“Chị bị rối loạn nuốt nghẹn và hít sặc, cần phẫu thuật mở dạ dày
ra da” - sau khi nghe bác sĩ (BS) thông báo bệnh tình, dì Nguyễn Thị
Hồng (75 tuổi, ngụ P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM) chìm trong mớ suy nghĩ hỗn
độn: “Dạ dày đem mở ra da, chắc đau lắm”, "mở ra như vậy thì ăn thế
nào"...
Bác sĩ còn là nhà tâm lý
Đời người có hai lần làm trẻ con. Ở cái tuổi “thập cổ lai hy” này, dì Hồng quay về tuổi ấu thơ một lần nữa. Dì cố chấp, “bướng bỉnh” với ý kiến riêng mình: “Dạ dày xưa nay nằm trong bụng, giờ đem ra ngoài da, đi ngược với tự nhiên quá trời quá đất”. Dì nói với con cháu trong nhà: “Già rồi, sống nay chết mai. Nhưng chết phải vẹn toàn thân xác”. Các con của dì đành bất lực, không có cách nào khuyên được dì.
BS Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật của Bệnh viện FV, nhớ lại: “Ngày gặp tại bệnh viện, dì Hồng ốm tong teo như một đứa trẻ suy dinh dưỡng do sụt ký, cơ thể suy kiệt lại còn viêm phổi vì hít sặc... Dì luôn miệng nhắc, chỉ khám, truyền nước, truyền thuốc thôi, đừng mổ xẻ gì hết. Đây không riêng gì suy nghĩ của dì mà rất nhiều bệnh nhân khi nghe cụm từ “mở dạ dày ra da” đều thảng thốt: “mở dạ dày như vậy sao mà sống”.
Theo BS Ngọc Sơn, nguyên nhân bệnh nhân có suy nghĩ đó là do chưa hiểu thuật ngữ “mở dạ dày ra da” là như thế nào, chỉ mường tượng mơ hồ trong đầu rồi đâm ra lo lắng, đau khổ, bế tắc. Là một bác sĩ thôi chưa đủ, cần phải nắm bắt tâm lý bệnh nhân, hiểu bệnh nhân đang vướng mắc chỗ nào để mà gỡ rối.
Sau khi “bắt được bệnh”, BS Ngọc Sơn bắt đầu “ra toa”, giải thích cặn kẽ với dì Hồng: “Với các trường hợp mắc khối u vùng miệng, họng, cổ và thực quản gây chèn ép làm bệnh nhân không nuốt được; bệnh nhân ăn bị sặc kéo dài gây viêm phổi do tai biến mạch não và rối loạn về vận động nuốt; chán ăn gây suy dinh dưỡng nặng… Nếu không mở thông dạ dày để nuôi dưỡng cơ thể, bệnh nhân không nuốt được, dẫn đến suy kiệt và tử vong. Mở dạ dày ra da nhằm mục đích nuôi ăn trực tiếp vào dạ dày. Hiện tại bệnh viện có kỹ thuật mới: mở dạ dày ra da bằng phương pháp nội soi. Kỹ thuật này có giá thành thấp, tỷ lệ thành công cao, có thể thực hiện ngay tại giường bệnh, thời gian tiến hành thủ thuật rất ngắn (từ 15 - 10 phút)”
Không ngờ sau khi nghe BS Ngọc Sơn giải thích tận tình, dì Hồng gật đầu cái rụp. Con, cháu dì Hồng mừng như “bắt được vàng”.
Muốn giỏi phải không ngừng học hỏi, tìm tòi
Đó là quan điểm của BS Ngọc Sơn. Bởi theo BS, khoa học phát triển không ngừng, y học càng phát triển mạnh. Với những ngành khoa học khác có thể sử dụng kỹ thuật cũ để làm ra sản phẩm tốt nhưng trong y học không thể được.
Nuôi dưỡng bệnh nhân có hai dạng: nuôi ngắn hạn dưới 4 tuần, thường nuôi dưỡng qua ống thông mũi – dạ dày hoặc mũi - ruột. Nuôi dưỡng dài hạn từ 4 tuần trở lên, có các kỹ thuật: mở dạ dày ra da qua nội soi, mở hổng tràng ra da qua nội soi, mở dạ dày ra da dưới màn hình X-quang, phẫu thuật. Trong đó, mở dạ dày ra da qua nội soi thường được lựa chọn đầu tiên vì giá thành thấp, tỷ lệ thành công cao, chỉ cần tiền mê, việc rút ống nuôi đơn giản và hầu hết không có dò sau khi rút ống nuôi.
Mở dạ dày ra da qua nội soi là kỹ thuật đã được thực hiện từ lâu với 2 phương pháp cũ là kỹ thuật kéo/đẩy để đưa ống thông qua miệng vào dạ dày từ bên trong ra thành bụng, và kỹ thuật chọc để đưa ống thông qua thành bụng từ bên ngoài vào dạ dày. Nhưng thực hiện hai phương pháp trên phải gây mê, có thể gây biến chứng cho bệnh nhân. Trong thời gian tìm tòi, học tập tại nước ngoài, BS Ngọc Sơn biết đến kỹ thuật mở dạ dày trực tiếp của Nhật. Với phương pháp mới này, bác sĩ có thể thực hiện nội soi qua đường mũi bằng ống nội soi siêu nhỏ và bệnh nhân chỉ cần gây tê chứ không cần gây mê nên giảm thiểu được biến chứng và chi phí.
Ca thủ thuật được tiến hành với sự chứng kiến của toàn bộ gia đình dì Hồng. Toàn bộ quy trình được kiểm soát trực tiếp dưới nội soi và diễn ra trong khoảng 10 phút. Dì Hồng luôn được theo dõi và sử dụng ống thông ngay sau đó.
Chỉ vài giờ sau thủ thuật, dung dịch nuôi dưỡng được đưa trực tiếp vào dạ dày của dì Hồng qua ống thông. Chứng kiến mẹ mình được nuôi dưỡng đầy đủ và cơ thể dần dần hồng hào, khỏe mạnh trở lại, con gái dì Hồng cầm tay BS không khỏi ngẹn ngào: “Mẹ tôi được sống tiếp rồi”.
Bình luận (0)