Nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ nên nới lỏng các rào cản để được bán heo qua biên giới, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.
Chăn nuôi nhỏ lẻ thua lỗ
Trang trại heo của gia đình anh Vũ Văn Vĩnh (xã Sông Trầu, H.Trảng Bom, Đồng Nai) nuôi cả heo nái và heo thịt. Từ đầu năm 2022, giá cám liên tục tăng mạnh khiến anh Vĩnh đứng ngồi không yên. Anh cho hay: “Hồi đầu năm, giá heo hơi xuống còn 45.000 đồng/kg, hiện đang dao động ở mức 50.000 - 60.000 đồng/kg, trong khi cám cho heo giá 350.000 đồng/bao. Mỗi con heo hơi phải nuôi khoảng 6 tháng, bán ra với giá 5,7 - 6 triệu đồng/con, tốn khoảng 5,2 triệu đồng tiền cám, chưa kể chi phí thuê nhân công. Như vậy tính ra là lỗ luôn”.
Nguồn cung thịt heo trong nước đang dồi dào trong khi sức mua yếu |
Q.T |
Tương tự, ông Nguyễn Văn Long, một hộ chăn nuôi tại H.Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu), không dám tăng đàn lứa heo tết như mọi năm, mà chỉ cầm chừng ở mức khoảng 50 con. “Những năm trước tôi nuôi hơn 200 con heo nhưng hiện nay không dám nuôi nhiều vì chi phí tăng cao trong khi giá bán lại quá rẻ. Tính sơ bộ, chi phí thức ăn nuôi heo đến lúc xuất chuồng đã tăng khoảng 1,2 - 1,6 triệu đồng/con so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó giá heo hơi chỉ quanh mức 50.000 đồng/kg như hiện nay không thể tránh khỏi thua lỗ”, ông Long than thở.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, phân tích: Do giá thức ăn chăn nuôi, giá con giống và các chi phí khác đều tăng cao, tỷ lệ đàn hao hụt do dịch bệnh vẫn lớn nên giá thành nuôi heo hiện bị đẩy lên khá cao. Với các hộ nuôi nhỏ lẻ không chủ động được nguồn giống, lo thua lỗ nên hầu như không mặn mà tái đàn cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.
Theo ghi nhận, giá heo hơi hiện nay đã giảm mạnh khoảng 15.000 đồng/kg so với cách đây 3 tháng. Chi phí đầu vào tăng nhưng giá bán sản phẩm đầu ra lại giảm nên đã gây áp lực lớn cho họ. Số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê cho thấy đàn heo cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 9.2022 là 24,73 triệu con, tăng 8,8% so với cùng thời điểm năm 2021; sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 3,2 triệu tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn cung tăng trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước lại giảm sút đã gây nên tình trạng mất cân đối cung cầu, dẫn đến giá giảm.
Nên chăng nhà nước cần điều hành linh hoạt, tháo bớt van để giảm bớt lượng thịt heo dư thừa trong nước?
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công ty chăn nuôi C.P Việt Nam, cho biết: “Lượng heo thịt được đơn vị xuất chuồng hiện đạt trên dưới 13.000 con/ngày, giảm khoảng 5.000 - 6.000 con so với lúc cao điểm trước đó. Mức giảm này kéo dài 1 - 2 tháng nay và khả năng sức mua chưa khả quan trong thời gian tới. Sức tiêu thụ trên thị trường thấp khiến giá heo hơi đơn vị xuất bán cũng đang ở mức thấp với loại 1 khoảng 60.000 đồng/kg (chiếm dưới 30%) và loại khác bình quân 56.000 - 57.000 đồng/kg (chiếm hơn 60%)”.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cũng đồng tình: “Hiện nay tình hình kinh tế trong nước khó khăn, thu nhập của người lao động giảm sút, đa số người tiêu dùng phải thắt lưng buộc bụng, lựa chọn nguồn thực phẩm giá rẻ thay thế cho thịt heo. Chính vì vậy, sức mua thịt heo trên thị trường càng ngày càng yếu, dẫn tới giá bán giảm mạnh”.
Cần tháo van để xả bớt nguồn cung
Ông Nguyễn Trí Công nhận định giá thịt heo trong nước hiện nay đang có sự chênh lệch khá lớn so với các nước xung quanh. Đơn cử thịt heo Trung Quốc gần 90.000 đồng/kg, thịt heo Thái Lan cũng xấp xỉ 80.000 đồng/kg. Thị trường Trung Quốc mặc dù đã được chính phủ nước này nỗ lực bình ổn giá nhưng nhu cầu tiêu thụ cao đã khiến giá thịt heo tăng mạnh.
