Chiều 27.7, chị P.T.A.L, chủ một cơ sở cung cấp suất ăn cho lực lượng y tế tham gia phòng chống dịch tại TP.HCM, lo lắng liên hệ nhiều đơn vị hỏi về quy định đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông trong khu vực nội đô. Với 500 suất ăn đã được chuẩn bị, chị L. sốt ruột vì chỉ còn khoảng 15 phút nữa là tới giờ giao hàng nhưng việc cấp mã QR code vẫn chưa hoàn thành do hệ thống phần mềm liên tục bị tấn công từ sáng 26.7. Tài xế đã chuẩn bị đầy đủ giấy xét nghiệm âm tính
Covid-19, giấy giới thiệu của công ty, giấy xác nhận giao
hàng thiết yếu cho bệnh viện...; chỉ còn thiếu đúng mã QR code để đủ điều kiện thông hành.
TP.HCM lập tổ tư vấn phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế
|
Xe chở hàng hóa vào TP.HCM đã nhanh và dễ dàng hơn
May mắn, trong ngày 27.7, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu các tỉnh tạo điều kiện hơn nữa cho hoạt động vận tải hàng hóa, cho phép các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu, vận chuyển công nhân, chuyên gia của doanh nghiệp (DN) chưa được cấp kịp thời QR code được qua chốt sau khi đã kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính
Covid-19. Còn Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các địa phương phía nam hỗ trợ tháo gỡ ngay những khó khăn và vận chuyển nguyên vật liệu trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản…
Nhiều chỉ đạo mạnh từ các bộ giúp khơi thông hàng hóa về TP.HCM và đi các tỉnh dễ dàng hơn
|
Tiếp sau đó, UBND TP.HCM cũng có văn bản khẩn gửi các đơn vị về việc tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện được lưu thông trong thời gian thực hiện
giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Cụ thể, không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống nhân dân (đã được cấp giấy nhận diện có mã QR) tại các chốt kiểm soát (bao gồm các chốt tại cửa ngõ và trong phạm vi TP.HCM). Các quyết định nới lỏng thủ tục vận tải liên tục được ban hành, chỉ hơn 16 giờ, chiếc xe tải dưới 2,5 tấn của cơ sở chị L. bắt đầu khởi hành từ Q.3 tới Viện Pasteur (Q.3) và Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (Q.10) rồi trở về Q.Bình Tân (nhà tài xế) trước giờ hạn chế ra đường theo quy định của UBND TP (từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau).
“Việc di chuyển diễn ra thuận lợi. Hôm nay, 500 suất ăn tiếp tục được giao với lộ trình tương tự. 9 giờ 30 phút, xe xuất phát và không gặp trở ngại gì. Từ khi các tỉnh phía nam áp dụng Chỉ thị 16, việc nhập nguyên liệu từ Bến Tre, Đà Lạt gặp rất nhiều khó khăn. Rồi khi TP.HCM siết thêm nhiều quy định giãn cách chống dịch, tôi đã rất lo lắng, chỉ sợ các y, bác sĩ ở BV vất vả quá mà lại thiếu thốn thực phẩm, ăn không đủ no thì khổ. Nay đỡ rồi, chỉ cần đảm bảo an toàn tuyệt đối là được”, chị L. chia sẻ.
Không chỉ giải phóng việc lưu thông hàng hóa thiết yếu trong nội đô TP.HCM, nhiều tỉnh, thành khu vực phía nam cũng bắt đầu nới lỏng quy định, tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển thực phẩm lưu thông nhanh chóng và dễ dàng hơn. Ngày 28.7, đại diện chương trình thiện nguyện “Kết nối yêu thương” (KNYT) cho biết đã hoạt động trở lại sau 2 ngày tạm ngưng nhờ tỉnh Đồng Nai cho mở lại điểm giết mổ heo tại Long Bình. Trong ngày 28.7, KNYT đã đưa gần 30 tấn heo hơi từ Đồng Nai về các điểm bán hàng ở TP.HCM trước 15 giờ chiều để thực hiện giao hàng và quay đầu xe trước giờ TP.HCM thực hiện hạn chế ra đường. Số lượng điểm bán tại TP.HCM cũng tăng từ 15 lên 20 điểm tại 16 quận, huyện, bên cạnh 3 điểm bán tại Bình Dương và 1 điểm thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngoài thịt heo, KNYT còn thử nghiệm vận chuyển 6 tấn tôm càng xanh ướp lạnh từ Bạc Liêu lên tiêu thụ tại thị trường TP.HCM.
