Minh bạch trong từ thiện, sao đến giờ mới giải quyết?

11/10/2021 07:20 GMT+7

Thời gian qua, vấn đề minh bạch trong hoạt động từ thiện đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Báo Thanh Niên phỏng vấn đối với luật sư Trương Trọng Nghĩa xoay quanh câu chuyện xác minh, làm rõ câu chuyện này.

Thời gian qua, vấn đề minh bạch trong hoạt động từ thiện đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Mới nhất, Trao đổi với Thanh Niên, Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an cho biết đang thu thập chứng cứ liên quan đến hoạt động từ thiện, cứu trợ đồng bào lũ lụt miền Trung của ca sĩ Thủy Tiên trong năm 2020.

Luật sư, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa

GIA HÂN

PV Thanh Niên đã có nội dung phỏng vấn luật sư Trương Trọng Nghĩa (ĐBQH, Ủy viên Ban Thường vụ Liên Đoàn Luật sư VN, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) và thủ tục xác minh cũng như thụ lý đối với tin báo tố giác tội phạm.

PV Thanh Niên: Thưa luật sư, liên quan đến hoạt động từ thiện trong năm 2020 của một số nghệ sĩ, hiện Bộ Công an đang phối hợp với một số địa phương để xác minh làm rõ. Vậy tại sao, câu chuyện từ thiện này đã xảy ra từ năm 2020, đến nay các cơ quan chức năng mới đi xác minh?

Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Trước hết, tôi hiểu “xác minh” mà báo nêu ở đây có nghĩa là tiến hành xem xét theo Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), với mục đích để xem là có đủ dấu hiệu và điều kiện luật định để khởi tố vụ án hình sự hay không. Về pháp lý thì đó là quy trình xác minh dấu hiệu tội phạm theo quy định của BLTTHS.

Và Cơ quan điều tra hình sự (CQĐTHS) tiến hành xác minh dấu hiệu tội phạm trên cơ sở pháp lý sau đây: có tố giác từ cá nhân; khi CQĐTHS từ các nguồn tin riêng của mình (như qua trinh sát hình sự) mà thấy cần phải xem xét. Có nghĩa là Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm; khi có ý kiến của viện kiểm sát hoặc cơ quan chức năng khác (như thanh tra, kiểm toán, thuế …) yêu cầu CQĐTHS xem xét; tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng; người phạm tội tự thú.

Khi có một các yếu tố trên thì CQĐTHS mới tiến hành, tham gia xác minh sự việc nếu cho rằng có dấu hiệu tội phạm.

* Nguồn tin về tội phạm mà Công an tiếp nhận sẽ đến từ đâu, để làm căn cứ vào cuộc xác minh (theo căn cứ pháp lý – PV). Cơ quan chức năng có thể căn cứ vào các thông tin trên mạng xã hội, báo chí, bất cứ từ nguồn thông tin nào, hay buộc cá nhân, tổ chức phải gửi đơn tin báo tố giác?

- Như đã nêu trên, khi xác minh dấu hiệu tội phạm, CQĐTHS có thể xuất phát từ tố giác hay tin báo tội phạm hình sự, hoặc bất kỳ nguồn tin nào mà CQĐTHS thấy có thể có dấu hiệu tội phạm cần phải xác minh, kể cả các thông tin trên mạng xã hội hay báo chí, hay các nguồn khác. Tuy nhiên, do việc xác minh dấu hiệu tội phạm liên quan đến quyền con người, quyền công dân, CQĐTHS phải tuân thủ các quy định và quy trình được quy định tại BLTTHS và pháp luật có liên quan khác.

* Quá trình nộp, trình báo tin báo tố giác tội phạm, người dân cần chuẩn bị gì; Và đối với tin báo tố giác tội phạm, khi nào công an sẽ thụ lý giải quyết hoặc trả lại đơn?

- Quá trình nộp, tố giác, báo tin về tội phạm, người dân cần lưu ý:

Cần xác định rõ cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Theo Điều 145 BLTTHS 2015 và Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm bao gồm: (1) Cơ quan điều tra; (2) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; (3) Viện kiểm sát các cấp; (4) Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.

Theo Khoản 4, Điều 144 BLTTHS 2015, người dân có thể thực hiện việc tố giác tội phạm bằng lời nói hoặc bằng văn bản.

Như đã đề cập ở trên, về mặt nguyên tắc, theo Điều 143 BLTTHS, CQĐTHS chỉ xem xét những tố giác, tin báo có thể có dấu hiệu tội phạm. Kết quả của việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm là việc CQĐTHS sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết.

