Minh bạch để 'trị' tham nhũng trong kinh tế ngầm

21/02/2019 06:56 GMT+7

Tăng yếu tố công khai minh bạch nhiều hơn, lúc đó cơ chế xin - cho mới giảm và theo đó, nạn tham nhũng sẽ giảm theo

Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế quản lý trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng thống kê các bộ phận kinh tế phi chính thức để xây dựng nền kinh tế minh bạch hơn.
Theo Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, tham nhũng cũng được coi là một mảng trong kinh tế bất hợp pháp. Theo ông, làm thế nào để quan sát và tính toán được tham nhũng?
       PGS-TS Trần Đình Thiên- Ảnh: Ngọc Thắng
Trước hết phải khẳng định nỗ lực đưa phần kinh tế phi chính thức vào để quan sát là điều cần thiết phải làm. Thực tế, bộ phận kinh tế ngầm không dễ để tính toán được. Tham nhũng lại càng khó nói bởi nếu ta xác định được đó là tham nhũng thì nó chuyển sang mảng tội phạm hình sự rồi, nó không còn “ngồi yên” đó để cho ta quan sát mà ghi chép. Tuy nhiên, tham nhũng lại là một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn buôn lậu, ma túy, mại dâm... và làm tổn thất nhiều cho nền kinh tế. Thế nên, việc của chúng ta là làm thế nào xây dựng thể chế minh bạch, công khai, tăng cường đưa mảng tối ra ánh sáng càng nhiều càng tốt. Tăng yếu tố công khai minh bạch nhiều hơn, lúc đó cơ chế xin - cho mới giảm và theo đó, nạn tham nhũng sẽ giảm theo. Đó mới là cốt lõi của vấn đề.
Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư rồi đến giờ là Đề án thống kê kinh tế ngầm, giải pháp cuối cùng đều là cắt giảm thủ tục, chi phí, minh bạch bộ máy...?
Đúng thế. Muốn kiểm soát được mảng phi chính thức, đầu tiên chúng ta phải giương cao ngọn cờ minh bạch như tôi nói trên, không phải là chuyện giám sát. Thứ nhất, cắt giảm bớt các chi phí thừa trong bộ máy. Thứ hai, công cụ để thực thi việc này phải rõ ràng, mang tính khuyến khích cao chứ không phải chuyện hô hào anh phải làm thế này, thế nọ. Quan trọng nhất của việc thống kê này không phải đi rình mò, đếm, đo, bắt những thành phần kinh tế đang trốn chui, trốn nhủi... mà đánh giá được vấn đề, tình hình để xây dựng bức tranh kinh tế lành mạnh và bền vững hơn. Việc quan sát được hay không tùy thuộc vào năng lực của người thực thi mà cụ thể là thể chế. Nếu chúng ta vẫn nặng cơ chế xin cho, nặng cơ chế phân bổ, ưu tiên này nọ... thì không thể quan sát một cách khách quan được. Nếu quan sát tốt, cái thu được từ mảng ngầm này nhiều chứ không ít đâu.
Vậy theo ông, làm thế nào để nâng cao tính hiệu quả của đề án?
Theo tôi, đánh bạc, cá cược... nên đưa vào hợp pháp hóa và cho hoạt động dưới công cụ pháp lý rõ ràng. Hiện tại, chúng ta thất thu từ lĩnh vực cá cược là rất lớn, nó đang chảy sang các nước lân cận. Nhiệm vụ của nhà quản lý là làm thế nào để quan sát đánh giá được chuyện rửa tiền, tham nhũng qua cá cược. Hay các hộ kinh doanh lớn nếu quan sát thấy họ thu nhập khác xa thực tế khai báo, cần khuyến khích họ lên doanh nghiệp (DN). Có như vậy, chúng ta mới có đội ngũ DN tư nhân vững mạnh được.
Vậy theo ông, việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát mục đích quan trọng nhất là gì?
Thống kê chưa hẳn chỉ để tăng thu mà làm cho nền kinh tế minh bạch hơn, bớt tham nhũng thì quyền của người dân cũng tăng cao hơn. Để có thể khuyến khích các chủ thể đang hoạt động trong nền kinh tế phi chính thức tham gia vào nền kinh tế chính thức, Chính phủ nên tập trung vào các biện pháp dài hạn, xây dựng thể chế minh bạch hơn bằng chính phủ điện tử, giao dịch phi tiền mặt... tránh trốn thuế và tăng cường chức năng theo dõi, giám sát của cơ quan quản lý hơn là kiểm tra và thu thuế.
Mại dâm, tham nhũng không tính vào “kinh tế ngầm”
Hai hoạt động này sẽ không được đưa vào để thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát (NOE) hay còn gọi là kinh tế ngầm. Thông tin được Tổng cục Thống kê cho biết tại cuộc họp báo về đề án này diễn ra ngày 20.2.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), cho biết khó khăn nhất là yếu tố bất hợp pháp và phi chính thức lộ diện, do đều là hoạt động "cố tình che giấu". Hiện có một số loại hình không được công nhận tại VN, dù mang lại thu nhập và theo thông lệ phải tính toán, thu thập dữ liệu như mại dâm hay tham nhũng...
Với hoạt động mại dâm, ông Lâm phân tích, do đây là hoạt động vi phạm thuần phong mỹ tục, văn hóa VN nên dù nhiều nước cập nhật vào GDP nhưng "VN chưa chắc đưa vào tính toán". Còn tham nhũng không phải là hoạt động sản xuất nên cũng không nằm trong mục tiêu thu thập thông tin, tính toán của cơ quan thống kê lần này.
Anh Vũ
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.