“Xe hàng từ Đồng Nai và Bạc Liêu về tới TP.HCM nay khá thuận lợi. Các hộ gia đình không nằm trong địa bàn quận có các điểm bán vẫn có thể đặt hàng ở quận gần nhất vì việc giao hàng liên quận trong TP.HCM triển khai bình thường. Trong bối cảnh giãn cách xã hội, thực phẩm thiết yếu khan hiếm và giá cả tăng cao nhiều lần như hiện nay, việc cơ quan chức năng nới lỏng kiểm soát cho xe chở hàng là sự hỗ trợ tốt nhất giúp người dân TP.HCM có thêm cơ hội tiếp cận với nguồn thực phẩm, đồng thời hỗ trợ tiêu thụ cho bà con nông dân các địa phương đang gặp khó khăn về đầu ra”, đại diện KNYT chia sẻ.
Sáng 29.7: TP.HCM thêm 1.715 ca Covid-19 trong 12 giờ
|
Gỡ “ải” thiết yếu
Liên tục nhiều ngày qua, sau khi các tỉnh phía nam áp dụng Chỉ thị 16, định nghĩa về “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” mỗi nơi quy định và áp dụng mỗi kiểu. Có tỉnh coi nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y là hàng thiết yếu, nhưng nơi khác thì không công nhận. Hoặc mặt hàng sữa cũng có địa phương không coi là hàng thiết yếu. Thế nên có thực tế là DN chở thuốc thú y đi giao, chở sữa tươi sang tỉnh khác, buộc quay đầu xe vì không qua được “ải” hàng thiết yếu theo quy định của tỉnh lân cận.
Để tháo gỡ khó khăn, trong ngày 27.7, Bộ Công thương liên tục có 2 công văn hỏa tốc liên quan đến vấn đề hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, một công văn gửi Chính phủ và một gửi cho các sở công thương. Trong công văn gửi Chính phủ, Bộ Công thương đề xuất Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì quy định danh mục “hàng hóa thiết yếu”. Theo bộ này, mặc dù Chính phủ đã quy định danh mục các mặt hàng thiết yếu, tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, mỗi địa phương có cách hiểu và áp dụng khác nhau.
Bộ Công thương cho rằng, nếu đề xuất này được thông qua, các cơ sở
kinh doanh, DN chỉ cần tham chiếu theo danh mục hàng hóa cấm lưu thông; các hàng hóa, dịch vụ còn lại không nằm trong danh sách này sẽ được cấp “thẻ xanh” để lưu thông trên địa bàn, địa phương, hoặc từ địa phương này sang địa phương khác. Nếu như vậy, sẽ không có chuyện lúng túng trong áp dụng hay mỗi nơi hiểu một kiểu như mấy ngày qua.
Bà Nguyễn Thị Anh, đại lý logistics tại TP.Thủ Đức, nhận xét đề xuất bỏ danh mục hàng hóa thiết yếu là “thay đổi lớn” của ngành công thương. Bà kể chính công ty của mình từng rơi vào trường hợp “dở khóc dở cười” khi chở hàng thực phẩm nhập khẩu cho khách là bơ, pho mát, sữa từ TP.HCM về một tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, vào đến cửa ngõ của tỉnh, lực lượng chức năng chốt trạm yêu cầu quay đầu xe vì
vận chuyển hàng hóa không thiết yếu.
Bộ Công thương công bố danh mục các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và đề nghị sở công thương các địa phương rà soát, tham mưu cho UBND cấp tỉnh cho phép lưu thông khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đối với một số mặt hàng thiết yếu thuộc 4 nhóm rộng hơn, thoáng hơn và chỉ rõ danh mục sản phẩm nào thuộc bộ nào quản lý. Cụ thể, nhóm thực phẩm; nguyên liệu phục vụ, bao gồm các mặt hàng như sắt, thép, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi...; nhiên liệu, năng lượng như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, than; hàng hóa khác theo nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của địa phương.
|
Bà Anh cho biết: “Lúc đó muốn khóc luôn vì nhà máy của họ cần
nguyên liệu để sản xuất gấp; do dịch bệnh, công ty cũng bị mất hơn một nửa nhân sự do nhà ở trong khu cách ly, không làm thủ tục nhận hàng tại cảng được. Đích thân lãnh đạo công ty đi mở tờ khai, nhận hàng và điều phối xe tải lạnh chở về nhà máy cho khách, lại bị “đuổi về” như vậy. Trong tình hình dịch bệnh, không thể đứng đó mà nói thông cảm cho tôi. Ai thông cảm cho mình và ai chấp nhận một DN làm trái quy định liên quan phòng chống dịch của địa phương đề ra? Thế nên, động tác gỡ “ải” mặt hàng thiết yếu của Bộ Công thương trong lúc này quá kịp thời và cần thiết. Chúng tôi mong muốn Chính phủ ủng hộ, có như vậy là đỡ rất nhiều cho DN lúc này”. Theo danh mục quản lý hàng hóa của các bộ, mặt hàng sữa chế biến, pho mát, bơ... thuộc Bộ Công thương quản lý.
Bình luận (0)