Từ tháng 3.2015, Nghị định số 100/2014/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, quy định rõ trách nhiệm trong kinh doanh, sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, khuyến khích và bảo vệ việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Truyền tải thông tin về sản phẩm sữa đến các bà mẹ cần minh bạch và chính xác để bảo đảm cho trẻ em được tiếp cận nguồn dinh dưỡng cần thiết - Ảnh: Q.T
|
“Theo ghi nhận của các văn phòng đại diện của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN (Vinastas) trên 50 tỉnh, thành cả nước thì việc tiếp cận thông tin các sản phẩm sữa của người tiêu dùng còn gặp nhiều vướng mắc” - đó là thông tin ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Vinastas cho biết tại Hội thảo phổ biến sổ tay hướng dẫn thực hiện Nghị định 100/NĐ-CP về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ bú bình và ngậm vú nhân tạo diễn ra vào ngày 4.5. Theo ông Tuấn, hiện nay chưa có một kênh thông tin chính thức nào để tư vấn cho người dùng về giá cả, chất lượng, cách dùng, tiếp nhận các phản ánh của họ về các vi phạm. Trong khi đó, để khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, pháp luật đã cấm quảng cáo các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi và các thức ăn bổ sung cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Tuy vậy các quy định hiện hành lại chưa giúp phân biệt rõ sự khác nhau giữa quảng cáo tiếp thị và cung cấp thông tin. Vì vậy, có nhiều thông tin cơ bản về sản phẩm - những thông tin mà người tiêu dùng có quyền tiếp cận - bị đánh giá là quảng cáo và không được cung cấp. Dẫn đến các sản phẩm “nhái” tranh giành thị phần với các sản phẩm uy tín gây rối loạn thị trường. Mới đây, Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (SKBMTE - Bộ Y tế) vừa công bố cuốn Sổ tay hướng dẫn thực hiện Nghị định số 100/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo. Thông qua sổ tay, lần đầu tiên, Vụ SKBMTE đã mở ra một kênh đối thoại với người tiêu dùng và doanh nghiệp sữa để tiếp nhận các ý kiến phản hồi, khiếu nại về tình hình thị trường, sản phẩm cũng như các vướng mắc khi thi hành pháp luật liên quan.
Một trong những đơn vị đầu tiên phản hồi về kênh đối thoại này là Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng của Phòng Thương mại châu Âu tại VN (NFG-Eurocham) - đại diện cho các doanh nghiệp sữa nước ngoài có chỗ đứng vững chắc trên thị trường sữa nội địa. Cùng với việc hoan nghênh ý tưởng của Bộ Y tế, NFG-Eurocham cũng cam kết sẽ tiếp tục thực hiện trách nhiệm của mình với Bộ Y tế và các cơ quan hữu quan và góp phần duy trì, củng cố kênh thông tin đối thoại trên để phục vụ lợi ích người tiêu dùng. Cụ thể, NFG-Eurocham sẽ chủ động cung cấp tới Bộ các thông tin về tình hình thực thi pháp luật trên thị trường nói chung, Nghị định 100/2014/NĐ-CP nói riêng cũng như có các phản hồi chính sách nhằm giúp Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật. NFG-Eurocham cũng cam kết hỗ trợ giám sát việc thi hành pháp luật tại các doanh nghiệp trong và ngoài nhóm và kịp thời báo cáo sai phạm, vi phạm tới Bộ Y tế và các cơ quan liên quan. Riêng trong nội bộ 6 thành viên của nhóm, NFG-Eurocham đã thực hiện theo Bộ quy tắc ứng xử về tiếp thị các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ, một cơ chế tự quản mà theo đó, các thành viên sẽ giám sát, đôn đốc nhau tuân thủ pháp luật VN và đảm bảo lợi ích người tiêu dùng. Sau 3 năm triển khai thực hiện và cập nhật liên tục, việc áp dụng Bộ quy tắc ứng xử đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, giúp nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và đặc biệt là phổ biến pháp luật tới các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, chưa hiểu biết đầy đủ về pháp luật.
Bình luận (0)