Tờ tuần báo này ra số đầu tiên ngày 1.12.1934, số cuối cùng là số mùa xuân 1937, tổng cộng được 96 số. Ban đầu báo ra thứ bảy hằng tuần, sau ra vào ngày thứ hai. Lúc mới xuất bản, báo có 16 trang, sau tăng lên
20 trang, rồi 28 trang, trước khi đình bản còn 8 trang. Báo quán cũng thay đổi vài lần, ở số 1 đường Leman, Sài Gòn, sau chuyển về 73 Mac Mahon, rồi 49 Galliént... Giám đốc của báo là Băng Dương, Tổng biên tập là Thụy An Lưu Thị Yến, quản lý là Bùi Thị Hiến. Băng Dương chính là chồng của Thụy An.
|
Thông tin tiến bộ về giới quần thoa
Trong Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan cho hay Thụy An là nhà thơ với những thi phẩm đăng trên Phụ nữ Tân văn và Đàn bà mới. Nhưng Thụy An được nhìn nhận ở tiểu thuyết Một linh hồn và họ Vũ khen đây là “một tiểu thuyết xuất sắc nhất của phụ nữ Việt Nam từ trước đến nay”. Sau này khi Đàn bà mới đình bản ở Sài Gòn, Thụy An đã ra Hà Nội, mở tiếp báo Đàn bà (1939 - 1945).
Về việc ra báo, ngay trang nhất Đàn bà mới số 1 có hí họa giới nữ gánh, bê gạch vữa và xây tường với lời chú: “Chị em chúng tôi xây nền đắp móng”. Phía dưới là bài Kính cáo các bạn, báo mong muốn làm cơ quan ngôn luận chung của chị em: “tán thành, khuyến khích công cuộc tiến thủ của chị em trên đường “hay” “phải” và vận động cho địa vị quyền lợi của chị em được sứng [xứng] đáng, thích hiệp với đời mới. [...] Đàn bà mới là cái trường để chị em cùng nhau học hỏi và bàn luận ý kiến”.
Ở số 1, cách thực hiện tin bài của Đàn bà mới rất riêng. Trang trước có một vài dòng dẫn vấn đề để giới thiệu nội dung cho trang sau và liên tiếp như thế cho đến hết. Tuy nhiên đến số 2, lối giới thiệu này không còn nữa. Điểm độc đáo nữa của Đàn bà mới là đa phần các mẩu tin quảng cáo được đặt ở chân trang.
Đúng tinh thần hiện đại hóa tư tưởng, hành động của chị em, Đàn bà mới đưa những tin mới, tiến bộ về giới quần thoa. Đó là hình ảnh về Hoàng Thị Thế - con gái Đề Thám làm diễn viên, đóng vai Li-ti trong phim La Lettre (Một bức thư) của Hãng Paramount trên Đàn bà mới số 1; là tin tức về cô Henriette Bùi - con của ông nghị Bùi Quang Chiêu, là “người đầu tiên đậu y khoa bác sĩ” ở số 25, ngày 17.6.1935…
Tiếng nói mạnh mẽ của giới nữ
Đối với chuyện quốc gia đại sự, Đàn bà mới thể hiện nữ quyền mạnh mẽ khi khen chê hoạt động của Hội đồng kinh tế lý tài (số 3, ngày 15.12.1934), đòi quyền bầu cử cho giới nữ (số 10, 23.2.1935; số 11, 2.3.1935), bình phẩm quan Thống đốc Pagès (số 52, 24.2.1936)… Báo cũng mở rộng ra giới nữ thế giới khi bàn đến vấn đề lao động phụ nữ ở các nước (số 3), nhân cách phụ nữ Nga (số 42, 21.10.1935)... Mục “Thời sự” không chỉ có thông tin về đất Sài Gòn, mà còn bàn cả thời sự thế giới với những vấn đề lớn như binh bị nước Đức (số 3), nguy cơ chiến tranh Âu châu (số 17, 13.4.1935), chế độ độc tài Đức quốc (số mùa xuân 1937)…
Dù là báo ở Sài Gòn, Đàn bà mới vẫn dành sự quan tâm cho việc “ở ngoải” qua mục “Chuyện Hà thành” bàn về áo tân thời Lemur, hát cải lương...; rồi mục “Trương [trang] Trung Kỳ” thảo luận chế độ rượu, lao động phụ nữ, thơ văn vua Duy Tân, Thành Thái… Thậm chí, mở rộng ra cả Đông Dương với mục “Trương Cao Miên”.
Nhằm đòi sự bình đẳng trước luật pháp cho chị em, mục “Pháp luật” được mở để “đem những điều thiệt thòi của người đàn bà trước pháp luật ra bàn giải”. Bên cạnh đó là diễn đàn tranh luận nhiều vấn đề liên quan đến phụ nữ như đàn bà góa có nên cải giá (số 17), phụ nữ có nên tự giải phóng (số 19, 27.4.1935), chọn chế độ dân chủ, độc tài hay lập hiến (số 32, 12.8.1935)...
Trên Đàn bà mới mục văn thơ, kịch nghệ được duy trì suốt 96 số. Thụy An phô bày khiếu thơ với nhiều bài đăng trong mục “Điệu đờn tâm”, còn Băng Dương chuyên về thơ dịch (Victor Hugo, Lamartine...) và tiểu thuyết. Tuy nhiên, mảng văn thơ của báo không đặc sắc. Báo cũng dành riêng một trang cho mục “Trương [trang] Nhi đồng” để đăng thơ, truyện cho trẻ em xem và có mục dành cho chớp bóng (điện ảnh) giới thiệu tinh hoa điện ảnh thế giới.
Nếu Phong hóa có mục “Những hạt đậu dọn” để phê văn đồng nghiệp thì Đàn bà mới cũng chẳng vừa với mục “Từ trong ra ngoài” dành nhiều bài ngắn phê bình hoặc tranh luận bằng lời lẽ châm biếm với đồng nghiệp Việt dân, Tân văn, Bắc Hà...; phê bình Đặng Thúc Liêng, Đào Trinh Nhất, Phan Khôi… Các tay viết trên báo góp mặt nhiều cái tên nữ tính: Thụy An, Bích Mai, Thu Linh và sự cộng tác của những người làm báo quen tên như Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Ngô Tất Tố, Tế Xuyên…
Lần mở các trang báo Đàn bà mới, có những thông tin đáng làm tư liệu quý: hoạt động của nhà cách mạng Trần Văn Giàu (số 24, 3.6.1935), thơ của Huỳnh Văn Nghệ (số 29, 22.7.1935), tác phẩm Phật giáo của Trần Trọng Kim (1882 - 1953) trước khi in thành sách đã đăng dài kỳ trên Đàn bà mới từ số 17, ngày 13.4.1935 đến số 27, ngày 1.7.1935...
Bình luận (0)