Tỉnh này không đón chuyến bay nội địa, tỉnh kia không đón người, chích đủ 2 mũi vắc xin vẫn phải cách ly... Sau tuyên bố mở cửa kinh tế, rất nhiều địa phương trên cả nước vẫn phòng thủ nghiêm ngặt bằng cách “trói chân” cả người đi và người đến.
Mở cửa kinh tế, vấn đề mà các doanh nghiệp lo lắng nhất chính là nhân lực. Hàng vạn, hàng triệu người lao động từ TP.HCM, Bình Dương, Long An... đã về quê tránh dịch, giờ muốn trở lại nhà máy không dễ, trong khi thị trường nội địa và thế giới đều đang vào mùa cao điểm. Những đơn hàng “nợ” từ khi giãn cách chưa trả kịp, những đơn hàng mới dù rất muốn nhưng không thể nhận vì thiếu lao động khiến các ông chủ doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa. Nhưng họ có thể làm được gì khi những người kẹt ở Hà Nội, không biết đến bao giờ mới có thể trở về TP.HCM bởi cho đến thời điểm hiện tại, sân bay Nội Bài vẫn nói không với các chuyến bay nội địa. Rất nhiều tỉnh, thành lại áp dụng các biện pháp cao hơn hướng dẫn của Bộ Y tế khi yêu cầu cách ly tập trung 2 tuần, xét nghiệm 3 lần với người vào địa phương mình, bất kể đã tiêm mấy mũi vắc xin.
3 ngày trước, ngày 5.10, Công ty cổ phần đầu tư dầu khí Sao Mai - Bến Đình (Bà Rịa-Vũng Tàu) làm văn bản “xin” cơ quan chức năng xem xét cho đón 7 chuyên gia từ Bạc Liêu về lại Vũng Tàu. Dù được chấp thuận nhưng trong phương án Sở GT-VT tỉnh này đưa ra là “chỉ được phép di chuyển khi có sự đồng ý của UBND tỉnh Bạc Liêu, UBND tỉnh, thành trên đường di chuyển...” thì họ phải xin ít nhất lãnh đạo của 8 tỉnh, thành trên 350 km đường đi... Tất nhiên, mỗi tỉnh, thành sẽ lại có những quy định, yêu cầu riêng nên đường tới công ty... còn xa lắm.
Ở thời điểm này, việc vẫn cố thủ như một pháo đài của chính quyền nhiều địa phương sẽ khiến các nỗ lực, tiền của phòng chống dịch, đặc biệt, nỗ lực phục hồi kinh tế, giữ chân vốn ngoại, tạo động lực cho tăng trưởng, có thể đổ sông đổ bể.
Chúng ta thần tốc chích vắc xin, tốn hàng ngàn, hàng vạn tỉ đồng ngân sách để mong trở lại “bình thường mới”, nhưng ngay cả những người chích đủ 2 mũi vắc xin vẫn không được di chuyển, vậy chích để làm gì? Chúng ta lên kế hoạch, kịch bản mở cửa kinh tế nhưng nơi này nơi kia lại ngăn sông cấm chợ, vậy ai sẽ vận hành nhà xưởng, máy móc? Ngân sách đã và đang phải chi rất nhiều tiền cho an sinh xã hội, nhưng hàng triệu người lao động lại không thể quay lại với công việc để tạo ra thu nhập cho chính mình? Đáng nói, những điều này xảy ra ngay khi bài học về cắm rào, chặn chốt lưu thông hàng hóa vẫn còn nguyên giá trị.
Hẳn mỗi chúng ta vẫn còn nhớ, trong thời gian giãn cách vừa rồi, hàng loạt chốt chặn được dựng lên trong nội đô, nội thị cũng như giữa các tỉnh thành khiến hàng hóa không thể lưu thông. Hậu quả là lương thực, thực phẩm ở khắp nơi ế ẩm, nông dân thua lỗ trong khi người dân ở TP không có mà ăn, phải mua với giá rất cao. Chính phủ, các bộ, ngành đã mất rất nhiều công sức, thời gian để tạo luồng xanh cho hàng hóa thông thương. Vậy mà chốt chặn hàng vừa thông thì các quy định bắt người dân “ở đâu ở yên đó” lại được dựng lên, bất chấp Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định Việt Nam chuyển từ mục tiêu “không có Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Không thể có chuyện mở cửa kinh tế mà lại không cho di chuyển, đi lại. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm cho những thiệt hại nặng nề từ các quy định “trói chân” này?
Bình luận (0)