Vừa hạn, vừa nhiễm mặn
Ảnh hưởng của thời tiết khô nóng kéo dài cộng với gió Tây Nam thổi mạnh khiến mực nước tại nhiều hồ đập trên địa bàn Quảng Trị còn không quá 35% dung tích thiết kế, như La Ngà (26,6%), Trúc Kinh (27,7%), Ái Tử (34,4%); riêng hồ Tân Kim chỉ đạt 19,9%. Viễn cảnh u ám đang đặt ra với gần 2.500 ha cây nông nghiệp tại Quảng Trị, và hơn 1.000 ha lúa vụ hè thu 2019 tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ đang đối mặt với nguy cơ mất trắng.
Tại Quảng Bình, theo ông Trần Hồng Quảng, Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình, tính đến cuối tháng 6, mực nước nhiều hồ đập cũng xuống ở mức thấp nhất. Trên địa bàn tỉnh chỉ có 3/17 hồ chứa thuộc đơn vị quản lý đạt dung tích thiết kế (gồm hồ Vực Tròn, hồ Sông Thai, hồ Thanh Sơn); 14 hồ còn lại chỉ đạt từ 40 - 50%. Vì vậy, gần 1.700 ha lúa hè thu không có nước tưới, dự báo tới cuối vụ sẽ có trên 3.600 ha lúa bị khô hạn.
Tại Thừa Thiên-Huế, hạn hán đang lan rộng lên vùng cao 2 huyện A Lưới, Nam Đông, với hơn 130 ha lúa hè thu tại các xã Thượng Long, Thượng Quảng, Thượng Nhật, A Ngo, Sơn Thủy, Hồng Quảng, Hồng Trung, A Roàng… bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tại TP.Đà Nẵng, ngày 7.7, ông Đặng Phú Hành, Phó chủ tịch UBND H.Hòa Vang, cho biết địa phương đã thống kê, khoanh vùng hơn 2.000 ha lúa, khoảng 500 ha hoa màu để dự phòng các kịch bản chống hạn khẩn cấp.
Khô hạn kèm theo tình trạng xâm nhập mặn khiến tình hình càng thêm bất lợi. Ở Quảng Nam, ngoài 13.000 ha đất sản xuất nông nghiệp vùng ven viển Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ bị ảnh hưởng do khô hạn, có đến 4.500 ha khác chịu thiệt hại do hạ lưu Thu Bồn nhiễm mặn. Ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Quảng Nam, cho biết nắng nóng kéo dài trên diện rộng thời gian qua đã khiến 3 hồ chứa thủy điện lớn ở phía thượng nguồn (Sông Tranh, A Vương, Đắk Mi 4) bị thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng. Vì vậy, từ cuối tháng 6 đến nay, các thủy điện đã cắt giảm công suất phát điện, khiến dòng chảy tụt giảm mạnh.
Kết quả quan trắc từ ngày 29.6 đến nay cho thấy nồng độ mặn trên sông Thu Bồn tại khu vực cầu Câu Lâu cũ là 20,3 phần nghìn; tương tự, sông Vĩnh Điện tại khu vực ngã ba Vòm Cẩm Đồng là 3 phần nghìn, tại khu vực gần bể hút của trạm bơm Vĩnh Điện là 1 phần nghìn. Trong khi đó, nếu nồng độ mặn tại bể hút vượt mức 0,8 phần nghìn thì các trạm bơm điện không thể vận hành để bơm nước tưới dưỡng cho những ruộng lúa non.
|
Ở khu vực bắc Trung bộ, nhiễm mặn đang xâm nhập ngày càng sâu vào nội đồng, độ mặn đạt mức cao kỷ lục tại Quảng Trị, có nơi đo được lên đến 16,2%. Tại Quảng Bình, theo Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh, gần như toàn bộ 113 công trình cấp nước trên địa bàn đều không đảm bảo đủ dung lượng và chất lượng nước cho người dân; nhiều công trình nước và địa phương bị nhiễm phèn hoặc xâm nhập mặn như tại các vùng ở sông Gianh, sông Rào Nan qua địa bàn TX.Ba Đồn, H.Quảng Trạch, H.Tuyên Hóa. Chưa kể, 18 công trình tại 2 huyện miền núi Minh Hóa và Tuyên Hóa đã ngừng hoạt động...
