Mở chồng báo cũ: 'Nhi đồng họa bản', tờ báo giáo dục trẻ em

16/06/2021 06:17 GMT+7

Dạo 1945 trở về trước, báo dành cho thiếu niên, nhi đồng có thể kể đến tờ Cậu ấm của Thái Phỉ Nguyễn Đức Phong là tờ tiên phong. Tiếp sau đó, nhiều tờ ra đời: Truyền bá, Quốc gia... và Nhi đồng họa bản .

Hình dung tờ báo giáo dục nhi đồng

Thông tin tổng quan về Nhi đồng họa bản được Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam (Nguyễn Thành) để lại vài dòng cho biết đây là tạp chí xuất bản không định kỳ. Số 1 ra ngày 4.12.1941, số cuối cùng thuộc năm 1945. Báo do bà Phạm Ngọc Khuê sáng lập và làm chủ nhiệm. Thư ký là “nhà văn đường rừng” Lan Khai, sau là Nguyễn Văn Hữu, Lê Doãn Vượng. Còn chân dung thực tế Nhi đồng họa bản ra sao?
Nhi đồng họa bản số 5 giới thiệu ra mỗi tháng 2 kỳ. Nhưng về sau báo trở thành tuần báo. Nhi đồng họa bản số 31, ra ngày 24.7.1943 ở bìa lót giới thiệu đây là “tuần báo giáo dục ra ngày thứ bảy”. Tòa soạn ở số 4 bis đường Borgnis Desbordes (nay là phố Tràng Thi), Hà Nội. Báo tự giới thiệu là “tuần báo giáo dục giá trị nhất hiện thời”. Là tờ báo, nhưng Nhi đồng họa bản được thiết kế dạng sách nhỏ với 28 trang, sau tăng lên 32 trang. Kiểu thiết kế này cũng bắt gặp ở báo Truyền bá của Tân Dân thư quán hoặc Sách hồng của Tự Lực văn đoàn…
Số lượng in mỗi số Nhi đồng họa bản không cố định. Số 7 năm 1942 in 3.000 bản; số 27, ngày 20.5.1943 in 1.300 bản; số 35, ngày 21.8.1943 in 2.000 bản… Nhìn chung số lượng in không nhiều nếu so với Sách hồng (in 2.000 - 10.000 bản) cũng ở khổ tương tự. Ban đầu Nhi đồng họa bản được xuất bản bởi Kiến Thiết. Từ số 31, ngày 24.7.1943, báo chuyển giao sang Nhà xuất bản Lượm Lúa Vàng ấn hành. Báo in tại Nhà in Xuân Thu, sau in tại Nhà in Nam My, Hà Nội.
Đội ngũ viết Nhi đồng họa bản cũng đáng kể về mặt tên tuổi khi Khái Hưng, Nam Cao, Vũ Trọng Can, Vũ Ngọc Phan, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát… góp mặt. Trên Nhi đồng họa bản, Vũ Trọng Can chuyên kể truyện cổ tích, Nguyễn Thệ Thủy lại làm thơ lịch sử như Bạch Đằng Giang (số 25, 30.4.1943), Trưng Nữ Vương (số 27)…
Ngoài những số báo thường, Nhi đồng họa bản còn có các chuyên đề gọi là số đặc biệt theo chủ đề: Nguyên đán, Trung thu, Nghỉ hè, Khai trường ra hằng tháng, đăng nhiều mảng danh nhân, khoa học, phiêu lưu, trinh thám… Những số này khổ to gấp đôi khổ số thường.

