Miền thương xứ nhớ trong tôi

26/09/2020 06:26 GMT+7

'Má ơi đừng gả con xa...'. Phải gả thôi chứ biết sao đừng khi mà tôi đã phải lòng một chàng trai đất Huế. Về làm dâu miền mưa, nhiều lần tôi nhớ thầm xứ gió. Tôi thương Huế nhưng lại nhớ Quảng Trị đến cồn cào.

Nếu ngay từ đầu hè Quảng Trị đã ầm ào vì gió, gió Lào, thì mưa Huế lại không ngừng rỉ rả suốt mấy tháng cuối năm. Mưa Huế như ai đó từng đùa là một năm chỉ có hai cơn nhưng mỗi cơn sẽ kéo dài hai tháng. Mưa rỉ rả, lê thê, mưa khoan lỗ vào đất, mưa kéo bầu trời sũng xuống. Người ngang qua sẽ ngỡ ngàng vì sự trầm mặc và quyến rũ của thành Huế lắng dịu trong màn mưa. Gam màu đen và trắng của đất trời như xóa nhòa ranh giới thời gian, khiến bức tranh đan cài giữa hạ tầng hiện đại và kiến trúc đền đài xưa cũ thêm nét mềm mại.
Huế đẹp một phần nhờ dòng Hương Giang chia tách đôi bờ thành hai nửa “bên ni” và “bên nớ”. Huế sống chậm, có khá nhiều chốn để hẹn hò. Một dạo, tôi và bạn cũ cùng ghé Gác Trịnh. Gác Trịnh nằm ở tầng 2, dãy nhà C, khu tập thể Nguyễn Trường Tộ, phường Vĩnh Ninh. Căn gác nhỏ từng là chốn đi về của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Tại đây ông đã sáng tác những bản nhạc đầu tiên của mình, là nơi ông viết cho Dao Ánh những trang thư tình ngọt ngào: “Cơn mưa như thác đổ ngoài trời. Đồi trà bây giờ mù mịt không còn thấy gì. Anh đang có Ánh - tuổi - nhỏ trước mặt trong chiếc hộp nhỏ anh mang theo đó. Mưa rất buồn. Như một điệp khúc dai dẳng trong mấy tháng mùa đông này. Ánh ơi. Nếu còn sự yêu thương và nhớ nhung nào trong Ánh thì hãy gửi làm quà cho anh để anh coi thường những tháng ngày ẩm mục nơi đây”. Trịnh bảo Huế vì mưa mà thật buồn, nhưng chính ông cũng từng nói với Dao Ánh: “Anh chợt nghĩ rằng cuộc đời buồn bã như thế này sao chúng mình không tha thiết với nhau hơn”.
Tôi thương Huế, tha thiết với Huế như cách tôi luôn tự hào và dành một ngăn nhỏ trái tim để nhớ về Quảng Trị, nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng tôi suốt thời thơ ấu. Vào hạ, tầm tháng 5 dương lịch trở đi, xóm làng quê tôi phải oằn mình trong những đận gió phơn chồng lên gió. Luồng khí nóng rẫy từ đất Lào xa xôi trườn xuống trung du, vây bọc lấy đồng bằng, choàng lên tứ phía. Ngày đầu tiên, gió còn gói ghém, đẩy đưa mùi ngái nồng của rơm rạ thỏ thẻ vào nhà. Đến hôm sau thì ôi thôi, gió tự do thốc rầm rầm lên mái tôn, tung bụi mịt mù khắp làng xóm. Chỉ sau hai ba hôm, những lũy tre bụi chuối bắt đầu chẻ ngọn xác xơ, khắp nơi bàng bạc một màu khô khát. Dáng cha liêu xiêu dắt xe qua cổng, rồi ngồi đánh thịch xuống thềm, đón từ tay bà bát nước chè xanh. Thứ nước chát xì nhưng lại là thần dược đặc trị những cơn khát vào mùa gió Lào. Cha bảo: “Đời cha khung khi mô uống nác troong, lạt mồm lạt mẹng, cứ nác chè thiệt đậm, trôi tới mô đạ sèm tới đó”. “Nác troong” là nước lọc đó. Người nông dân xứ Quảng sống lâu năm dưới cái nắng rát và ngọn gió Lào nên không chỉ dáng hình, làn da mà ngay cả giọng nói cũng bị tác động. Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đã có câu thơ rất trúng khi nói về điều này: “Gió Lào thổi rạc bờ tre/Chỉ qua giọng nói đã nghe nhọc nhằn”.
Tình thương thì có thể nhờ sự khăng khít để làm đầy thêm, còn nỗi nhớ, liệu có cách nào để rút cạn? Mỗi năm, để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đó, tôi đều sắp xếp một vài chuyến về quê. Tôi về ngồi lại bên hiên trong ngôi nhà cũ để tìm cho mình chút suy tư yên tĩnh. Cha và mẹ đều đã đi xa, anh chị em cũng mỗi người mỗi ngả. Tiếng nhạc rè rè quen thuộc từ chiếc radio cũ không còn dịp cất lời trong trưa nắng, không gian lặng phắc...
Cái gì còn lại là cái quý giá, cái gì đang hiện hữu là cái quý giá. Nhờ có hai quê, mà bất giác tôi thấy mình thật giàu có. Tạm biệt miền nhớ, tôi lại lên đường đến xứ mình thương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.