Milan Kundera - người bất tử

15/07/2023 07:36 GMT+7

Trải qua nhiều biến động thời cuộc, Milan Kundera đã có sự nghiệp văn chương vững chắc, và được ca ngợi như một trong những nhà văn CH Czech vĩ đại nhất thế giới.

Định hình lại tính hư cấu

Tin tức nhà văn qua đời hôm 11.7 tại Pháp đã khiến văn đàn quốc tế xôn xao. Đó là sự thương tiếc dành cho một nhà văn lớn, cho người không ngừng mở rộng khái niệm hư cấu cũng như phản ánh câu chuyện của bản thân mình. Kundera xét về bản chất, cũng làm được việc tương tự Kafka là "định nghĩa" lại thể loại này, từ đó tạo ra thách thức lớn cho những nhà văn mãi về sau này.

Tiểu thuyết gia Milan Kundera và các tác phẩm đã xuất bản tại VN

AFP - NXB

Sinh thời, Kundera từng nói tiểu thuyết truyền thống như một "cái chuồng" mà người viết văn lùa bầy gia súc (hay các sự kiện) vào trong chính nó. Chúng tuyến tính, một màu và thường không đúng với những diễn biến trong nội tâm con người. Chúng không có những phức cảm, không có cả sự xáo trộn, mà chỉ là những ảo ảnh với nhiều đặc trưng đánh lừa thị giác.

Vì vậy cùng với những tác giả lớn như Italo Calvino, W.G.Sebald, Milorad Pavić…, Milan Kundera đã góp phần thay đổi cấu trúc tiểu thuyết một lần và mãi mãi. Qua các tác phẩm phức tạp của ông, có thể thấy yếu tố hư cấu giờ mang quyền năng rất lớn. Nó vừa chuyên chở tính chất tưởng tượng trong nền móng văn xuôi, nhưng cũng đồng thời là thơ ca, âm nhạc, tiểu luận, triết học… được cuộn chung vào một cấu trúc lớn.

Do đó mỗi cuốn tiểu thuyết của Kundera đều ẩn chứa những suy tư riêng về con người và cuộc sống này. Chẳng hạn trong cuốn Chậm (1995), ta dễ bóc tách riêng tác phẩm này dưới nhiều khía cạnh không hề hoàn chỉnh. Như chính nhà văn cũng từng chia sẻ, đây là "mánh khóe" mà ông học từ Robert Musil và Hermann Broch, từ đó tạo nên nghệ thuật tiểu thuyết của bản thân mình.

Sự không hoàn chỉnh là những tổ hợp, chỉnh hợp từ nhiều chất liệu được ông kết hợp một cách nhuần nhuyễn. Nó là "cầu nối" giúp ta hiểu được cấu trúc văn chương mà cả đời ông không ngừng theo đuổi. Nó gồm (1) kết cấu siêu tiểu thuyết (văn xuôi kết hợp với nhiều chất liệu), (2) cấu trúc chương hồi mô phỏng nhạc tính (với khúc dạo đầu, điệp khúc, vĩ thanh), (3) trọng tâm tiểu luận (mượn sự suy ngẫm nói về hiện thực, thay vì truyền tải thông điệp mang tính khải huyền).

Trong Chậm ta có thể thấy tính siêu tiểu thuyết mà Kundera cố công dập nổi. Đó là câu chuyện "du hành thời gian" mà hai nhân vật thế kỷ 18 và 20 đã gặp được nhau tại một giao điểm của tòa lâu đài nơi những số phận giao thoa. Đó còn là sự thâm nhập giữa mơ và thực, với chút pha lẫn của bán tự truyện (khi ông lấy tên vợ mình đặt cho nhân vật), với phi hư cấu (sự kiện có thật để làm rõ hơn tính chất tiểu luận) và cả hư cấu.

Trọng tâm tiểu luận tuy ít xuất hiện nhưng lại đóng vai trò lớn như một cánh cửa mở ra sự vật, hiện tượng. Với Chậm, Kundera chiêu đãi độc giả những ý tưởng riêng về tốc độ của dòng thời gian mà ông nhúng mình vào. Ở đó, "thời đại chúng ta đã phó mặc mình cho con quỷ tốc độ và chính vì thế mà nó tự lãng quên mình quá ư dễ dàng"; nhưng bao trùm hơn cả, ông đã đảo ngược lại mệnh đề đó để cho thấy rằng "thời đại chúng ta bị ám ảnh bởi ham muốn lãng quên và để thỏa mãn ham muốn ấy mà nó phó mình cho con quỷ tốc độ".