Lúa chết khô, dân thiếu nước sinh hoạt
Tại Bình Định, nhiều đồng ruộng ở thôn Vạn An và thôn Vạn Định của xã Mỹ Châu (H.Phù Mỹ) đang xảy ra tình trạng lúa chết khô vì thiếu nước tưới. Nông dân tại đây phải cắt lúa còn sống cho trâu bò ăn hoặc thu dọn lúa chết về làm chất đốt.
“Nước thủy lợi không có mà trời cũng chẳng chịu mưa nên chúng tôi chỉ biết nhìn lúa héo dần rồi chết đứng. Bây giờ chúng tôi phải thuê máy cắt dọn cho sạch ruộng rồi đưa về để làm chất đốt chứ loại lúa khô héo này trâu bò nó chê vì đắng”, ông Phạm Kim Anh (ở thôn Vạn An) nói.
tin liên quan
Miền Bắc, miền Trung đối mặt đợt nắng bỏng rátÔng Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết ngoài thiếu nước tưới cho đồng ruộng, H.Phù Mỹ còn có khoảng 10.000 người ở các xã Mỹ An, Mỹ Chánh, Mỹ Thắng... đang thiếu nước sinh hoạt rất trầm trọng, thậm chí thiếu cả nước uống. “Hiện bà con ở vùng này phải đi mua nước uống với giá mỗi khối từ 100.000 - 150.000 đồng là quá cao. UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Công an tỉnh, Bộ đội biên phòng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tập trung các thiết bị, xe bồn chở nước đến phục vụ người dân”, ông Trần Châu nói.
|
Ông Trần Kỳ Quang, Phó chủ tịch UBND H.Tuy Phước (Bình Định), cũng cho biết do nắng hạn kéo dài nên địa phương đã có 50 ha ruộng không thể gieo sạ vụ hè thu, 26 ha lúa đã gieo sạ bị chết và gần 1.900 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. UBND H.Tuy Phước đã có văn bản báo cáo tình hình và đề nghị UBND tỉnh Bình Định hỗ trợ hơn 3,2 tỉ đồng để chống hạn phục vụ sản xuất, hỗ trợ nước uống và nước sinh hoạt cho người dân.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, hiện toàn tỉnh có khoảng 2.781 ha lúa bị hạn, trong đó có 116 ha lúa ở các huyện Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Tây Sơn, Hoài Ân bị mất trắng. Nếu trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh Bình Định không có mưa, khả năng xảy ra hạn khoảng 10.000 ha.
Tại Quảng Ngãi, nắng nóng kéo dài đã làm hơn 1.500 ha lúa, hoa màu của tỉnh này chết đứng ngoài đồng, hoặc không sản xuất được. Nhiều hồ đập ở tỉnh này hiện cũng đang xuống thấp hoặc trơ đáy. Ở xã Bình Thạnh (H.Bình Sơn), những ruộng bắp, ruộng mì cháy queo dưới nắng. Ông Lê Tân Hoàng ở thôn Vĩnh Trà (xã Bình Thạnh) cho biết, ông trồng 4 sào bắp hồi tháng 3.2019, giờ cây bắp cháy khô, xem như mất trắng, bởi cắt về bò cũng chê, không thèm ăn, nên chẳng buồn chặt cây bắp làm gì.
