“Giấc mơ” gần 10 năm thành hiện thực
Những ngày sát lễ Giáng sinh, tại TP.HCM trong khi mọi người thư thái tận hưởng không khí se lạnh như trời thu Hà Nội, trên công trường xây dựng cầu Phước Lộc bắc qua rạch Long Kiểng nối hai xã Phước Kiển với Phước Lộc (H.Nhà Bè), gần 40 công nhân vẫn hối hả, miệt mài hoàn thiện nốt những hạng mục cuối cùng để kịp khánh thành dự án trước Tết Nguyên đán theo đúng kế hoạch. Mặt đường trải thảm nhựa đã được lu phẳng, cột đèn đường đã vào vị trí, lối đi bộ cũng đang hoàn tất lát đá..., cây cầu mới rộng rãi, khang trang đã nên hình, nên dáng.
Anh Phạm Sơn (ngụ xã Phước Lộc) cho biết anh từ quận 7 chuyển xuống khu vực này sinh sống mới được 2 năm nhưng cũng đã “thấm đủ” nỗi khổ “ngăn sông cấm chợ” của người dân nơi đây. Để sang Phước Kiển hay di chuyển tới trung tâm TP, người dân phải đi qua cây cầu thép cũ kỹ, 2 xe máy tránh nhau còn khó khăn. Khi có nhiều phương tiện cùng lưu thông, cây cầu đầu rung lắc, cộng thêm tình trạng sạt lở dưới chân cầu ngày càng nghiêm trọng, khiến người dân mỗi lần đi ngang qua đều ngay ngáy lo sợ.
“Cô chú tôi ở đây đã chịu cảnh này gần 20 năm rồi. Cách đây gần chục năm, TP có khởi công xây dựng cầu mới, mọi người mừng lắm. Thế nhưng mới làm được mấy cái trụ thì dừng, để chơ vơ ở đó mấy năm trời, người đi qua đi lại nhìn càng thêm sốt ruột. Hôm rồi hợp long cầu, thấy bảo sẽ khánh thành vào cuối năm nay, ai cũng vui mừng hớn hở. Bà con mòn mỏi chờ gần thập kỷ, cuối cùng giấc mơ cũng thành hiện thực rồi. Tết này tha hồ qua bên kia chúc tết”, anh Sơn hào hứng chia sẻ.
Dự án xây dựng cầu Phước Lộc mới có quy mô 386 m, mặt cắt ngang 10,5 m, gồm 2 làn xe hỗn hợp cùng lề bộ hành và hệ thống lan can bảo vệ, có vốn đầu tư hơn 400 tỉ đồng. Tháng 6.2012, chủ đầu tư đã khởi công gói thầu xây lắp số 1 (cầu chính kết cấu nhịp đúc hẫng cân bằng) nhưng do vướng mặt bằng nên phải tạm dừng thi công gói thầu này từ tháng 7.2013. Sau 4 năm “bất động”, đến tháng 7.2017, UBND H.Nhà Bè đã phê duyệt phương án bồi thường và tiến hành công tác hỗ trợ tái định cư. Đến tháng 6 vừa qua, công tác giải phóng mặt bằng chính thức hoàn thành. Sau 7 năm chờ đợi, chủ đầu tư (hiện là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM - Ban QLDA) mới được bàn giao toàn bộ mặt bằng phục vụ thi công công trình. Đơn vị này cho biết ngày 7.1.2021 tới đây, cầu Phước Lộc sẽ chính thức thông xe, phục vụ người dân trước Tết Nguyên đán.
Trước đó, dự kiến vào lúc 7 giờ 30 sáng 31.12, cầu thép An Phú Đông cũng sẽ chính thức thông xe, xóa cảnh qua sông lụy đò suốt bao năm qua của người dân 2 quận Gò Vấp và Q.12. Đây là cây cầu kết cấu bằng thép, dài 238 m, rộng 12,5 m, có tổng mức đầu tư gần 80 tỉ đồng, khởi công vào ngày 20.2 với mục tiêu thay thế phà An Phú Đông hiện hữu, tạo điều kiện cho người dân hai bên đi lại thuận lợi, đồng thời rút ngắn khoảng cách từ Q.12 vào trung tâm TP.
Tiền đề cho 2021 “bứt tốc”
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban QLDA, cho biết trong năm 2020, bên cạnh việc triển khai thi công 70 gói thầu thuộc 35 dự án chuyển tiếp từ những năm trước, đơn vị này đã hoàn thành nhiều dự án lớn bao gồm: Hoàn thành nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 2 vào cuối tháng 6, giúp thông luồng tuyến tới độ sâu 9 m, tạo điều kiện cho các loại tàu hơn 50.000 tấn thông qua, tiền đề phát triển giao thông thủy của TP.HCM; Thông xe hầm còn lại của dự án nút giao An Sương sẽ hoàn thiện, tạo thành nút giao 3 tầng, giảm áp lực giao thông khu vực cửa ngõ Tây Bắc.
Ngoài ra, các dự án như nâng cấp cải tạo đường Huỳnh Tấn Phát (đoạn từ cầu Phú Xuân đến phà Bình Khánh); dự án xây dựng cầu Mỹ Thủy 3 (nút giao Mỹ Thủy); nhánh 1 cầu Kênh A (H.Bình Chánh); gói thầu xây dựng tuyến đường phía trước Bến xe Miền Đông mới cũng sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trước tết. Đây đều là những dự án giao thông trọng điểm, sau khi hoàn thành sẽ giúp giải tỏa đáng kể ùn tắc cục bộ tại một số khu vực cửa ngõ TP.
Năm 2020 được ông Lương Minh Phúc đánh giá là bàn đạp để các dự án giao thông chính thức vào guồng trong giai đoạn sau. Theo lộ trình mà Ban QLDA đã xây dựng, giai đoạn 2021 - 2025 được coi là thời kỳ của hạ tầng giao thông khi một loạt dự án lớn có hẹn khởi công và về đích. Theo ông Phúc, những dự án nằm trong nhóm ưu tiên bao gồm khép kín 14 km đường Vành đai 2. Dự án sẽ được trình HĐND TP thông qua chủ trương vào kỳ họp giữa năm 2021; lập dự án, đấu thầu, triển khai giải phóng mặt bằng... trong năm 2021 và quyết tâm về đích năm 2024. Cùng với đó, cụm 10 dự án thành phần giảm ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, chùm dự án giảm tải khu vực Cát Lái và các dự án mở rộng cửa ngõ như QL50, QL22 cũng sẽ bắt đầu khởi công từ khoảng quý 2 - 3/2021. Song song, các công trình mở rộng, xây mới cầu, đường giải quyết giao thông trục bắc - nam như cầu Nguyễn Khoái, cầu Bình Tiên, cầu Phú Định cũng sẽ khởi công ngay trong năm sau.
Đây đều là những dự án rất cấp bách, có ý nghĩa quan trọng và không thể chậm trễ thêm được nữa. Ban cùng các sở, ngành quyết tâm dồn lực, hoàn thành dứt điểm các nhiệm vụ trọng tâm này trong nhiệm kỳ 2021 - 2025. Chắc chắn 5 năm tới, tình hình giao thông TP.HCM sẽ thay đổi, cải thiện rất nhiều.
Ông Lương Minh Phúc,
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM |
Bình luận (0)