Mở chồng báo cũ: Tờ báo liên tỉnh đưa tin cả nước

19/06/2021 06:20 GMT+7

Báo Thanh Nghệ Tịnh Tân Văn (sau có tên Thanh Nghệ Tĩnh) tuy là tờ báo liên tỉnh, nhưng hoạt động chuyên nghiệp trong giai đoạn 1930 - 1936 khi đưa nhiều tin tức nóng hổi về tình hình Việt Nam và quốc tế .

Tờ báo được bình chọn để đặt tên

Số đầu tiên ra mắt ngày 1.7.1930. Khi mới ra đời, báo mang tên Thanh Nghệ Tịnh Tân Văn do Nguyễn Văn Luận làm Giám đốc. Chữ “tịnh” theo phương ngữ vùng Nghệ Tĩnh.
Đến số 210, 27.7.1934, báo đình bản. Ngày 3.8.1934, báo trở lại với tên gọi Thanh Nghệ Tĩnh do Lê Hữu Nhơn làm giám đốc, đánh số 1, là tờ báo “thông tin chánh trị và văn học, truyền bá phổ thông thường thức và bàn xét các vấn đề về nông, công, thương y giới”. Số cuối cùng là số 84, 20.3.1936. Tòa soạn ở số 10 Destenay, trước khi đình bản ở số 124 Maréchal Foch, Vinh, Nghệ An.
Tên Thanh Nghệ Tịnh Tân Văn được lựa chọn sau khi đã cân nhắc một số tên như Hoan Ái Tân Văn, Mã Lam Thời Báo, Hồng Hạc Tân Thanh. “Trước khi đặt cho báo cái tên ấy, quan chức ba tỉnh đều đã cùng một ý kiến với nhau”, bản tin “Tại sao lại đặt cho báo cái tên “Thanh Nghệ Tịnh Tân Văn”?” (Thanh Nghệ Tịnh Tân Văn số 2, 1.8.1930) cho hay. Bên cạnh phần quốc ngữ, báo có phụ trương Hán văn mỗi tháng hai kỳ.
Báo có tính chất nửa công, nửa tư như chính lời báo cho hay “huống chi báo ấy lại nửa công nửa tư, và cốt viết cho dân ở các xã thôn nhiều, nên lại cần phải dản [giản] dị lắm”. Theo Thanh Nghệ Tịnh Tân Văn số 210, báo là của Hội Pháp Việt Văn học phía bắc Trung kỳ. Thanh Nghệ Tịnh Tân Văn số 113, 16.9.1932, trong bài Lời cung chúc của Báo Thanh Nghệ Tịnh Tân Văn với cuộc trở về của vua Bảo Đại sau khi du học nước ngoài, đã tự nhận sứ mệnh của báo là “Báo Thanh Nghệ Tịnh Tân Văn chúng tôi, cơ quan ngôn luận của nhân dân miền Bắc xứ Trung kỳ”.
Trong các sách viết về báo chí Việt Nam, hồi ký của các nhà văn, nhà báo đương thời như Vũ Bằng, Vũ Ngọc Phan, Hồ Hữu Tường… thì tờ báo ở xứ bắc Trung kỳ không được nhắc tới hoặc thông tin bị sai lệch. Trong khi đó, so với báo cùng thời, Thanh Nghệ Tịnh Tân Văn có ưu điểm đáng quý thể hiện cho tính cẩn thận, chuẩn mực của người làm báo. Đó là báo rất ít lỗi chính tả, một tình trạng thường gặp ở nhiều báo khác dạo ấy. Thêm nữa, báo vượt khỏi tính chất địa phương trong hoạt động.

Số cuối cùng của báo Thanh Nghệ Tĩnh - số 84, 20.3.1936

Đưa tin thời sự cả nước và quốc tế

Là báo liên tỉnh, Thanh Nghệ Tịnh Tân Văn có nhiều tin, bài liên quan đến Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Phong tục, tập quán về cưới xin, tang ma của dân tộc thiểu số nơi đây được đề cập nhiều, giúp độc giả mở mang hiểu biết về đồng bào vùng cao, hay tin về Xô viết Nghệ Tĩnh (báo gọi là phiến loạn) được cập nhật thường xuyên (số 7, 8, 9…).
Thanh Nghệ Tịnh Tân Văn đưa tin rất thời sự, chi tiết về tình hình Việt Nam và quốc tế dù là báo địa phương, lại là tuần báo. Tin thế giới được thâu tóm trong mục “Tin tức hoàn cầu”. Ở mục này, những tin như động đất ở Ankara nước Thổ, nạn động đất Đài Loan (số 22, 19.12.1930) được thể hiện với thông số ngắn gọn cụ thể. Không chỉ riêng Thanh Nghệ Tịnh Tân Văn, các báo thời đó phải dịch tin từ báo Pháp gửi qua, hoặc nghe đài để dịch những tin quốc tế. Điều này được Nguyễn Văn Đính đề cập trong sách Nghề làm báo (1934).
Đối với tin tổng hợp trong nước, mục “Tin Nam Bắc trong tuần lễ vừa qua” đảm nhận đưa tin từ cấp huyện trở lên, từ tin hỏa tai, vay nặng lãi, đánh bạc, rượu lậu (số 6, 29.8.1930) cho đến trộm cướp ở Sài Gòn, quan Pháp Gatille bị ám sát ở Thủ Dầu Một (số 50, 3.7.1931)… Với những tin tức lớn, báo có bài riêng đưa tin chi tiết, theo sát sự kiện, như việc tường thuật cuộc hồi loan của vua Bảo Đại được đưa từ khi vua lên tàu bên Pháp về nước cho đến khi di chuyển từ Đà Nẵng ra Huế. Thậm chí báo còn ra phụ trương với tin ảnh độc quyền sự kiện này ở số 114, 23.9.1932.
Thanh Nghệ Tịnh Tân Văn nhận được sự cộng tác của nhiều tay viết có tiếng đương thời: Tản Đà, Phạm Quỳnh, Doãn Kế Thiện, Nguyễn Văn Vĩnh… Những vấn đề lớn mang tính thời sự, tục lệ được đặt ở trang nhất với sự tham gia của một số tác giả Phạm Vọng Chi, Nguyễn Văn Vĩnh (bút danh Tân Nam Tử) như: “Tình cảnh nghề nông ở nước ta” (Tân Nam Tử - số 116, 7.10.1932), “Sau cuộc tuần du ở phía Bắc Trung Kỳ” (Tân Nam Tử - số 127, 23.12.1932)…
Một phần trang cuối dành cho văn học đăng tiểu thuyết dài kỳ: Truyện Tê-Lê-Mặc phiêu lưu ký (Fénelon, Nguyễn Văn Vĩnh dịch - số 2, 1.8.1930 đến số 90, 8.4.1932), Ma ghen (Phú Sơn dịch - số 91, 15.4.1932 đến số 102, 1.7.1932)… Đôi khi báo dành dăm cột cho luật lệ, ký sự như Tây hành nhật ký của Tôn Thất Đàn khởi đăng số 111, 2.9.1932, Hoàng Việt hình luật (bản chữ Hán) khởi đăng số 167, 29.9.1933…
Trong mời gọi quảng cáo, Thanh Nghệ Tịnh Tân Văn có cách mời gọi rất giản dị, chỉ đăng mẩu tin: “Báo Thanh Nghệ Tịnh có hàng vạn độc giả, nên các nhà công thương nên đăng quảng cáo”. Báo dành nguyên một trang để đăng tin quảng cáo cho Đông Pháp ngân hàng, rượu Nam Long, sữa Le Gosse...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.