Ông Phạm Hồng Nguyên, Trưởng phòng NN-PTNT H.Bình Sơn, cho biết ở các xã khu đông và một số xã khu tây H.Bình Sơn từ Tết Nguyên đán đến nay không có mưa. Toàn huyện đã có 5 hồ cạn khô; các hồ đập còn lại mực nước chỉ còn từ 30 - 50%. Để chống hạn, địa phương đã hỗ trợ gần 1,1 tỉ đồng cho người dân khoan giếng, mua nhiên liệu để chạy nước cứu lúa và hoa màu; làm trạm bơm chống hạn, nạo vét kênh mương. Ở xã Phổ Cường, H.Đức Phổ (Quảng Ngãi), hàng chục héc ta ruộng cũng đang khô khốc, không thể gieo sạ được, còn người dân thì bỏ quê đi cầu thực.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh đang có hơn 11.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; 740 ha đất nông nghiệp không sản xuất được và 770 ha lúa vụ hè thu chưa gieo sạ. Nếu nắng nóng vẫn tiếp tục diễn ra, dự kiến khoảng 13.000 ha cây trồng khác bị hạn, trong đó có 7.400 ha lúa. Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi đang kiến nghị UBND tỉnh này báo cáo T.Ư xem xét, hỗ trợ kinh phí để chống hạn và xâm nhập mặn.
Tại Phú Yên, tình trạng hạn hán cũng đang ảnh hưởng đến sản xuất vụ lúa hè thu. Theo Phòng NN-PTNT H.Tuy An, hiện toàn huyện còn khoảng 400 ha lúa chưa được cấp nước, chậm hơn từ 10 - 15 ngày so với chu kỳ cấp nước cho lúa sinh trưởng thông thường. Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết tình hình hạn hán tại Phú Yên rất căng, không chỉ gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp mà còn khiến hàng ngàn hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt. Nắng hạn kéo dài cũng là nguyên nhân gây ra 9 vụ cháy rừng tại Phú Yên, gây thiệt hại hàng trăm héc ta rừng trồng.
Loay hoay tìm nguồn nướcTrước tình hình hạn hán và nhiễm mặn diễn biến khốc liệt, UBND tỉnh Quảng Trị vừa có kiến nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính xem xét trình Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ 115 tỉ đồng để đối phó khẩn cấp, cứu các diện tích cây nông nghiệp. Trong khi chờ “ngoại lực”, các địa phương miền Trung đang loay hoay tìm nguồn nước.
Đơn cử Quảng Trị, hàng loạt giải pháp như đắp đập tạm để trữ nước, nạo vét sông, lắp trạm bơm dã chiến... đã xúc tiến. Tại Quảng Nam, ông Lê Ngọc Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT, cũng cho hay địa phương chỉ đạo nạo vét một số con sông, đặc biệt là... “thay” nguồn nước nhiễm mặn. “Hiện tại, ở nhiều trạm bơm, lượng nước cũ (tức nước nhiễm mặn - PV) không thể sử dụng nên chúng tôi đã yêu cầu bơm lên, sau đó bơm nước ở khu vực khác đổ vào để phục sản xuất”, ông Trung nói.
Tại Đà Nẵng, giải pháp ưu tiên hàng đầu là... tiết kiệm. Chính quyền H.Hòa Vang cho biết đã phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi, có phương án cung cấp nước hết sức tiết kiệm và chuẩn bị nhiều phương án, kể cả chuyển đổi cây trồng ngay từ năm nay.
|
“Mưa vàng” vẫn không cứu đượcTại khu vực miền Trung vừa xuất hiện một số cơn “mưa vàng”, nhưng có lẽ không giúp thay đổi tình hình. Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên-Huế, cho biết đợt mưa vừa qua có cải thiện được chút ít tình hình, và địa phương “hy vọng sẽ vượt qua được tháng 7 khô hạn này và đón nhận những đợt mưa trong đầu tháng 8 tới”.
Trong khi đó, theo ông Hồ Xuân Hòe, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, 4 ngày trước Quảng Trị có mưa nhưng mới đủ làm... ướt đất, chưa cải thiện gì nhiều. Sau mưa, dung tích của các hồ đập chỉ nhích lên đạt trung bình 34%, nhưng rồi nắng nóng và gió Lào đã khiến tình hình quay lại vạch xuất phát.
|
Bình luận (0)