Và mỗi một người trong guồng quay ấy đều chứa trong mình một "người khiêu vũ" - cái "tôi" hãnh tiến mang tính độc tài, cảm thấy kích thích trước những ánh đèn và vòng hào quang, để phơi mình trước đám đông lan đến vô tận. Đó là bản chất và là điển hình của sự háo danh, của cái giả tạo với tính độc đoán, lòng tham quyền lực.

Khoái lạc như sự giải thoát

Susan Sontag đã từng nói rằng "chụp ảnh là giết người về mặt biểu tượng", và Kundera cũng không ít lần cho các nhân vật đứng dưới ống kính. Từ Àgnes với sự lo âu khi khuôn mặt mình trở nên vô danh giữa hàng nghìn người khác, cho đến những "người khiêu vũ" trong tiểu thuyết Chậm. Tất cả tạo tác mà Kundera cố công xoay vần đều là con rối hay những bóng ma, và được "cỗ máy tạo hóa" điều khiển một cách tự động, để mỗi một người là những tổ hợp và các chỉnh hợp hoàn toàn ngẫu nhiên (ý tưởng của Kundera).

Milan Kundera (1929 - 2023) là nhà văn người Pháp gốc CH Czech. Trong cuộc đời mình, ông đã ra mắt rất nhiều tác phẩm thuộc nhiều thể loại, từ tiểu thuyết (đời nhẹ khôn kham, Sách cười và lãng quên, Sự bất tử, Chậm, Căn cước, Vô tri…), tiểu luận (Nghệ thuật tiểu thuyết, Những di chúc bị phản bội…) đến kịch nghệ. Ông đã giành rất nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, cũng như thường được dự đoán sẽ là chủ nhân của giải Nobel Văn chương tiếp theo trong nhiều năm liền.

Các nhân vật này rồi sẽ trở thành nạn nhân của "cỗ máy chém", hay nói rộng hơn, của một thời thế mà Kundera đã thấy và đã đi qua. Họ sợ mình bị lãng quên và rồi hòa nhòe vào những người khác, dẫn đến tự động trang hoàng cái "tôi" và "người khiêu vũ" ẩn bên trong mình. Đó là nỗi sợ và cái hoài nghi lơ lửng trên đầu làm thành lố bịch, bắt nguồn từ những mối thấp thỏm và thế giằng co bị đưa vào tròng.

Trong một bài luận thuộc cuốn Bộ sưu tập cát, Italo Calvino đã trình bày cách mà các biểu ngữ (hay "hệ hình ảnh" - từ dùng của Kundera) có thể vươn lên và chiếm vị thế của "hệ tư tưởng" - cũng từ của Kundera, chỉ bằng một sự xuất hiện mang tính hệ thống. Biểu tượng của quyền lực ấy khiến con người ta trở nên giả tạo và nhắc họ nhớ đến sự giám sát sản sinh ra nỗi bi quan kiểu Schopenhauer, nơi mà thế giới không có lối thoát và chỉ ngày một thêm xám xịt hơn.

Đó là thế giới "tiên tri" của chủ nghĩa tiêu dùng quá độ, của chủ nghĩa tư bản giám sát hằng ngày… và cũng là những tiên cảm về sự tận thế đang đến rất gần. Và lối thoát duy nhất, chỉ dấu vượt ra khỏi những điều này, là một nụ cười và cái châm biếm đậm tính dục tình mà các nhân vật cùng nhau sở hữu trong chút hơi tàn.

Rất nhiều độc giả thường thấy khó chịu về các chi tiết có phần thô thiển trong văn chương của Kundera, và về phần mình, ông cũng chưa bao giờ cố che giấu chúng. Từ một nhà khoa học qua đời vì nhịn tiểu, một cuộc kê giao cho đến những vụ tự tử tập thể, một cơn hứng tình với người mà ta không có cảm xúc... Ở đó là cõi nhân quần như đang đảo điên. Tuy vậy ẩn chứa sau những hành động gần như biến thái, điên loạn… chính là sức nén mà các nhân vật mong muốn giải tỏa, để họ như được giải thoát trong vài phút giây, nơi mình được sống và được tồn tại, bớt đi một giây của kỳ đen tối để chờ đến hồi thái lai.

Trong cuốn Sự bất tử, Kundera viết: "Cái chết và sự bất tử là cặp tình nhân không thể tách rời". Dù vậy ông đã không chết vì không nghĩ đến sự bất tử nào. Nhưng "con người có thể chấm dứt cuộc đời, nhưng không thể chấm dứt được sự bất tử". Và ông, là người bất tử. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.