Miss Grand Vietnam nhận lỗi vụ nhầm lẫn nhân vật lịch sử

31/07/2024 08:36 GMT+7

Màn trình diễn trang phục mang tên 'Trưng Vương' trong phần thi Trang phục văn hóa dân tộc tại Miss Grand Vietnam 2024 gây tranh luận vì nhầm nhân vật Bà Trưng và Bà Triệu. Ngay sau đó, ban tổ chức đã lên tiếng xin lỗi về vấn đề này.

Miss Grand Vietnam nhận lỗi vụ nhầm lẫn nhân vật lịch sử- Ảnh 1.

Phần trình diễn trang phục văn hóa dân tộc tại Miss Grand Vietnam 2024 nhầm Bà Trưng với Bà Triệu

BTC

Tối 30.7, vòng thi Trang phục văn hóa dân tộc (National Costume) thuộc khuôn khổ Miss Grand Vietnam 2024 diễn ra tại TP.Phan Thiết. Trong đêm thi, phần trình diễn của thí sinh Bùi Lý Thiên Hương với trang phục mang tên Trưng Vương (tác giả Nguyễn Huy Hoàng) đã xảy ra sự nhầm lẫn thông tin khiến khán giả tranh luận.

Cụ thể, khi thí sinh mặc trang phục nữ tướng, cưỡi voi ra sân khấu, MC giới thiệu đây là bộ trang phục lấy cảm hứng từ hình ảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận. Tuy nhiên, khi Bùi Lý Thiên Hương đang trình diễn, ban tổ chức phát đoạn âm thanh: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình trường ở biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người ta". Theo dõi cuộc thi qua sóng livestream, nhiều người nhận ra đây lại là câu nói nổi tiếng của Bà Triệu. Sự nhầm lẫn của ban tổ chức khiến dân mạng tranh luận, cho rằng đây là sai sót lớn vì liên quan đến nhân vật lịch sử.

Miss Grand Vietnam nhận lỗi vụ nhầm lẫn nhân vật lịch sử- Ảnh 2.

Thí sinh Bùi Lý Thiên Hương gây ấn tượng trong phần trình diễn bộ trang phục Trưng Vương

BTC

Ngay trong tối 30.7, ban tổ chức Miss Grand Vietnam 2024 lên tiếng xin lỗi vì sai sót của mình. Đơn vị này cho biết: "Chúng tôi chân thành xin lỗi quý vị khán giả vì sự nhầm lẫn thông tin trong phần thi trình diễn trang phục Trưng Vương, thuộc phần thi Trang phục văn hóa dân tộc. Ngay trong phần thi của thí sinh, ban tổ chức đã nhận thấy ngay sự nhầm lẫn về chi tiết lịch sử. Tuy nhiên, vì chương trình đang phát sóng nên chúng tôi không thể xử lý ngay lập tức. Chúng tôi thành thật xin lỗi và xem đây là bài học sâu sắc".

Miss Grand Vietnam nhầm lẫn Bà Trưng - Bà Triệu

Phía Miss Grand Vietnam 2024 giải thích thêm, trước đó trong đêm tổng duyệt, câu nói của nữ tướng Bà Triệu không được sử dụng trong phần trình diễn. Tuy nhiên, nhân viên kỹ thuật đã sử dụng nhầm file âm thanh mà ban tổ chức chưa phê duyệt nên mới dẫn đến sai sót. Dù vậy, ban tổ chức nhận lỗi về mình và gửi lời xin lỗi đến khán giả. Ban tổ chức cho biết ngay sau phần thi đã dừng sóng và cắt bỏ phần sai sót.

Trao đổi với Thanh Niên, nhà sử học Dương Trung Quốc - Cố vấn của vòng thi Trang phục văn hóa dân tộc đã có phản hồi về vấn đề này. Theo ông Dương Trung Quốc, ngay khi theo dõi phần trình diễn bộ trang phục Trưng Vương, ông đã nhận ra sự nhầm lẫn giữa nhân vật Bà Triệu và Bà Trưng.

Miss Grand Vietnam nhận lỗi vụ nhầm lẫn nhân vật lịch sử- Ảnh 3.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đảm nhận vai trò cố vấn cho vòng thi Trang phục văn hóa dân tộc

BTC

"Có thể trong quá trình thực hiện, các bạn có những nhầm lẫn dẫn đến sai sót, còn chúng tôi luôn cố gắng hết sức để hạn chế sai sót. Qua việc này, có thể thấy khán giả rất sáng suốt và am hiểu khi đưa ra góp ý chính xác. Những điều này sẽ giúp cho ban tổ chức ngày càng hoàn thiện hơn", nhà sử học Dương Trung Quốc cho hay.

Ở góc độ là cố vấn của vòng thi, nhà sử học sinh năm 1947 dành nhiều lời khen ngợi về những trang phục văn hóa dân tộc của cuộc thi năm nay. Ông Dương Trung Quốc chia sẻ vài năm qua, vòng thi Trang phục văn hóa dân tộc của Miss Grand Vietnam được khán giả chờ đón vì có nhiều thiết kế sáng tạo, cho thấy sự đa dạng về văn hóa Việt. Thông qua từng bộ trang phục, các nhà thiết kế trẻ còn dùng ngôn ngữ thời trang để tôn vinh, nhận diện những giá trị văn hóa của dân tộc.

"Chúng tôi luôn cố gắng để cho các bạn khai thác nhiều yếu tố văn hóa truyền thống, có câu chuyện rõ ràng, nhiều người biết. Tuy nhiên, tôi thấy có một số trang phục khá tiếc khi không được khai thác rõ hơn. Ví dụ như ở trang phục mang tên Hoa trên chiến trận, câu chuyện nói về nữ tướng Nguyễn Thị Bành giả trai ra chiến trận. Thí sinh biểu diễn rất hay, nhưng nhà thiết kế lại không nói đến nhân vật bà Nguyễn Thị Bành, vợ của tướng Nguyễn Chính (người phò tá Lê Lợi khởi nghĩa) là ai. Theo tôi đó là điểm hạn chế, trường hợp này mà được đưa đến cố vấn thì tôi đề nghị làm rõ để người xem hiểu. Việc ta truyền tải càng nhiều thông điệp tốt, trong đó có tri thức, giá trị, bài học lịch sử thì đó là thành công của vòng thi này", ông nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.