Sáng 20.2, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo luật Sửa đổi luật Đầu tư và luật Doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, vấn đề quan trọng, thậm chí là quan trọng bậc nhất của lần sửa luật này, là mở cánh cửa cho trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể.
Dù chiếm đến hơn 30% GDP nhưng khung khổ chính sách áp dụng đối với chủ thể kinh doanh này hiện còn rất thiếu, chưa có sự bình đẳng so với các doanh nghiệp hoạt động chính thức. Nhiều chính sách hiện tại khiến cho các hộ kinh doanh cá thể ngần ngại chuyển đổi lên thành doanh nghiệp, mặc dù luật đã có những quy định về việc chuyển đổi này.
“Bản chất hộ kinh doanh là doanh nghiệp, trong các nền kinh tế thì không ai bỏ khu vực này ra khỏi luật. Các hộ kinh doanh là doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ nhưng không được coi là doanh nghiệp thì đó chính là điểm nghẽn lớn của pháp luật Việt Nam”, ông Lộc nhấn mạnh.
Với quan điểm cần có khung khổ pháp lý chắc chắn cho khu vực hộ kinh doanh cá thể, ông Lộc đề nghị ban soạn thảo thể hiện tinh thần tháo gỡ điểm nghẽn nói trên cho hàng triệu hộ kinh doanh, một trong những động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế giai đoạn tới.
Đồng tình đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, ông Vũ Đại Thắng cho biết kiến nghị của VCCI hoàn toàn xác đáng. “Chúng tôi sẽ tiếp thu và cân nhắc báo cáo cơ quan có thẩm quyền”, ông Thắng khẳng định.
Điểm đáng chú ý khác trong luật Doanh nghiệp sửa đổi, theo Ban soạn thảo, là sẽ loại bỏ một số thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp không còn phù hợp, không cần thiết, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.
Theo quy định của luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp phải hoàn thành 5 thủ tục hành chính để có thể bắt đầu kinh doanh, bao gồm đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh, làm dấu tại cơ sở khắc dấu, thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh, mở tài khoản và thông báo thông tin tài khoản cho cơ quan đăng ký kinh doanh...
Tuy nhiên, nếu so sánh quốc tế và khu vực, thủ tục thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh ở nước ta vẫn còn phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí. Theo so sánh của Ngân hàng Thế giới năm 2019, Việt Nam được xếp hạng thứ 106 trên 190 quốc gia và nền kinh tế về năng lực cạnh tranh xét trên chỉ số thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Một số thủ tục trong số các thủ tục nêu trên đã không còn cần thiết. Vì vậy, xem xét, sửa đổi, cắt bỏ một số thủ tục không còn phù hợp là điều cần thiết đối với Việt Nam lúc này.
Bình luận (0)