Mới đầu năm, song một số địa phương ở miền Trung lại đang lo... thiếu nước và khô hạn.
Hồ Trúc Kinh ở huyện Gio Linh chỉ có lượng nước đạt 38% dung tích thiết kế
Ảnh: Nguyễn Phúc |
Quảng Trị trước nguy cơ hạn nặng
|
Với tình hình này, dự báo các vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị đều thiếu nước trầm trọng. Trong đó khu vực H.Triệu Phong, Hải Lăng, hệ thống thủy nông Nam Thạch Hãn cũng chỉ đảm bảo nước tưới cho 3.600/5.300ha. Khu vực H.Gio Linh, Cam Lộ cũng nằm trong tâm hạn vì nước tại các hồ thủy lợi đều không đảm bảo. Vậy nên, theo tính toán của Công ty TNHH MTV quản lý, khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị, năm 2015 có ít nhất 4.000ha lúa thiếu nước tưới.Ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho hay ngành nông nghiệp địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để chống. Phải làm từ những việc nhỏ như: be bờ giữ nước, đóng các cống ngăn mặn, ra quân làm thủy lợi, sử dụng các máy bơm lấy nước từ các vũng... Tiếp đó, phải lựa chọn được giống lúa ngắn ngày, chịu hạn, có năng suất. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa những người giữ nước (các đơn vị thủy lợi) và người dùng nước (các hợp tác xã và nông dân)...
Dù vậy, theo ông Bài, đó vẫn chưa phải là giải pháp lâu dài cho việc đón đầu trận hạn lớn ở Quảng Trị trong năm 2015. “Tôi cho rằng phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng không có nước hoặc nước ít, chứ không cứ nhất nhất phải trồng lúa. Tất nhiên, việc chuyển đổi này phải có quy trình, có chính sách hỗ trợ”, ông Bài nhấn mạnh. Và việc chuyển đổi mà ông Bài nhắc đến chính là việc chuyển khoảng 8.000ha trồng lúa sang trồng loại cây khác, trong đó ngô là một lựa chọn khả dĩ.
Quảng Nam ứng phó El Nino
Đến giữa đầu tháng 1.2015, tất cả 73 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn Quảng Nam đều trữ đủ nước, đảm bảo phục vụ nguồn nước tưới cho 43.000ha lúa cùng với hàng chục ngàn ha cây trồng cạn, rau đậu… Năm nay, không có lũ lớn, nhưng ngành nông nghiệp địa phương chưa hẳn đã thở phào, khi các hồ chứa thủy điện còn thiếu hụt, như hồ chứa A Vương hụt đến 8m nước.
“Rất may là năm nay có thêm hồ thủy điện Sông Bung 4, bắt đầu tích nước từ đầu tháng 8.2014”, ông Võ Văn Điềm, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam đánh giá.
Những dự báo về tình hình thời tiết khá phức tạp buộc Quảng Nam điều chỉnh hàng loạt kế hoạch gieo trồng, như cơ cấu giống (chọn loại ngắn - trung hạn, sử dụng ít nước), chuyển đổi sang cây trồng cạn ở cùng bấp bênh về nguồn nước, vận động người dân tiết kiệm nước, làm việc với các nhà máy thủy điện về kế hoạch điều tiết xả hợp lý... Sau 2 năm phối hợp điều tiết nước tương đối hiệu quả giữa tỉnh Quảng Nam và các chủ hồ thủy điện, cuộc họp bàn kế hoạch cho năm 2015 giữa các bên vừa tiếp tục đạt thỏa thuận, như hạn chế xả vụ đông xuân để dành nước cho vụ hè thu. Tình trạng mặn thâm nhập vùng hạ lưu Vu Gia - Thu Bồn cũng khiến giới chuyên môn đau đầu.
“Các năm trước, thường thì đến tháng 2 chúng tôi mới xin chủ trương của tỉnh để đắp đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện. Năm nay, mới đầu tháng 1 chúng tôi đã phải đề xuất rồi, phải lo trước các giải pháp công trình lẫn phi công trình vì dự báo mặn xuất hiện sớm hơn, El Nino diễn biến phức tạp hơn”, ông Võ Văn Điềm nói.
Tình trạng thời tiết bất thường khiến 800ha lúa ở huyện Duy Xuyên phải gieo sạ chậm hơn nửa tháng (do hồ chứa tụt giảm đến 2m nước) trong vụ hè thu 2014 đang tiếp tục ám ảnh, khi 1.200ha lúa và gần 600ha hoa màu vụ đông xuân 2014-2015 tại địa bàn TP.Tam Kỳ hiện đang lùi lịch thời vụ cũng vì lý do tương tự. Nhà nông vẫn đối diện nhiều rủi ro, dù ngành nông nghiệp quả quyết địa phương không hề chủ quan và có sẵn kịch bản thiếu nước và nhiễm mặn sớm.
Bình luận (0)