Miền Trung chống dịch: Sáng tạo kiểu Đà Nẵng

14/06/2021 10:45 GMT+7

Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở 2 đầu đất nước. Địa bàn các tỉnh, thành miền Trung vẫn chưa hoàn toàn vượt thoát nguy cơ, nhưng đã có những điểm sáng trong “cuộc chiến” này rất đáng được ghi nhận và nhân rộng.

Chủ động “đánh chặn”

Tính đến hôm nay (14.6), Đà Nẵng đã trải qua 27 ngày không có ca Covid-19 được phát hiện trong cộng đồng. Như vậy, kể từ khi phát hiện bệnh nhân (BN) đầu tiên tại khách sạn Phú An (ngày 3.5), Đà Nẵng chỉ mất 16 ngày để khống chế dịch bệnh (BN cuối cùng trong cộng đồng vào hôm 19.5). Để đạt được những “dấu mốc” ấn tượng này, TP đã đề ra chiến lược hợp lý trong khoanh vùng mà cụ thể là chủ động “đánh chặn” Covid-19 thông qua phương pháp xét nghiệm trên diện rộng.

Xử nghiêm các sai phạm

Hết ngày mai (15.6), nếu không ghi nhận thêm BN nào thì Đà Nẵng đã trải qua 28 ngày “sạch” Covid-19 trong cộng đồng. Trên cơ sở tham mưu của ngành chức năng, TP sẽ có những quyết định mới trong nới lỏng, trong đó thận trọng nới lỏng theo “từng nấc” và xử lý nghiêm các vi phạm. TP.Đà Nẵng cũng tiên phong thành lập một tổ pháp lý do Sở Tư pháp chủ trì để ra các hướng dẫn xử phạt hành vi vi phạm. Đến hôm 8.5, các quận, huyện đã xử phạt 615 trường hợp với số tiền gần 1,8 tỉ đồng.
Đợt dịch Covid-19 lần này diễn biến phức tạp ở Đà Nẵng từ đầu tháng 5, với nhiều ổ dịch như bar Phương Đông, thẩm mỹ viện Amida, KCN An Đồn… Ngay lập tức, bên cạnh công tác khoanh vùng các F1, F2, ngành chức năng đã khẩn cấp áp dụng triệt phương thức xét nghiệm nhóm có nguy cơ cao như nhân viên các quán bar, karaoke, lái xe, công nhân trong các KCN… Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, trong các ngày 18 - 20.5, lực lượng chống dịch đã triển khai xét nghiệm trên diện rộng nhằm phát hiện sớm người mắc Covid-19 trong cộng đồng mà không có biểu hiện. Giải pháp này đã sớm cho thấy hiệu quả, đại diện của gần 70.000 hộ dân được xét nghiệm đã giúp phát hiện một BN tại Q.Sơn Trà vào chiều 19.5.
Miền Trung chống dịch: Sáng tạo kiểu Đà Nẵng

Phương thức xét nghiệm gộp đến 20 mẫu của CDC Đà Nẵng đã giúp tăng tốc khoanh vùng, dập dịch

“Thủ” chặt, nhưng không cực đoan

Hôm 9.6, UBND TP.Đà Nẵng quyết định nới lỏng và cho phép một số dịch vụ, quán ăn, uống… được hoạt động trở lại; kết quả xét nghiệm đối với chủ quán, nhân viên là cơ sở để cho phép dịch vụ hoạt động. Ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP, yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có kế hoạch xét nghiệm Covid-19 định kỳ nhằm sàng lọc nguy cơ các trường hợp tham gia dịch vụ. Để thành công trong chiến lược “đánh chặn” này, không thể không kể đến năng lực xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (CDC Đà Nẵng). Chính bởi điểm sáng trong xét nghiệm gộp 5, 10 và 20 mẫu mà CDC Đà Nẵng đã được Thủ tướng tặng bằng khen.
Khác với “cuộc chiến” Covid-19 làn sóng lần thứ 2 (tháng 7.2020), trong đợt chống dịch này, Đà Nẵng đã tăng cường “phòng thủ” từ đầu tại các bệnh viện (BV). Rút kinh nghiệm từ đợt thứ 2 khi 3 BV lớn của TP “thất thủ” đầu tiên, đợt này Đà Nẵng đã lập “hàng rào” tại tất cả các BV trên địa bàn. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, các BV hạn chế tối đa việc người nhà vào ra, tuyệt đối không để người thân đến thăm. Để được vào BV khám bệnh, người dân phải chấp hành và tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc 5K, khai báo y tế, đo thân nhiệt…
Với giải pháp này, BV Hoàn Mỹ đã phân luồng ngay từ đầu ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại cộng đồng (ngày 3.5) khi BN này đến khám ở BV. Đáng chú ý, trong thời gian cao điểm của dịch, ngành chức năng liên tục phát thông báo các BN đã từng đến Trung tâm y tế Q.Liên Chiểu, Q.Sơn Trà khám bệnh. Tuy nhiên, nhờ hệ thống phòng thủ chặt chẽ ngay từ đầu, Đà Nẵng đã không ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm Covid-19 từ cộng đồng vào các BV.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.