Ngược lại, thị trường VN nguồn cung lại dư thừa, sức mua yếu, giá giảm gây thua lỗ cho người chăn nuôi. “Nên chăng nhà nước cần điều hành linh hoạt, tháo bớt van để giảm bớt lượng thịt heo dư thừa trong nước? Hiện nay thịt heo VN chưa thể xuất khẩu chính ngạch, kể cả xuất sang Trung Quốc nên chỉ có thể giao dịch theo hình thức mậu biên, trao đổi hàng hóa qua biên giới”, ông Công đề xuất.
Trước đó, vào tháng 7.2022, trước diễn biến giá thịt heo tăng cao, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo các bộ ngành và địa phương theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung cầu thịt heo để thực hiện các biện pháp bình ổn giá, không để thiếu hụt thịt heo, giá thịt heo tăng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây áp lực lên lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô… Ngay sau đó, các địa phương đã triển khai kiểm soát chặt chẽ tình hình xuất khẩu thịt heo qua biên giới, cụ thể các tỉnh phía bắc đã kiểm soát chặt đường mòn lối mở để hạn chế giao dịch heo hơi qua biên giới. Tương tự, các tỉnh khác như Kon Tum, Bình Phước cũng tăng cường ngăn chặn việc xuất khẩu heo qua cửa khẩu Lào, Campuchia...
Đến nay, nguồn cung trong nước đang dư thừa, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề xuất cần “mở” lại đường mòn lối mở để hỗ trợ người chăn nuôi tiêu thụ. Với đề xuất này, ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công ty C.P Việt Nam, cũng đồng ý: “Tôi cho rằng đây là ý kiến hợp lý trong giai đoạn hiện nay. Giá heo có thể sẽ còn duy trì ở mức thấp, thậm chí còn xuống nữa, vì nguồn cung đang ổn định mà nhu cầu lại thấp. Trường hợp giá heo tăng lại thì chỉ kỳ vọng vào nhu cầu tiêu thụ nhiều dịp cuối năm, nhưng mức tăng cũng sẽ không nhiều”.
Nhiều “ông lớn” ngành chăn nuôi hiện nay đang nỗ lực để xuất khẩu chính ngạch thịt heo và sản phẩm thịt. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể thực hiện được vì liên quan đến nhiều điều kiện kỹ thuật và tiêu chí an toàn dịch bệnh. Đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết: Giá thành nuôi heo ở VN cao do nước ta phụ thuộc tới 70% nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, trong khi đó chi phí này chiếm tới 65 - 70% cơ cấu giá thành nuôi heo. Điều này dẫn đến giá thịt heo ở VN đang khó cạnh tranh với các nước khác.
Ngoài ra, VN chưa có cơ sở, vùng chăn nuôi heo đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Các trang trại lớn, khép kín nằm xen kẽ với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa đủ điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh. Do đó, việc kiểm soát tuyệt đối rủi ro dịch bệnh rất khó. Đến nay mới chỉ có Công ty C.P Việt Nam chuẩn bị xuất khẩu lô hàng thịt heo đầu tiên sang Nhật Bản. Trong khi đó, VN đang nhập khẩu thịt từ 24 thị trường, nhiều nhất là từ Brazil, Nga, Đức, Canada, Hà Lan… Từ đầu năm đến nay, do giá thịt heo trong nước giảm mạnh, chi phí vận chuyển tăng cao cùng với tiêu thụ giảm sút, lượng thịt heo nhập khẩu cũng giảm mạnh gần một nửa so với cùng thời điểm năm 2021.
Ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Vissan, cũng cho biết: “Giá heo hơi hiện nay đang quá thấp, dự báo đến cuối năm giá thịt heo nếu tăng thì cũng chỉ đến mức 70.000 đồng/kg. Với mức giá này thì người chăn nuôi thiệt thòi lớn”.
Tuy nhiên, đại diện công ty giết mổ chế biến heo này cũng băn khoăn trước đề xuất được “mở cửa” tiêu thụ thịt heo qua biên giới bởi lo ngại nhu cầu hàng tết sẽ tăng. Do giá thức ăn tăng, bên cạnh đó là thị trường Trung Quốc nhu cầu cao… nên cuối năm giá thịt heo, theo vị đại diện này dự báo, sẽ không dưới 60.000 đồng/kg và có thể lên tới 70.000 đồng. “Việc quan trọng là hiện nay kiểm soát dịch bệnh rất hiệu quả, heo chính ngạch rất khó xuất mà xuất biên mậu thì nguy cơ lây dịch bệnh rất cao”, vị này nói.
Bình luận (0)