'Miền trung lũ lụt, suốt đêm không ngủ' (*)

17/10/2020 07:23 GMT+7

Đối với người lớn thì lũ lụt là nỗi lo. Đối với bọn trẻ chưa biết gì thì lại là niềm vui đến hẹn lại lên.

Lũ năm 1999 là lần đầu tiên một đứa nhỏ lóc chóc như tôi biết sợ, biết thế nào là nỗi lo “suốt đêm không ngủ” của mẹ. Nhớ tối đó cậu dặn dò cả nhà, bây giờ phải canh chừng, nước mà còn lớn nữa thì sẽ tính đến cạy tôn, lên mái nhà chờ cứu hộ!
Nhà có nhà cao, nhà thấp; hộ đầy đủ chồng vợ, hộ neo đơn; có điều cơn lũ dữ nào đâu phân biệt được. Nhà tôi chỉ có hai mẹ con, mỗi lần nghe nước sông Thu Bồn lên trên báo động 2 là đã thấy mẹ lo lắng thu xếp, dọn dẹp. Than với củi cho lên gác, gạo chia thành từng bao nhỏ mới đủ sức di chuyển. Những bao lúa vừa gặt về là căng nhất, chưa kịp phơi khô, kiểu gì qua lụt cũng lên mộng cho mà xem. Lúa này mẹ thường dọn qua nhà ngoại trước, cao hơn nhà tôi, khi nào nước lớn hơn thì mới đưa lên cho đỡ tốn công. Tôi còn nhớ đêm đó nước lớn đột ngột, mấp mé chực tràn vô nhà ngoại, cậu và mẹ vội vàng khuân lên gác suýt là không kịp. Cậu vác xong bảo, chu choa mẹ mày mạnh dữ, bình thường ốm nhom yếu òm vậy mà lúc cần bao lúa 50 kg cũng vác nổi luôn.
Hồi đó nhà các cậu chưa kiên cố, đến mùa lụt sẽ tập trung hết qua nhà ngoại ngủ. Hôm nọ, vì lũ chưa vào nhà nên các cậu mợ nằm giường dưới còn mẹ con tôi thì nằm gác. Đang ngủ, mợ giật mình nước từ đâu xè xè chảy xuống. Vài giây sau phát hiện ra là tôi tè dầm.
Những ngày lụt lội thì chiếc radio thành bạn thân thiết của đại gia đình tôi, cứ đến đúng giờ là lại được mở để nghe thông báo tình hình lũ lụt trên các sông lớn. Thỉnh thoảng nghe tin người này người kia bị nước cuốn trôi mà trong lòng đau xót lắm. Cuốn theo dòng nước lũ còn có gia tài chắt chiu bao ngày, mấy con gà, mấy con heo chỉ đợi xuất chuồng bán lấy tiền. Chuyện rằng, mẹ tôi đến bây giờ ngửi mùi bò là thấy nhợn, mẹ kể do ngày xưa đang lúc hết thực phẩm dự trữ thì có con bò đã chết trôi đến, thế là làm thịt ăn cả mùa lũ kéo dài bốn, năm ngày. Lúc đó còn không có cả gia vị, ăn hết chừng ấy ngày bây giờ nghe mùi thôi là hết muốn cho vô miệng.
Đa phần kỷ niệm của tôi về lũ lụt là những kỷ niệm vui vì tuổi vẫn còn nhỏ. Người lớn lo thế nào không biết chứ lũ con nít là suốt ngày mang đòn gánh hoặc cành cây ra đo mực nước. Nước lên là mừng lắm, được nghỉ nhà khỏi phải học hành, ba mẹ cũng không phải làm việc. Làng tôi chuyên làm mộc và tráng bánh tráng, ba mẹ nghỉ làm thì con nít cũng khỏi cần lăng xăng phụ việc, cả nhà đều vui.
Nước lụt đến còn kéo theo cả lũ dế. Bây giờ nhìn đĩa dế trên bàn nhậu thấy hơi sợ chứ ngày xưa mà bắt được con nào là mừng rơn, nhanh chóng mang vô bếp than nướng liền. Mùi thơm phưng phức đến bây giờ còn nhớ. Món ăn thứ hai phải kể đến trong ngày mưa lũ là bánh xèo. Mẹ tôi làm nghề tráng bánh tráng, nên nếu lụt vào thì bột đã lỡ xay chuyển qua làm bánh xèo. Những đêm cúp điện, tiếng xèo xèo bên đèn dầu hòa cùng tiếng ễnh ương réo rầm trời, lấn cả tiếng mưa từng hồi hú giật ngoài kia. Nhắc làm nhớ gì đâu!
Ngoài được ăn ngon thì còn được chơi. Thích nhất là làm bè chuối. Hồi nhỏ tôi không dám lên bè ngồi, vì là con một nên được mẹ giữ như cục vàng vậy. Hơn nữa lũ dữ như vậy, ai biết được nhỡ đâu xui xẻo. Mà cũng nghe nhiều rồi, bè trôi ra tận ruộng rồi mấy đứa nhỏ chết đuối trong vòng nước xoáy. May mà trong ký ức của tôi không có mấy gam màu đen tối đó, chỉ nhớ mỗi lần con nít trong xóm hiên ngang cưỡi bè đi qua là háo hức như điên, nhảy nhót hò hét loạn xạ. Dù gì thì bè chuối này cũng chặt từ bụi nhà tôi mà lị, đã vậy tôi còn góp công hì hụi làm cùng chứ chẳng đùa.
Mấy năm nay có đập nên cũng ít lũ lụt hơn, lợi có mà hại cũng có. Năm nào không lụt là y như rằng lũ chuột hoành hành ngang dọc, đất cũng thiếu phù sa, mùa màng theo đó cũng thất bát. Chừng nào người dân quê tôi còn bán mặt cho đất, bán lưng cho trời thì hãy còn phụ thuộc vào thiên nhiên nhiều lắm.
(*) Lời bài hát Bạn tôi, nhạc Võ Thiện Thanh, thơ Phan Minh Tấn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.