Xe

Minh bạch Quỹ bảo trì đường bộ

30/12/2017 08:36 GMT+7

Sau 5 năm hoạt động, nguồn thu của Quỹ bảo trì đường bộ đã tăng gấp đôi so với trước. Tuy nhiên, đang có nhiều ý kiến về vấn đề minh bạch thu - chi, cũng như việc có nên dừng mô hình quỹ.

Nhiều vi phạm về thu, chi
Kết quả kiểm toán mới đây của Kiểm toán Nhà nước với Quỹ bảo trì đường bộ (BTĐB) cho thấy, việc lập, giao kế hoạch chi của Quỹ BTĐB do Tổng cục Đường bộ (TCĐB) thực hiện chưa kịp thời và đúng quy định. Trong đó, kiểm toán chỉ ra việc giao kế hoạch vốn bổ sung từ nguồn kinh phí 15% cho một số công trình không cấp bách (năm 2016 có 116/118 công trình không cấp bách), hoặc giao kế hoạch vốn cho một số công trình chưa đúng mục đích sử dụng của quỹ hơn 45 tỉ đồng...
Kiểm toán cũng cho rằng, Nghị quyết 02 của Hội đồng quản lý quỹ về việc tiết giảm 50% chi bảo dưỡng thường xuyên và chi phí có liên quan so với định mức năm 2013 khiến kinh phí bảo dưỡng thường xuyên được cấp cho năm 2015, 2016 chỉ còn 25 triệu đồng/km/năm. Hệ lụy là các hư hỏng mặt đường không được xử lý kịp thời, ảnh hưởng đến chất lượng khai thác của công trình, mặt khác sẽ phát sinh các hư hỏng lớn, khi sửa chữa đột xuất sẽ mất nhiều thời gian và kinh phí bổ sung.
(theo Nghị định số 18/2012, Nghị định số 28/2016 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ) Đồ họa: Hồng Sơn
Quá trình nghiệm thu, thanh toán, quyết toán tại các đơn vị trong việc sửa chữa định kỳ và đột xuất vẫn còn tính trùng, tính thừa khối lượng, một số đơn giá thanh toán chưa phù hợp. Kiểm toán đã phát hiện và loại trừ 9,7 tỉ đồng, trong đó sai sót khối lượng là 7,6 tỉ đồng, sai sót đơn giá là 1,7 tỉ đồng và sai sót khác là 548 triệu đồng.
Bên cạnh đó, kiểm toán phần quỹ tại các địa phương cũng cho thấy nhiều vấn đề trong lập, giao kế hoạch thu - chi. Trước đó, khi còn duy trì thu từ mô tô (trước năm 2015), một số địa phương lập kế hoạch thu không đầy đủ căn cứ, dữ liệu như Thanh Hóa, Hà Nội; giao kế hoạch thu và không thuyết minh chi tiết tổng số thu, số được để lại (Hà Nội); giao kế hoạch không sát thực tế, phải điều chỉnh, bổ sung cuối năm.
Chưa kể, việc xây dựng nhiệm vụ, bố trí kinh phí chưa căn cứ nhu cầu vốn bảo trì đường bộ và chức năng nhiệm vụ của quỹ, như giao Quỹ BTĐB tỉnh Phú Thọ cho Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) vay từ nguồn tạm ứng của ngân sách tỉnh 50 tỉ đồng, hết thời hạn vay chưa thu hồi được...
Thu tăng nhưng đường vẫn xấu
Dù nguồn thu tăng mạnh nhưng trên thực tế, một số tuyến đường vẫn còn tình trạng không được duy tu, bảo dưỡng, thường xuyên hư vạch sơn đường, cột mốc không được sơn lại hay tình trạng một số công nhân quét đường bằng chổi, cắt cỏ bằng tay...
Lý giải điều này, ông Lê Hoàng Minh, Chánh văn phòng Quỹ BTĐB, cho rằng cả nước hiện có gần 23.000 km đường quốc lộ (trong đó đường BOT và thuộc xây dựng cơ bản khoảng 3.000 km, còn lại nhà nước quản lý khoảng hơn 19.000 km). Định mức đơn giá bảo dưỡng trung bình phải đạt khoảng 150 - 200 triệu đồng/km, nhưng trên thực tế từ trước tới nay chỉ được duyệt trung bình 50 triệu đồng/km, chỉ bằng 1/3 nhu cầu. “Dẫn tới phải rà soát kỹ và tiết giảm định mức, ví dụ đáng lẽ quý nào cũng phải sơn lại cọc tiêu thì nay 2 quý mới sơn 1 lần, cắt cỏ cũng phải giảm tần suất...”, ông Minh cho hay.
Cũng theo ông Minh, phần chi cho bảo trì các tuyến quốc lộ trích từ quỹ năm 2017 là 4.000 tỉ đồng, cộng thêm ngân sách cấp bổ sung, tổng vốn khoảng hơn 7.800 tỉ đồng. Tuy nhiên, nếu tính cả bảo dưỡng duy tu, cũng như trung tu, đại tu theo đúng quy định thì 1 năm cần tới 23.000 - 25.000 tỉ đồng mới đáp ứng được.
