Mở hướng thoát nước ra biển
Ngày 13.12, tại phiên thảo luận chung kỳ họp thứ 15, HĐND TP.Đà Nẵng khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026), các đại biểu đã dành nhiều thời lượng để đề xuất các giải pháp chống ngập đô thị.
Đại biểu Lê Văn Dũng (Q.Hải Châu) cho biết, qua 2 đợt mưa lớn trong năm 2022 và 2023, trên toàn địa bàn TP có 50 điểm ngập, trong đó có nhiều điểm ngập nặng, như: đường Mẹ Suốt, đường Yên Thế, đường Bắc Sơn, đường Đa Cô, 96 Điện Biên Phủ, kênh Phần Lăng…
Theo ông Dũng, nguyên nhân là do nhiều hệ thống thoát nước TP đã quá tải. Việc đô thị hóa nhanh, bê tông hóa làm giảm khả năng thoát nước, diện tích ao hồ trữ nước bị suy giảm, một số tuyến thoát nước chính chưa được thi công hoàn thiện, nạo vét, khơi thông chưa đồng bộ…
Đại biểu Dũng dẫn thêm thông tin, tình trạng thời tiết cực đoan cũng gây ngập đô thị. Theo thống kê, từ năm 1979 - 2021, lượng mưa trung bình trong 1 giờ là 50 mm, trong vòng 3 giờ là 100 mm. Tuy nhiên, trong năm 2022, lượng mưa trung bình 1 giờ lớn nhất là 150 mm, trung bình 3 giờ là 407 mm, 6 giờ là 568 mm và 24 giờ là 698 mm.
Năm 2023, lượng mưa trung bình 1 giờ là 73 mm, 3 giờ là 145 mm, 6 giờ là 241 mm và 24 giờ là 456 mm. Với lượng mưa này, đã gây quá sức chịu tải hệ thống thoát nước. Qua bình đồ, hệ thống thoát nước chính hiện nay của TP chưa khai thác hết lợi thế địa hình tự nhiên. Đặc điểm gần sông, gần vịnh nhưng tuyến thoát lại lòng vòng dẫn đến việc hướng đến 1 cửa xả nên xung đột, ngăn cản dòng lẫn nhau.
Qua bình đồ có thể thấy hiện có 8 hướng thoát nước chính chảy về sông Phú Lộc dẫn đến xung đột dòng lẫn nhau. Những dòng chảy có cao độ thấp, như: Khe Can, Phần Lăng… ra sông Phú Lộc bị các dòng lớn, như: Kinh Dương Vương, hồ Bàu Sấu… cản dòng, làm cho hiệu quả thoát nước kém.
"Để giải quyết tình trạng trên, tôi kiến nghị thời gian đến cần ưu tiên nguồn vốn xử lý tuyến thoát nước phía đông. Theo đó, bố trí thêm 2 cửa xả để chia dòng... Đó là tuyến thoát nước dọc theo đường Phùng Hưng thoát ra vịnh Đà Nẵng để phân lưu. Tại kiệt 96 Hà Huy Tập bị ngập nặng cũng cần mở hướng đấu nối thoát nước ra vịnh Đà Nẵng. Nếu mở 2 tuyến này sẽ phân lưu được dòng chảy và tận dụng được lợi thế địa hình, không phải dẫn nước đi lòng vòng", đại biểu Dũng nói.
Ông Dũng cũng thông tin thêm, khu vực sân bay có diện tích khoảng 850 ha, hiện có 5 khu vực thoát nước ra bên ngoài. Hồ chứa sân bay khoảng 20 ha nhưng với khảo sát lượng mưa trung bình 1 giờ (năm 2023) khoảng 1 triệu khối nước đã gây quá tải các hồ chứa.
"Đề nghị TP khẩn trương làm việc với sân bay làm các cửa phay, điều tiết nước trong sân bay không cho thoát ra ngoài, đồng thời nghiên cứu bổ sung hướng thoát nước từ cuối lưu vực đường Nguyễn Hữu Thọ để thoát ra sông Cẩm Lệ nhằm tăng cường khả năng thoát nước. TP cần làm việc với sân bay để nạo vét hồ chứa", ông Dũng nói.