Giáo dục trẻ kiến thức và lòng yêu nước

Phần bìa báo được minh họa hình vẽ theo truyện chủ đề ở số đó. Chẳng hạn số 5 là truyện cổ tích Á Đông Ngày xưa, Vũ Trọng Can kể; số 31, ngày 24.7.1943 là truyện cổ tích Sóng bể Thần Phù, Huyền Kiêu kể… Đối tượng phục vụ của báo là trẻ nhỏ với ý nghĩa giáo dục nên phần nội dung được thể hiện tương ứng với lứa tuổi bằng những truyện cổ tích, phiêu lưu…
Mỗi số báo lấy một truyện chủ đề làm nội dung chính, Nhi đồng họa bản còn đa dạng nội dung để tạo hứng thú cho trẻ vừa đọc vừa chơi. Lấy số 11, tháng 10.1942 làm ví dụ. Số này có Tể tướng quạ khoang của Huyền Kiêu là chủ đạo, bên cạnh đó là truyện cổ tích Miếng xương biết nói (Thanh Vân dịch). Mục giải trí có tranh biếm họa, đố ô chữ, tìm đường đi… Số 28, ngày 30.5.1943 có Giá trị đồng tiền của Thụy Đình là nội dung chính. Ngoài ra có thơ Quà xưa của Cô Ly Hương, Con đường sáng của Nguyễn Thệ Thủy.
Nhiều số báo có phần chơi ô chữ với giải thưởng kích thích trẻ đọc báo, giải trí với 50 giải mỗi số báo, và phần thưởng là một tháng báo tặng. Dù phần chữ là chính, các số báo đều có tranh minh họa cho phần nội dung để tăng tính trực quan sinh động, giúp trẻ đọc và hiểu sâu hơn với sự tham gia của các họa sĩ Tố Minh, Trong Thuong, VSON…
Với tiêu chí là tờ báo giáo dục trẻ em, nội dung của Nhi đồng họa bản phản ánh điều đó ở các bài viết. Đọc bài thơ Gò Đống Đa của Nguyễn Thệ Thủy trên Nhi đồng họa bản số 26, ngày 10.5.1943, hẳn các em sẽ trỗi dậy lòng tự hào với tứ thơ: “Ngày Nguyên đán quân ta reo ầm ỹ [ĩ]/Đạp thành trì phá lũy thẳng đường xông/Làm tướng Thanh đều sợ hãi vô cùng/Không khiến nổi đám hùng binh tướng nữa/Ngày Nguyên đán quân ta reo ầm ỹ/Tiếng loa vang. Thây tử sĩ chất đầy”, nhưng cũng ý thức cả hiện tình đất nước “Ngày nay!Đâu Quang Trung? Đâu kiếm báu/Chiêu anh hùng tìm lại dấu ngày xưa/Gò Đống Đa tự cổ hãy còn trơ/Phút chiến thắng có bao giờ quên được”.
Dẫu chưa xuất ngoại lần nào, nhưng Nam Cao vẫn viết Thám hiểm Phi châu (số 12, 13) ngon ơ. Đọc phần viết của cha đẻ Đôi lứa xứng đôi về châu Phi, độc giả nhí sẽ được “phiêu lưu” hồi hộp tới châu Phi xa xôi với những sông Nile, hồ Victoria, tục trích máu ăn thề, người “mọi” ăn thịt người… Kiến thức về địa lý, phong tục của các em cũng qua đó được hình thành. Gấp trang Nhi đồng họa bản số đặc biệt (số 35, 21.8.1943) Hoàng đế Nã Phá Luân của Hoàng Kỳ, độc giả nhí sẽ khâm phục “gương nghị lực của một cậu bé nhà nghèo” có xuất thân thấp kém nhưng không ngừng cố gắng vươn lên làm chiến tướng, hoàng đế nước Pháp…
Có những số Nhi đồng họa bản lại thêm phần kiến thức thường thức, giúp trẻ nhỏ giải trí và thêm hiểu biết như nước chế tạo ra la bàn đầu tiên “Năm 2634 trước Thiên Chúa giáng sinh, nước Tàu đã nghĩ ra cách làm địa bàn trước tiên”; giống vật to nhất hoàn cầu “Đó là con cá voi. Con cá voi to nhất hoàn cầu. Bề dài của nó có thể đo được 25 m, cân nặng được 150.000 kg (15 tấn) hay bằng 30 con voi (Nhi đồng họa bản số 15, tháng 11.1942).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.