Vui vì hành trình gieo nước vẫn tiếp diễn...
Truyện kể bên biển
Bến Tre có nghề nuôi tôm, nhiều đìa nuôi tôm rải rác khắp nơi. Bởi vậy, trẻ con vùng quê này quanh năm sống gần sông nước, biển hồ. Nhưng khi những chàng trai cô gái tình nguyện viên của Đại học Văn hóa TP.HCM mở sách truyện Nước là một món quà ra, vừa kể, vừa chơi đố vui, thì mới vỡ ra nhiều điều mới lạ. Nhiều phụ huynh cũng tò mò đứng nghe và thích thú...
Đó là câu chuyện xa xôi tận bên Nhật Bản nhưng lại có nét giống với bối cảnh của vùng biển Bến Tre này: Một người ông đưa cô cháu gái cùng con chó cưng ra biển chơi. Nóng, cô bé vừa uống nước lại vừa được ăn đá bào Kakigori - món ăn truyền thống Nhật Bản. Bến Tre cũng có cái món y vậy, gọi là “đá bào si rô” bán trước cổng trường. Cái kết nối tự nhiên giữa món ăn Nhật Bản với món ăn vặt học trò làm cho câu chuyện sống động hơn hẳn.
Nước từ đâu mà ra? Nước biển làm sao mà uống? Cả trái đất có bao nhiêu nước ngọt so với nước mặn? Những câu hỏi nhỏ, đơn giản và có phần ngây thơ của cô cháu gái, cũng chính là thắc mắc của hầu hết các bạn nhỏ.
Nước ngọt từ rừng mà ra. Cả lớp ngồi cười, khi bạn xung phong đọc truyện tới đoạn cô cháu gái tưởng tượng ra cảnh mỗi cái cây đều gắn cái vòi, đến vặn là ra nước ngay. Hóa ra không phải vậy, cần rất lâu, bằng cả quãng thời gian để các bạn học sinh tiểu học lớn bằng các thầy cô, thì nước mới làm xong quá trình biến nước mưa từ trên trời rơi xuống để thành những giọt nước mát lành để mà... làm đá bào si rô.
Một cánh tay giơ lên, hỏi: “Vậy rừng ngập mặn có tạo ra nước ngọt không ạ?”. Câu này thì các anh chị tình nguyện viên phải xin khất lại, hẹn lần sau trả lời.
|
Đến sách giáo khoa về nước
Rồi mỗi bạn được phát một quyển Nhật ký nước, một tài liệu giảng dạy của chương trình “Mizuiku - Em yêu nước sạch”. Đó là quyển nhật ký của mỗi người, với câu chuyện đóng vai giọt nước Mizu đi giải cứu những giọt nước khác đang bị ốm đau bệnh tật vì ô nhiễm và không có quần áo sạch vì bị làm bẩn. Cuộc giải cứu này được chia ra thành nhiều chặng, với những thách thức khác nhau.
Ở lớp học, các em nhỏ được chia thành nhóm và cùng nhau thực hiện một vài cuộc “tiếp sức” để vượt qua các thách thức đầu tiên. Thử thách đầu tiên tưởng là rất đơn giản, nhưng lại mang tính thi đua giữa các đội nên tình hình khá căng thẳng. “Hãy kể tên các hoạt động mỗi ngày cần dùng tới nước”. Có vậy thôi, mà rộn ràng hẳn lên. Súc miệng, nấu cơm, rửa rau, rửa chân, gội đầu, tưới cây, rửa xe, giặt đồ, rửa chén, tắm, và cả... bơi.
Niềm vui nhân lên cùng với những câu chuyện, những bài học dễ đi vào lòng trẻ thơ theo tiếng cười nhất. Rồi mỗi bạn phải về nhà, tự mình vượt qua những thách thức còn lại: đi đếm tất cả các vòi nước trong nhà, kiểm tra xem có vòi nào bị rò rỉ không; đi tìm xem ở nhà có bao nhiêu dụng cụ chứa nước, có cái nào dành riêng để chứa nước mưa không? Làm sao để biết nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn?...
|
Đó không chỉ là tài liệu đầy ắp kiến thức, mà lồng trong đó, là rất nhiều kỹ năng, phương pháp sư phạm và trò chơi được thừa hưởng từ nghiên cứu triển khai nhiều năm qua của chương trình Mizuiku của Tập đoàn Suntory tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, chương trình cũng hướng dẫn cách triển khai các buổi ngoại khóa với các kỹ năng phát triển bản thân cho học sinh khác nhau như thi hùng biện “Tôi là nước!”, làm báo tường...
Lớp học khép lại trong tiếng cười và những ánh mắt trẻ thơ long lanh vui sướng, ôm ghì lấy những tập sách còn thơm mùi mực vừa được tặng. Những hạt mầm của nước sạch đã được gieo vào lòng đất, sẽ tạo ra những suối nguồn tươi mát...
Bộ ba tập sách: Nước là một món quà - bản quyền của Tập đoàn Suntory Nhật Bản, Nhật ký nước và Tài liệu hướng dẫn dạy và học về tiết kiệm và bảo vệ nước, do chương trình: “Mizuiku - Em yêu nước sạch” và Nhà xuất bản Kim Đồng thực hiện, dành tặng tất cả giáo viên và học sinh khắp cả nước.
|
Bình luận (0)