Nửa năm không thống nhất được bùn nạo vét đổ ở đâu
Giải trình các ý kiến, ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, cho biết vấn đề thoát nước TP có nhiều nguyên nhân, như: quản lý đô thị, một số khu vực ngập chưa tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật thoát nước, người dân xây dựng trái phép nhà trên đất nông nghiệp…
Ông Phong cho hay, năm 2024, TP sẽ chủ động nạo vét, dự báo tình hình thời tiết cực đoan…; tập trung triển khai, mua sắm thiết bị và nâng cao khả năng chống ngập. Hiện Ban quản lý dự án hạ tầng ưu tiên đang chủ trì; báo cáo trong quý 1/2024.
"Một trong những rốn lũ bị ngập nặng thường hay được truyền thông nhắc đến là khu vực đường Mẹ Suốt và vùng lân cận, TP đã giao cho Ban quản lý hạ tầng khu công nghiệp và khu công nghệ cao nghiên cứu tuyến thoát nước theo đường Phùng Hưng (đoạn từ kênh Hòa Minh ra vịnh Đà Nẵng) nhằm giảm tải cho sông Phú Lộc. Nội dung này sẽ hoàn thành thẩm định hồ sơ trong quý 1/2024. Khu vực này cũng được TP chỉ đạo nghiên cứu, rà soát các vị trí bị cản trở dòng chảy, đánh giá các bất cập về khẩu độ, trình tuyến…", ông Phong nói.
Giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cho biết thêm, khu vực nữa cần xử lý là đường số 4 KCN Hòa Khánh, hiện Ban quản lý dự án hạ tầng KCN đang tính toán việc thoát nước, trong tháng 1.2024 sẽ báo cáo TP. Tại khu vực đường Quang Trung, Ban quản lý dự án hạ tầng ưu tiên cũng được giao để đánh giá việc chống ngập úng.
Ngoài ra, TP đã giao tất cả Ban quản lý dự án để đánh giá các công trình thoát nước. Đối với các hồ điều tiết trên toàn TP, cơ quan phát triển hạ tầng đô thị khảo sát đánh giá các hồ điều tiết để tư vấn nạo vét, cải tạo kịp thời trước mùa mưa.
Về lâu dài, TP đang triển khai quy hoạch chuyên ngành cao độ nền và thoát nước. Ông Phong cho rằng, tất cả những thông tin đầu vào sẽ là cơ sở tính toán việc thoát nước trong tương lai; dự kiến trình UBND TP trong tháng 6.2024 và sẽ được phê duyệt.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng, nhìn nhận có nhiều nguyên nhân gây ngập nhưng khi có ngập úng thì người dân bức xúc.
"Đó là bức xúc chính đáng dù gay gắt. Đây là vấn đề thực tiễn mà TP đang đối diện. Rõ ràng TP cần tập trung các giải pháp khắc phục. Trong đó, ngành xây dựng và các ngành khác tham gia vào các khâu, từ đầu tư, kinh phí đến quy hoạch, kỹ thuật, tuyên truyền sự tham gia vào của người dân trong chống ngập… Phải đồng bộ chứ không thì hết chỗ này lại phát sinh chỗ khác", ông Triết nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng, những chỗ ngập nặng, UBND TP cần ưu tiên nguồn lực để giải quyết sớm từng khu vực, không đầu tư dàn trải; cần phải quyết liệt, tập trung thực hiện để đáp ứng yêu cầu tình hình chống ngập.
"Ngay câu chuyện hồ điều tiết sân bay, trên địa bàn TP cũng gặp khó khăn. Nội khâu nạo vét để bùn ở đâu cũng đã mất nửa năm cũng chưa thống nhất được với nhau. Đây là câu chuyện của mình chứ không đổ cho cơ chế chính sách hay đổ do quy định pháp luật. Đây là hiệu quả của phối hợp và giải quyết câu chuyện từ nguyên nhân của mình cho nên, đề nghị UBND TP nhận diện và đi kèm giải pháp để giải quyết dứt điểm", Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng nói.
Thời sự toàn cảnh trưa 13.12
Bình luận (0)