Thay đổi hình dung văn hóa
Vị trí quan trọng tại vách tường phải trong phòng trưng bày Bãi Cọi X - nơi gặp gỡ của các nền văn hóa được dành cho một cụm hiện vật. Đó là một thạp đồng Đông Sơn điển hình, được đập vỡ một cách có chủ ý ở một phía. Đặc biệt, bên trong thạp đồng này lại có chứa bình gốm Sa Huỳnh đặt trong bát đồng thời Hán. Hiện vật là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy di tích Bãi Cọi là nơi gặp gỡ của các nền văn hóa trong thời Sơ sử ở Việt Nam. “Hiện vật này của Bảo tàng Hà Tĩnh mới sưu tầm. Nó thể hiện rõ nét nhất ý tưởng trưng bày: Di tích Bãi Cọi (H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh) là nơi gặp gỡ của các nền văn hóa. Cụ thể hơn, đó là nơi gặp gỡ của văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh”, ông Nguyễn Tiến Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, cho biết.
Trưng bày Bãi Cọi - nơi gặp gỡ của các nền văn hóa diễn ra tại Hà Nội từ 18.11 đến tháng 12 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam (số 1 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội). Trưng bày có hơn 150 hiện vật, tư liệu thuộc sưu tập hiện vật Bãi Cọi lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Hà Tĩnh với nhiều chất liệu như đá, gốm, kim loại, thủy tinh…
Trước đó, nhiều hiện vật trong trưng bày từng được triển lãm tại Hàn Quốc. Ông Đoàn cho biết đây là trưng bày đầy đủ, phong phú nhất về Bãi Cọi từ trước tới giờ. Sau đó, trưng bày sẽ được chuyển về Hà Tĩnh vào tháng 12 năm nay.
Tại trưng bày, có những hiện vật gốm với hoa văn rất đẹp. TS Nguyễn Tiến Đông, Viện Khảo cổ học Việt Nam, thậm chí còn cho rằng những bình gốm đó chưa từng được sử dụng theo kiểu dân dụng. Chúng có thể là đồ trưng bày để tượng trưng cho quyền lực.
|
Cũng có những câu chuyện về mộ táng trong trưng bày, như mộ chum - dấu hiệu điển hình của văn hóa Sa Huỳnh. Tuy nhiên, đi cùng mộ chum lại có những hiện vật của văn hóa Đông Sơn chôn làm đồ tùy táng. Một ngôi mộ cũng đã được Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam tái hiện ngay trong trưng bày. Phía bảo tàng cho biết: “Mộ chum là một trong những táng thức điển hình, được coi là dấu hiệu nhận biết của văn hóa Sa Huỳnh. Qua 3 lần khai quật Bãi Cọi, các nhà khảo cổ đã phát hiện được 17 mộ chum”.
Cũng theo bảo tàng, chum gốm ở Bãi Cọi có kích thước nhỏ hơn với chum gốm của di tích Sa Huỳnh điển hình. Một vài chum còn có dấu vết xương cháy - dấu hiệu của hài cốt được hỏa táng. Đồ tùy táng trong và xung quanh chum chủ yếu là gốm thuộc các loại hình: nồi, bình, bát bồng, chõ... Bên cạnh các đồ gốm với kiểu dáng, kỹ thuật, hoa văn đặc trưng Sa Huỳnh còn có các đồ gốm có nguồn gốc từ văn hóa Đông Sơn như: nồi, bình gốm văn chải thô, chõ gốm...
Ông Đoàn cho biết trước đây các nghiên cứu vẫn xác định không gian Bãi Cọi thuộc văn hóa Đông Sơn. Gần đó, các di tích Đông Sơn phát hiện dày đặc. Hay cũng có quan niệm văn hóa Sa Huỳnh chỉ có từ Quảng Bình đổ vào Nam. Mặc dù vậy, khai quật ở Bãi Cọi lại cho thấy những hiện vật Sa Huỳnh đặc trưng như mộ táng hay khuyên tai ba mấu. “Sau cùng, hợp tác khai quật với Hàn Quốc đã cho thấy Bãi Cọi thuộc văn hóa Sa Huỳnh vùng Trung bộ, có sự du nhập của văn hóa Đông Sơn (miền Bắc) và văn hóa đồ sắt Trung Quốc”, ông Đoàn cho biết.
|
Ai đến trước ở Bãi Cọi ?
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, nhận định: “Nếu có thể nói ngắn về di tích Ba Cọi thì cư dân Sa Huỳnh quần cư trước, sau đó Đông Sơn tiếp giáp và lan tỏa với nhau”.
GS-TS Lâm Thị Mỹ Dung, Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết: “Chúng ta thấy có khu vực giáp ranh giữa 2 văn hóa, nơi cư dân thoải mái đi lại bằng nhiều đường. Họ có thể đi bằng đường sông, đường biển. Khảo cổ học cho thấy về táng thức ở đây chủ yếu là táng thức kiểu của văn hóa Sa Huỳnh, thứ nữa là đồ gốm. Đồ gốm có thể xem là một chỉ báo về tính văn hóa đại chúng chung. Đồ gốm ở đây về chất liệu là gốm Sa Huỳnh. Các nắp chum cũng là một dạng Sa Huỳnh. Các hiện vật chôn theo ta thấy có cả 2 nền văn hóa. Tính Sa Huỳnh ở các hiện vật tìm thấy mạnh. Khuyên tai ba mấu là Sa Huỳnh rõ ràng”.
|
Mặc dù vậy, bà Dung cho rằng không thể nói ở đây, người Sa Huỳnh hay Đông Sơn đến trước. Bà chỉ đưa ra nhận định có 2 dòng văn hóa gặp nhau ở đây, tạo ra diện mạo khác của văn hóa Sa Huỳnh. “Cũng không loại trừ khả năng có những nhóm Đông Sơn đã Nam tiến từ rất sớm. Không chỉ Bãi Cọi, mà ở Quảng Ngãi, Bình Châu cũng có những dấu tích như thế. Họ đi lẻ tẻ và mang theo truyền thống Đông Sơn”, bà Dung nói.
Bình luận (0)