Mở chồng báo cũ: Tờ báo phát không 'truyền bá vệ sinh'

17/06/2021 06:30 GMT+7

Tuy là báo cho không, nhưng Vệ sinh báo đã cung cấp nhiều kiến thức y khoa tiên tiến để tuyên truyền, mở mang cho dân chúng. Những tin tức y tế nước nhà thời gian 1926 - 1933 cũng được tìm thấy trên tờ báo này.

Trong hồi ký Nhớ gì ghi nấy, Nguyễn Công Hoan nhớ về người bạn thân, phóng viên Dương Phượng Dực. Dực từng học Nguyễn Văn Vĩnh làm báo, rồi sửa bài cho Đông Dương tạp chí, làm phóng viên Trung Bắc Tân văn. Sau này, anh thầu Vệ sinh báo. Việc thầu báo giúp hằng tháng Dương Phượng Dực có thêm 150 đồng. Đó là thông tin ít ỏi liên quan báo này được ghi lại trong hồi ký người làm báo dạo ấy.

Nỗ lực tồn tại của tờ báo phát không

Dẫu Dương Phượng Dực thầu báo, nhưng quản lý báo được ghi ở chân trang cuối là Trần Văn Phụng, xen kẽ vài số ghi Nguyễn Bảo Đoán. Về sau quản lý đổi sang Trần Chang và cuối cùng là Nguyễn Duy Thuận. Tuy cho không lấy tiền, nhưng Vệ sinh báo được in với số lượng 13.000 tờ mỗi số và con số này duy trì ổn định qua 8 năm của báo.
Là “báo tặng mọi người, không phải trả tiền” do hiệu bào chế Chassagne đài thọ, nhưng Vệ sinh báo ghi giá bán 6 xu, trọn năm là 1 đồng. Báo quán ở số 59 đường Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền), Hà Nội, trụ sở hiệu Chassagne. Báo giới thiệu là “Cơ quan truyền bá vệ sinh”. Tên báo được ghi kèm câu châm ngôn lời Mạnh Tử “Giữ mình là trọng”. Trong các số báo ban đầu báo đều ghi “Tạm xuất bản mỗi tháng một kỳ” và được xuất bản vào ngày 15 hằng tháng; về sau do thiếu kinh phí, báo ra 3 tháng một số. Trải qua 8 năm, báo ra 75 số.
Mục đích ra báo, được nêu ở “Lời phi lộ” trên Vệ sinh báo số 1, tháng 2.1926: “Mục đích của Vệ sinh báo là đem truyền bá cái lý thuyết của Thái Tây về vấn đề bảo tồn sức khỏe và sinh mệnh của loài người”. Do là báo phát không, nên để có thể tồn tại được, Vệ sinh báo phải có quảng cáo để làm nguồn in, báo nhân đó kêu gọi “chỉ mong ở các nhà quảng cáo, các nhà đọc báo, mỗi người giúp ít nhiều”.
Trải qua 8 năm, do chi phí in ấn tốn kém, đến số 73, tháng 4 - 6.1933, báo mở mục “Xin hỏi ý kiến độc giả chư tôn” kèm phiếu thăm dò. Theo đó, báo định chuyển cho bác sĩ Nguyễn Văn Luyện đứng chủ trương để “trở nên một tạp chí rất chỉnh đốn không có tính cách quảng cáo nữa”, sẽ in mỗi tháng một số, thêm bài lý luận, hình vẽ… với giá bán 1,5 đồng/năm kèm nhiều quyền lợi mua sách bác sĩ Luyện viết được chiết khấu, mua thuốc được giảm giá… Sau hai số thăm dò, báo nhận hơn 600 giấy phản hồi nhưng chừng đó chưa đủ cho báo có vốn sống tự lập. Số 75, tháng 10 - 12.1933 là số Vệ sinh báo cuối cùng.

Phiếu thăm dò ý kiến độc giả của Vệ sinh báo số 73 và 74

Quảng cáo... kén vợ trên tờ báo về y khoa

Vệ sinh báo không kém gì một tờ báo y học chuyên nghiệp, đem kiến thức y khoa phương Tây tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu rõ các loại bệnh từ nhẹ như ho, đau mắt cho đến nặng như lao, nghiện thuốc phiện cùng những cách thức chữa bệnh khoa học, tân tiến. Báo còn có những bài viết liên quan đến sức khỏe như thể dục, sinh hoạt, ăn uống… Chẳng hạn Vệ sinh báo số 32, 15.9.1928, có bài về ích lợi của việc vệ sinh, phép nuôi con, cách điều trị các bệnh thông thường, các loại chất độc hại người, chuyện Louis Pasteur tìm ra vắc xin phòng bệnh dại; hoặc Vệ sinh báo số 62, tháng 3.1931, có bài kỹ thuật tiêm, tin thời sự về thăng thưởng ngạch trong y tế và thú y, tin Trần Gia Đạt làm giả sữa Nestlé…
Là báo về y học và sức khỏe, nhưng để đỡ khô khan, Vệ sinh báo có cả Truyện vui, Tin lạ, Thời sự… để độc giả theo dõi tin tức hoặc giải trí. Đa phần các bài viết không đề tên tác giả. Vệ sinh báo số 67, tháng 10 - 12.1931, luận cả rồng qua bài Rồng nước có thật không?; trong đó viện đến cả áo long cổn của vua Tự Đức mặc; hay Tin lạ như nghề trồng răng có từ thời Thượng cổ bên La Mã thế kỷ 5 TCN và có hẳn đạo luật “Des Douze Table” liên quan (Vệ sinh báo số 73, tháng 4 - 6.1933)…
Nguồn thu từ quảng cáo là kinh phí để báo duy trì hoạt động, nên dễ hiểu trên Vệ sinh báo đăng rất nhiều quảng cáo. Các quảng cáo phần lớn liên quan đến y học với các loại thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, vẫn có nhiều quảng cáo ở các lĩnh vực tài chính, ăn uống, may mặc… Khi xem những mẩu quảng cáo thời ấy, cảm nhận chung là sự chân chất, lời lẽ mộc mạc của chủ nhân giới thiệu mặt hàng. Có thể dẫn mẩu quảng cáo sách được mào lời như sau: “Trông nom cho người chửa đẻ/Nuôi trẻ từ bé tới lớn/Chữa bệnh cho trẻ con/Cần phải có quyển Sản Dục Chỉ Nam của Docteur Nguyễn Văn Luyện” (Vệ sinh báo số 56, tháng 9.1930).
Không chỉ quảng cáo hàng hóa, dịch vụ, thậm chí Vệ sinh báo số 75 còn có nguyên bài quảng cáo bản thân dài 3 trang vui nhộn, hài hước của chàng Trần Trùi Trũi để… kén vợ. Chàng Trũi giới thiệu có đoạn: “a) nghề chính. - Chuyên môn xem xét các đồ ẩm thực, chuyên môn tính nguyệt thực, nhật thực, cốt tìm cho thực ra sự thực; b) nghề phụ. - Tôi lại là chước [trước] tác giả, phát minh giả, sáng tạo giả… mà vì chưa vợ nên phải làm: nấu cơm giả, xách nước giả, may vá giả và hơn tám nhăm thứ giả nữa”… “Tính nết. Tôi đãng trí như cụ Pythagore, hay mơ màng như cụ Lamartine, hay quên như cụ Poincaré, nhưng chỉ hiềm không có tính hay nào của các cụ…”. Tuy nhiên, đấy cũng là bài quảng cáo dài và vui nhộn cuối cùng của Vệ sinh báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.