Mở Đại lộ di sản đầu tiên tại Vesak

08/05/2019 11:27 GMT+7

Đại lộ di sản là một dự án thường niên giới thiệu nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Chương trình mở màn sẽ được tổ chức tại Vesak tới đây.

Ngoại giao và đối nội nghệ thuật, di sản

Nhà báo Đặng Diễm Quỳnh, Trưởng ban Thanh thiếu niên Đài Truyền hình Việt Nam, vẫn nhớ thời điểm con gái mình hỏi về một di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận. Cô bé không biết nhiều về các di sản như vậy.
“Bây giờ trên internet có tất cả, có thể dùng từ khóa để tìm kiếm. Nhưng những từ như hát xoan được nghe thấy ít quá. Các di sản đó phải được nói nhiều trên truyền thông thì người ta mới biết mà tìm kiếm. Tôi không muốn di sản Việt Nam chỉ nằm trong những đoàn của Bộ VH-TT-DL đi giới thiệu di sản ở nước ngoài. Còn trong nước như con gái mình 20 tuổi, không có cơ hội tiếp cận”, nhà báo Diễm Quỳnh nói.
Đại lộ di sản được nhà báo Đặng Diễm Quỳnh cùng ê kíp VTV lên kế hoạch thực hiện để lấp khoảng trống cho người trẻ như vậy.
Ý tưởng về chương trình Đại lộ di sản được hình thành khá lâu. Format chương trình gắn với các di sản vật thể cũng như phi vật thể của Việt Nam, như Hoàng Thành Thăng Long, Đại nội Huế, nhà rông Tây nguyên, hát xoan, nhã nhạc cung đình Huế… Nó cũng được kỳ vọng xóa mờ các khoảng cách không gian.
“Khi ra nước ngoài, chúng ta có cơ hội xem trình diễn nghệ thuật các nước, trong đó họ gói ghém cả nền văn hóa. Có một chương trình nghệ thuật Việt Nam như vậy rất hay. Nhưng không phải ai cũng có cơ hội vào Nhà hát lớn và trung tâm biểu diễn lớn. Vì thế, chúng tôi quyết định làm dự án festival di sản này, để nhấn vào chữ di sản”, bà Quỳnh nói.
Trong chương trình đầu tiên diễn ra vào tối 12.5 tới tại chùa Tam Chúc (Hà Nam), sẽ có 7 đoàn nghệ thuật nước ngoài tham dự. Họ sẽ giới thiệu điệu múa cổ Odissi của Ấn Độ; múa Awa Odori thể hiện tinh thần của đất nước võ sĩ đạo Nhật Bản; múa Saman của Indonesia; điệu nhảy truyền Cham mang ý nghĩa sự thanh tịnh của tâm hồn từ Bhutan…
Theo ban tổ chức, những tiết mục tham dự chương trình đều là các di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia hoặc của thế giới được UNESCO công nhận. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV vào 20 giờ 10 ngày 12.5.
Nhà báo Đặng Diễm Quỳnh là người chỉ đạo sản xuất Đại lộ di sản Ảnh BTC cung cấp
Nhã nhạc "chào sân"
Về kết cấu, Đại lộ di sản lần này có 2 chương. Chương thứ nhất giới thiệu về Phật giáo Việt Nam. Chương hai giới thiệu những di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, phía Việt Nam lựa chọn giới thiệu Nhã nhạc cung đình Huế với điệu múa Hoa đăng.
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc quốc gia, cho rằng lựa chọn nhã nhạc cho số giới thiệu di sản đầu tiên là đúng đắn. “Khi chọn di sản Việt Nam để làm di sản thế giới đầu tiên thì các giáo sư đều thống nhất chọn nhã nhạc cung đình Huế”, ông Loan nói.
Theo nhà báo Diễm Quỳnh, đưa di sản lên sân khấu và truyền hình là cách phát huy chủ động. “Nếu người sinh năm 2000 không biết đến di sản thì chúng ta lấy đâu ra niềm tin nó sẽ được lưu truyền. Chúng ta có một cách làm là thật trân trọng nâng niu đưa nó lên một sân khấu để đủ thấy hấp dẫn. Chúng ta đã tiếp thu di sản một cách chủ động”, bà nói về việc đưa nhã nhạc lên sân khấu.
Biên đạo múa Trần Ly Ly hé lộ về màn múa với 300 tăng ni và 120 diễn viên múa cờ hội cờ Phật. “Họ xếp thành hình hoa sen, rồi dâng sen với tinh thần rất Phật giáo, trong sáng, đẹp. Tôi gọi đó là màn múa khai giác, để mở ra trí tuệ bên trong con người. Nó cũng mô tả việc giác ngộ đẻ lòng yêu thương đến”, bà chia sẻ.
Đáng chú ý, theo ban tổ chức, chương một cũng sử dụng tác phẩm của một đại đức rất nổi tiếng là thầy Thích Nhật Từ. Thầy đã viết lời có kể tích về Phật giáo trên nền âm nhạc của bản Dạ cổ hoài lang.

Cơ hội với Vesak và nghệ thuật Phật giáo

Chọn đúng “điểm rơi” là địa điểm và thời điểm tổ chức Vesak tại Hà Nam, nhà báo Diễm Quỳnh cho rằng, đó là một cơ hội lớn cho quảng bá di sản phi vật thể Việt Nam.
“Thêm vào đó, Vesak là một hoạt động quốc tế, như một diễn đàn Liên Hợp Quốc của tăng ni phật tử. Việt Nam chúng ta mới chỉ 3 lần đăng cai. Nếu tổ chức ở nơi khác, thời điểm khác, tôi rất khó có cơ hội để kiếm được nhiều khán giả quốc tế đến như thế. Các bạn cũng thấy đây là một cơ hội giới thiệu Việt Nam nhiều hơn ra thế giới. Tôi chỉ có một mong muốn khách nước ngoài có mặt ở đó đêm Đại lộ di sản thì di sản chính là điều đáng nhớ với họ trước khi họ lên máy bay về nước họ”, bà Quỳnh nói.
Thêm vào đó, các nước tham gia Đại lộ di sản lần này đều là quốc gia có phật giáo rất hưng thịnh. “Chúng ta có thể nhìn rộng ra chương trình là giao lưu nghệ thuật quốc tế nằm trong một sự kiện quốc tế. Nó mang tính chất một chương trình truyền hình tốt, dự án nghệ thuật tốt, có những người xem đặc biệt chứ không chỉ riêng chúng ta”, Trưởng ban Thanh thiếu niên Đài Truyền hình Việt Nam cho biết.
Bản thân điệu múa Lục cúng, theo ông Đặng Hoành Loan, cũng mang bóng dáng của Phật giáo. Vì thế, nó kết nối rất tốt với các di sản còn lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.