Nước non ngàn dặm
Năm 1306, kinh thành Thăng Long ánh vàng chập chờn trong lung linh sắc nến, một không khí tưng bừng một không gian rực rỡ như tám mươi năm trước đó (1225) Trần Cảnh đăng quang, có khác chăng là người con gái đau thương xưa là một bà hoàng, người con gái đau thương nay là một công chúa. Huyền Trân, cành vàng lá ngọc sao lại phải bị mang lên sàn đấu giá? Nỗi ngậm ngùi ấy ngàn năm còn vương vấn nước non ngàn dặm ra đi/ dù đường thiên lý xa vời/ dù tình cố lý xa xôi/ cũng không dài bằng lòng thương mến người…(Nước non ngàn dặm ra đi - Phạm Duy).
Có phải tự buổi nữ nhi cam phận chiếc lá lìa cành đã phôi thai dải đất Đại Việt hình chữ S, và bàn tay kinh thành đã vẫy đến tận bên kia dải núi Hải Vân? Để rồi từ đó trên hình hài đất mẹ lần lượt những cái tên Thuận Hóa, Quảng Nam, Tư Nghĩa được khai sinh? Để từ đó trên bầu trời miền Trung luôn phảng phất một màu mây hoài niệm như mái tóc mây bồng bềnh theo cùng nhi nữ đường xa?
Mơ hồ đâu đây, một thi nhân Nguyễn Du mà chí can trường vẫn còn ngạo với non sông chống giáo dài (Tằng lăng trường kiếm ỷ thanh thiên, thơ Nguyễn Du), một Hồ Xuân Hương nhi nữ đã ngạo cả đám thi nhân bất tài, một Quang Trung lẫm liệt chiến công mà đằm thắm với cành đào phương Bắc, một Gia Long sau cơn binh lửa lại yếu mềm trước nước mắt Ngọc Bình… Có phải giọt nước mắt tủi phận hờn duyên của Huyền Trân đã nhỏ xuống dọc dài miền Trung thành lời nguyền bão cát, thành gầm thét sông hồ, thành nắng mưa cuồng nộ, thành tính cách đa tình mà lẫm liệt của con người miền Trung?
Đâu bóng người xưa
Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng!
Mà ta con cháu mấy đời hoang (Huỳnh Văn Nghệ)…
Kể từ 1558 khi Tiên chúa Nguyễn Hoàng trên hành trình mở cõi đã dừng chân bên bờ sông Thạch Hãn, hình hài một dải miền Trung chừng đã phôi thai. Dẫu biết cuộc sinh tồn luôn mang dấu tích phân bào mà cuộc sinh tồn này sao mà khốc liệt. Một chạy trốn về phương Nam vội vã, một mở cõi âm thầm. Mà cũng từ đó, sính lễ hồi môn ngày Huyền Trân tiến cống mới thành hiệu lực. Vị vương chủ nào dựng nên chùa Thiên Mụ mà tiếng chuông kiến quốc hòa cùng tâm linh muôn đời bất diệt? Vị vương chủ nào kiến tạo một dãy hoàng thành lũy cao hào sâu để muôn đời mặt nước Hương giang còn vương vấn kinh thành? Vị vương chủ nào trên đỉnh Hải Vân sơn phóng tầm mắt về phương Nam mà hoạch định kế sách dài lâu? Ôi một dải miền Trung đường trường mây trắng phải chăng đã là khát vọng vẫy vùng từ buổi Tiên chúa ta rời xa đất Bắc, rời xa tiên tổ để trưởng thành, để học theo truyền thuyết mà vươn mình thành Phù Đổng Thiên vương?
|
Và, kể từ đó, dặm dài miền Trung tự thẳm sâu đã mang trong mình lòng hàm ân một vương triều! Hãy còn đây dấu tích đền đài lăng tẩm thâm u cùng ngàn thông cô tịch, còn đây nhẫn nại một hoàng thành đợi ngày bóng đèn lịch sử rọi lại tích xưa!
Lầu Ông Hoàng đó
Thành Trà Bàn
Lê Thánh Tông năm 1471… Nguyễn Nhạc năm 1778… Võ Tánh và Ngô Tùng Châu năm 1800… những con số với những cái tên có thể đã gợi lên cái gì đó thật lẫy lừng, mà ông khách nào trong tôi vẫn băn khoăn kiếm tìm một tứ thơ. Vì sao nào sáng lóe trên bầu trời văn học, vì sao băng ánh lên rực rỡ rồi tự xé mình trong tĩnh lặng thinh không. Hàn Mặc Tử, ngài là vương chủ của một vương quốc thi ca, là thống soái của Bàn thành tứ hữu, cớ sao còn day dứt mộng hoàng thành? Anh đã đến trên thế gian này, đã tự quất vào mình những lằn roi rớm máu, để đau thương (tên tập thơ Hàn Mặc Tử) để khóc, để cười, để chơi giữa mùa trăng (tên tập thơ Hàn Mặc Tử)… Ngủ đi thi nhân, Ghềnh Ráng ánh chiều hắt lên rừng thông cô tịch là phối cảnh của thiên nhiên hoài cảm một tài năng thi ca mà xót xa cho một vận số ngắn ngủi! Ngẫm nghĩ hoài công thức tính vận tốc là tỷ số của quãng đường và thời gian thì công thức tính vận tốc thời gian là tỷ số của giá trị một đời và thời gian có được. Dẫu quỹ thời gian dành cho anh ngắn ngủi thì anh cũng đã sống mãnh liệt cùng vận tốc thời gian.
Và lịch sử văn chương hiện đại đã trang trọng ghi nhận một cái tên: Nhà thơ Hàn Mặc Tử!
Vĩ thanh
Đã một ngày với nắng và gió, đã thiên niên cùng một dải miền Trung. Miền Trung trong tôi sao quá thân thương, và quá đỗi tự hào. Phía sau xa nào chỉ là trang giấy trắng?
Thiếp đi, chiều đã tận, một giấc mơ êm đềm, hãy chập chờn phía sau trang giấy một ký tự miền Trung chưa thỏa chưa nguôi!
|
Bình luận (0)