'Minh tinh' nghĩa là thần Vệ Nữ hay liên quan đến… người đã chết?

30/06/2021 13:00 GMT+7

Trong sách cổ Trung Quốc , "minh tinh" (明星) dùng để chỉ thần Vệ Nữ, về sau được dùng để chỉ người nổi tiếng trong lĩnh vực nào đó. Tuy nhiên, còn có chữ "minh tinh" khác mà nghĩa của nó lại gắn với...đám tang.

Trong tiếng Việt, chúng ta hiểu rằng "minh tinh" có nghĩa là ngôi sao sáng, dùng để chỉ nữ diễn viên điện ảnh. Đây là từ có nguồn gốc từ Hán ngữ. Ở Trung Quốc, trong sách cổ, "minh tinh" (明星) dùng để chỉ thần Vệ Nữ, về sau nói về phụ nữ nổi tiếng trong lĩnh vực xã hội, và giờ thì dùng để chỉ người có ảnh hưởng trong lĩnh vực nào đó như diễn viên, nghệ sĩ giải trí, vận động viên nổi tiếng…
Ngoài nghĩa trên, còn có chữ "minh tinh" khác chẳng liên quan gì với điện ảnh hay nhân vật nổi tiếng. Ví dụ trong bài thơ điếu Phan Thanh Giản của Nguyễn Đình Chiểu: “Minh tinh chín chữ lòng son tạc, trời đất từ đây mặc gió thâu”. Chữ "minh tinh" này cũng có gốc từ Hán ngữ nhưng đã được Nôm hóa là 銘旌, có nghĩa là một dải lụa đỏ buộc lên cành tre, trên lụa ghi tên họ, thụy, hiệu và chức tước của người chết bằng phấn trắng. Người ta thường dựng minh tinh ở phía đông linh sàng, khi đưa ma thì cầm minh tinh đi trước quan tài, lúc hạ huyệt thì đậy dải lụa đỏ ấy trên quan tài.
Tương truyền trước khi qua đời Phan Thanh Giản kêu con cháu ghi lên mộ 9 chữ: “Hải Nhai Lão Thư Sinh Tính Phan Chi Cữu”, nghĩa là “Linh cữu của người học trò già nơi ven biển họ Phan”. Tuy nhiên có nhà nghiên cứu cho rằng minh tinh của Phan Thanh Giản ghi 11 chữ chứ không phải 9 chữ như Nguyễn Đình Chiểu đã viết.

Khu mộ cụ Phan Thanh Giản

Ảnh: Wikipedia

Điều này thật khó mà biết chính xác vì hiện nay mộ của cụ Phan Thanh Giản đã được sửa sang nhiều lần, không còn thấy chữ trên ngôi mộ đầu tiên của cụ Phan. Mặt khác, cả hai cách viết 9 chữ và 11 chữ đều hợp lý, vì một minh tinh chuẩn thì phải tuân quy tắc “Quỷ - Khốc - Linh - Thính”.
Trên minh tinh ghi bao nhiêu chữ tùy ý, song phải tuân nguyên tắc đếm theo thứ tự 1. Quỷ ; 2. Khốc, 3. Linh; 4. Thính. Đối với người nam, chữ cuối cùng phải rơi vào “Linh”, còn nữ thì rơi vào “Thính”, tương tự như cách tính bậc thang theo "Sinh - Lão - Bệnh - Tử" vậy, nghĩa là chữ cuối cùng không được trùng với 2 chữ "Quỷ" hoặc "Khốc". Để nhớ điều này, người viết minh tinh thường thuộc lòng câu ““nam Linh, nữ Thính, bất khả dụng Quỷ, Khốc nhị tự”.

Sau khi hạ huyệt người ta đặt minh tinh lên quan tài

Ảnh: T.L

Minh tinh với nghĩa là dải lụa treo trên cành tre không còn phổ biến ngày nay như từ minh tinh trong điện ảnh. Khái niệm “minh tinh” liên quan đến người chết không dành riêng cho người Tàu, bởi vì trong phong tục của người Việt xưa, đặc biệt là ở miền Nam, từ “minh tinh” khá phổ biến trong cách lập bài vị ông bà, tổ tiên hay người đã mất nói chung.
Từ "minh tinh" còn đi vào ca dao bằng chữ Nôm, qua bộ sưu tập ca dao của Lý Hạng trong sách Đại Nam quốc túy (大南國粹) do Trần Duy Vôn chép lại tại Hà Nội năm 1964: “Cóc chết lại có minh tinh/Thất nghiệp nằm đình có trống cầm canh”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.