Theo Điều 14, Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC, người dân sẽ được thông báo về kết quả tiếp nhận 3 ngày kể từ ngày tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và được thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm sau thời hạn 3 ngày kể từ ngày kết thúc việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

Thời hạn cho việc xác minh là 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm hay kiến nghị khởi tố hoặc 2 tháng (có thể gia hạn thêm 2 tháng) đối với vụ việc phức tạp. Sau thời hạn trên, CQĐTHS phải ra một trong các quyết định sau: (1) Quyết định khởi tố vụ án hình sự; (2) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; (3) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Cần lưu ý, xác minh dấu hiệu tội phạm ở đây là xem xét xem có đủ dấu hiệu để khởi tố vụ án hình sự hay không, chứ chưa xác định ai đã vi phạm pháp luật hình sự. Nếu đủ dấu hiệu thì CQĐTHS sẽ khởi tố vụ án hình sự.

Khởi tố vụ án hình sự thì phải được viện kiểm sát phê chuẩn, và mục đích là để xác minh có tội phạm hình sự xảy ra hay không. Người bị khởi tố phải được “suy đoán vô tội”, nghĩa là được đối xử như chưa có tội cho đến khi có bản án kết tội có hiệu lực của tòa án. Ngay cả khi họ bị áp dụng những biện pháp hạn chế do luật định (như bị tạm giam chẳng hạn), thì họ vẫn được “suy đoán vô tội”. Sau khi có quyết định khởi tố hình sự, CQĐTHS tiến hành tìm kiếm, thu thập các tình tiết có thể là chứng cứ của hành vi tội phạm hình sự, và có thể kết luận là một hoặc những cá nhân nào đó đã vi phạm pháp luật hình sự, cần phải truy tố hình sự. Qua điều tra, CQĐTHS cũng có thể kết luận là không có hành vi phạm tội xảy ra, hay có, nhưng không đến mức phải truy tố hình sự, mà chỉ xử lý bằng các chế tài khác (hành chính, dân sự…).

Tiếp nhận đơn tố cáo Thủy Tiên, Bộ Công an phối hợp 7 tỉnh miền Trung khẩn trương làm rõ

* Đối với vụ việc tin báo, tố giác tội phạm, căn cứ vào yếu tố nào để người dân có thể gửi đơn đến đúng cơ quan chức năng thụ lý, nhằm tránh việc công an sau khi xem xét hoặc thụ lý đơn, lại chuyển đơn đến địa phương, tỉnh/thành khác.

- Người dân có thể căn cứ vào thẩm quyền giải quyết tin báo, tố giác và gửi tố giác, tin báo đến trực tiếp cơ quan có thẩm quyền giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm. Thẩm quyền giải quyết tin báo, tố giác tội phạm được quy định cụ thể tại khoản 3, Điều 145, BLTTHS, như sau: Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình; Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình; Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.

Sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận nếu xét thấy không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình sẽ chuyển tin báo, tố giác tội phạm đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo tội phạm.

* Tố giác tội phạm được quy định là quyền và nghĩa vụ của công dân. Nhưng thực tế cũng không tránh khỏi câu chuyện một số người lợi dụng việc này để gây nhiễu loạn, gây ảnh hưởng danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác. Vậy nếu người tố giác sai sự thật hoặc biết sai sự thật nhưng vẫn cố tình tố giác, thì bị xử lý như thế nào?

- Trường hợp tố giác sai sự thật hoặc biết sai sự thật nhưng vẫn cố tình tố giác thì người tố giác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 156, Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 quy định về Tội vu khống. Trường hợp người tố giác có hành vi bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Theo khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, người tố giác sai có thể bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Quá trình xem xét dấu hiệu tội phạm và toàn bộ quá trình điều tra tội phạm hình sự đều có sự kiểm sát việc chấp hành pháp luật của viện kiểm sát các cấp. Cả người tố giác đúng và các cá nhân bị tố giác oan sai đều có thể dựa vào những quy định của pháp luật dân sự, hành chính và hình sự hiện hành để tự bảo vệ và yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Người bị tố giác, khi được mời làm việc hay có những yêu cầu từ cơ quan điều tra các cấp, đều có quyền thuê luật sư hoặc nhờ hệ thống trợ giúp pháp lý của nhà nước để tư vấn và hỗ trợ về pháp lý cho mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.