thuế doanh thu từ dưới 100 triệu đồng/năm như Thông tư 100 quy định thì chưa nhiều đối tượng được hỗ trợ |
Lê quân |
“Đang lúc dịch bệnh Covid-19 phức tạp, duy trì được quán cơm bụi để cả nhà nuôi nhau vốn đã không dễ, nay lại thêm gánh nặng nộp thuế. Chưa kể, nếu không may, có ca F0 đến quán ăn sẽ phải tạm nghỉ ít ngày không kinh doanh được, trong khi đủ loại tiền từ chi phí sinh hoạt, mặt bằng kinh doanh vẫn phải trả… Thời buổi này, tìm được địa điểm phù hợp không dễ, và nếu không thuê nữa, tìm nơi khác thì cũng vẫn phải gánh thuế”, anh Thái nói.
Chị Nguyễn Thị Thương (30 tuổi, quê ở TP.Nam Định) cho hay, hai vợ chồng và 2 con đang thuê nhà vừa ở vừa mở quán bán hàng ăn, cà phê tại khu vực Q.Cầu Giấy (Hà Nội) với giá 15 triệu đồng/tháng. Với mức giá thuê là 180 triệu đồng/năm, không thuộc đối tượng miễn thuế theo Thông tư 100 của Bộ Tài chính nên chủ nhà thông báo sẽ tăng tiền nhà để bù vào phần sẽ phải nộp thuế.
“Đang thời dịch bệnh khó khăn, nhà nước kêu gọi hỗ trợ người dân mà mức miễn thuế Bộ Tài chính ban hành lại chưa thực sự gọi là ưu đãi. Cơ chế miễn thuế cho doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm từ việc cho thuê nhà thì chỉ số ít người được hưởng, như vậy chưa thực sự gọi là hỗ trợ”, chị Thương nêu ý kiến.
Đồng quan điểm với hộ kinh doanh như anh Thái, chị Thương, không ít doanh nghiệp nhỏ cũng than đang gặp khó khăn trong kinh doanh vì dịch Covid-19 mà nay lại vẫn phải chịu gánh nặng thêm từ tiền thuế thuê mặt bằng văn phòng, kho bãi, nhà xưởng có giá thuê trên 100 triệu đồng/năm.
Cần tăng mức miễn thuế để tạo ra “gói cứu trợ” bằng cơ chế
Theo các chuyên gia, cần miễn thuế doanh thu cho thuê nhà ở mức cao hơn để hỗ trợ người dân tốt hơn, nhất là trong giai đoạn bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 |
Lê quân |
Trao đổi với Thanh Niên, TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho biết về bản chất, khi nhà nước đánh thuế thì đối tượng chịu thuế là người tiêu dùng, tức là trong trường hợp này, người đi thuê phải nộp chứ chủ nhà không khi nào chịu giảm lợi nhuận.
Do vậy, khi Thông tư 40/2021/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành vào 1.6 vừa qua theo hướng siết nộp thuế cho thuê nhà, nhiều người đã tính toán chuyển hướng đầu tư mua nhà, đất để cho thuê vì bị đánh thuế. Nhưng, với Thông tư 100 mới ban hành, đã sửa đổi theo hướng nới ra, tuy không nhiều nhưng cũng giúp người dân phần nào dễ thở hơn trong quy định nộp thuế.
Ông Đính cũng bày tỏ, Thông tư 100 mới ban hành đã nới quy định trong việc thu thuế khi cho thuê nhà là đi đúng chủ trương hỗ trợ người dân giữa lúc dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, với quy định như vậy đã phần nào tạo thêm lực cầu cho thị trường bất động sản khi nhiều năm qua, tại các địa phương, việc cho thuê bất động sản vẫn là kênh đầu tư kinh doanh khá truyền thống.
Tuy nhiên, Chủ tịch VARS cũng cho rằng, Thông tư 100 quy định mức thu thuế là 100 triệu đồng/năm thì chỉ hỗ trợ được một nhóm nhỏ người có thu nhập thấp, công nhân chứ chưa hỗ trợ được đối tượng doanh nghiệp thuê mặt bằng kinh doanh, người thuê nhà ở nội đô…
Cụ thể, ông Đính cho hay, với quy định doanh thu phát sinh dưới 100 triệu đồng/năm chỉ hỗ trợ cho nhóm thuê nhà để ở, kinh doanh với mức dưới từ 8 triệu đồng/tháng trở xuống. Còn với mức thuê nhà để ở, kinh doanh, mặt bằng bán lẻ, mặt bằng văn phòng… với giá 9 triệu đồng/tháng thì chưa được hỗ trợ, trong khi khoảng cách giữa 2 mức này là không nhiều.
“Với đối tượng thuê nhà ở nội đô, vùng trung tâm các thành phố lớn thì không dễ thuê được nhà dưới mức 10 triệu đồng/tháng. Còn đối tượng thuê mặt bằng kinh doanh, mặt bằng văn phòng… thì cũng không dễ thuê được với mức dưới 10 triệu đồng/tháng. Do vậy, quy định 100 triệu đồng không phải nộp thuế đã “bỏ quên” nhiều đối tượng cần hỗ trợ”, ông Đính nói và cho rằng, cần thiết nâng mức miễn thuế cho thuê nhà lên ngưỡng 200 triệu đồng/năm để thực sự tạo ra cơ chế hỗ trợ người dân tốt hơn. Đồng thời, cũng tạo ra được lực cầu tốt hơn cho thị trường bất động sản, kích thích được nhà đầu tư.
PGS - TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, cho rằng với ngưỡng miễn thuế cho thuê là từ dưới 200 triệu đồng/năm thì đối tượng được hưởng hỗ trợ sẽ là những người bình dân thuê nhà ở, làm ăn ở nội đô, vùng trung tâm thành phố lớn có mặt bằng đắt đỏ. Bên cạnh đó, đối tượng là những hộ, cá nhân kinh doanh quán ăn, tiệm làm tóc, quán cà phê… sẽ hỗ trợ giảm áp lực tiền thuê mặt bằng kinh doanh.
“Nếu không miễn thuế thì người thuê nhà, thuê mặt bằng sẽ phải gánh thuế chứ không phải chủ nhà. Do vậy, nhà nước cần chú ý đến những gói hỗ trợ bằng cơ chế như vậy để thúc đẩy dòng tiền vào kinh doanh, sản xuất tốt hơn”, PGS - TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Trước đó, như Thanh Niên đưa tin, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 100/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư 40/2021 về hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh.
Thông tư 100 đưa ra cách xác định doanh thu cho thuê tài sản để tính thuế mới. Cụ thể, cá nhân cho thuê tài sản nếu phát sinh doanh thu cho thuê dưới 100 triệu đồng/năm thì không thuộc diện phải nộp thuế giá trị gia tăng, cũng không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Trường hợp bên thuê trả tiền thuê nhà, đất trước cho nhiều năm mà tính ra mỗi năm vẫn dưới 100 triệu đồng thì cũng không phải nộp thuế.
Như vậy, quy định như Thông tư 100 đã nới hơn so với Thông tư 40/2021 trước đó là người cho thuê nhà, đất phải đóng thuế dù doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, với mức miễn thuế như vậy khó tạo ra được động lực hỗ trợ cho nhiều người dân.
Bình luận (0)