Tuy nhiên ông Minh cũng thừa nhận, vẫn còn một số con đường do nhập nhằng giữa dự án xây dựng cơ bản và đường ngân sách bảo trì như QL19, QL14C Tây nguyên còn tình trạng sình lầy, đường đất hay ổ trâu, ổ gà gây khó khăn cho người dân.
Ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Bảo trì đường bộ (TCĐB), đơn vị trực tiếp lập kế hoạch chi của quỹ, cho rằng do vốn thiếu nên các hạng mục duy tu, bảo dưỡng phải giãn ra. “Nhà thầu thi công thủ công không còn nhiều, nhưng nhiều vị trí hẻo khuất không dùng máy quét đường được thì vẫn phải dùng thủ công. Tới năm 2018 - 2020, TCĐB yêu cầu sử dụng thiết bị công nghệ trong bảo trì”, ông Điệp nói.
Dừng quỹ, chuyển về ngân sách quản lý ?
Người dân, tài xế phản ứng phí chồng phí vì rõ ràng họ nộp phí bảo trì, rồi lại đóng tiếp phí BOT rất cao mà không được biết nguồn phí bảo trì kia đi về đâu
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội
Đáng chú ý, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, mới đây Bộ Tài chính đề nghị bỏ hình thành Quỹ BTĐB, chuyển về mô hình như trước khi có quỹ, tức là vẫn thu phí sử dụng đường bộ từ phương tiện, nhưng nộp trực tiếp vào ngân sách và ngân sách sẽ cân đối lại chi hằng năm.
Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, vấn đề lớn nhất của Quỹ BTĐB hiện nay là không công khai minh bạch nên không biết quỹ chi sử dụng vào đâu. “Người dân, tài xế phản ứng phí chồng phí vì rõ ràng họ nộp phí bảo trì, rồi lại đóng tiếp phí BOT rất cao mà không được biết nguồn phí bảo trì kia đi về đâu, còn thừa bao nhiêu, chi như thế nào. Thu tiền của người dân thì phải công khai, minh bạch cả thu lẫn chi”, ông Liên nói.
Theo ông Liên, việc bỏ thu phí BTĐB vào thời điểm này không phù hợp vì ngân sách hạn chế, ngay cả quỹ cũng không đáp ứng đủ, nếu bỏ phí thì đường miền núi hư hỏng mùa mưa lũ... sẽ không có nguồn sửa chữa. “Hiệp hội chúng tôi đồng ý duy trì thu nhưng phải minh bạch. Ngay từ đầu, khi quỹ thành lập, hiệp hội cũng đã có ý kiến giao về cho một đầu mối quản lý, có thể là Bộ Tài chính, từ đó phân bổ cho các địa phương, ngành, duy trì cơ quan quản lý riêng sẽ tốn kém hơn”, ông Liên cho hay.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc bỏ quỹ cần cân nhắc rất kỹ, vì có riêng một quỹ quản lý còn khó khăn trong phân bổ thì đưa về ngân sách quản lý có hiệu quả hay không phải xem xét.
Muốn người dân tin phải minh bạch thu - chi
Sau 5 năm hoạt động, cần đánh giá minh bạch, hiệu quả cũng như hạn chế của quỹ. Đặc biệt, cần công khai con số trong 5 năm qua khi có quỹ đã bảo trì và nâng cao được bao nhiêu chất lượng đường, bao nhiêu ki lô mét đường so với trước khi có quỹ. Người dân thấy quỹ bảo trì vẫn có nhưng chất lượng đường như thế nào thì cơ quan quản lý quỹ phải lý giải được. Rõ ràng, lâu nay có tình trạng chất lượng đường tại nhiều địa phương xuống cấp, chỉ khi báo chí lên tiếng chỗ này, chỗ kia có ổ voi, ổ gà... thì mới được sửa chữa. Muốn cho người dân tin phải minh bạch thu - chi, dân được hưởng lợi hay không khi có quỹ. Với những tồn tại, hạn chế của quỹ trong 5 năm hoạt động, phải phân định trách nhiệm đâu là do đơn vị quản lý quỹ, đâu là do đơn vị lập kế hoạch chi... Khi đó mới tính toán có nên tổ chức tiếp Quỹ BTĐB không, mô hình như thế nào, do cơ quan nào quản lý.
Nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Hà Nội)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.