Mổ dịch vụ xong ra nằm… hành lang

11/08/2016 10:18 GMT+7

Mổ dịch vụ được mổ nhanh, nhưng chất lượng dịch vụ sau đó chưa chắc đã khá hơn bình thường. Nhiều bệnh nhân mổ dịch vụ xong phải ra nằm... hành lang.

Mổ dịch vụ để... giảm tải
Tối ngày 2.8, ông P.T.T (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chạy xe máy bị trượt bánh xe ngã xuống, xe đè gãy chân phải ông T. Gia đình đưa ông T. đi cấp cứu, đến sáng hôm sau, gia đình ông T. ứng trước 10 triệu đồng để mổ dịch vụ nối gân, xếp xương.
Ông T. cho biết sau khi mổ xong ông được chuyển ra phòng bệnh đông như… cá mòi. Ngay sau đó ông được chuyển qua khoa vệ tinh của bệnh viện đang nằm ở một bệnh viện khác. Điều trớ trêu là qua khoa vệ tinh, ông T. phải nằm… hành lang hết 1 ngày, 1 đêm và nhờ người quen "gởi gắm" ông mới có phòng để vào.
Một bệnh nhân "mổ dịch vụ" nằm ở hành lang bệnh viện Ảnh: Thang Duy
Mổ dịch vụ thường mổ nhanh, nhưng chất lượng dịch vụ sau đó  chưa chắc đã khá hơn bình thường. Trường hợp của ông T. không phải là cá biệt về chuyện mổ dịch vụ xong ra nằm hàng lang.
Một hình thức mổ dịch vụ lâu nay trở thành “quen thuộc” trong ngành y tế công là bác sĩ khám bệnh, sau đó giới thiệu cho bệnh nhân đến phòng mạch tư. Theo lý giải của các bác sĩ với gia đình bệnh nhân là nhằm giảm tải cho bệnh viện và có thời gian tư vấn cho bệnh nhân tốt hơn. Sau đó bệnh nhân được đưa ra một bệnh viện tư nào đó để mổ.
Mổ dịch vụ vì ... "theo bác sĩ"
Anh M. (Q.8, TP.HCM) bị tai nạn giao thông. Anh được chẩn đoán chấn thương sọ não, tụ máu màng cứng, hôn mê. Sau đó anh được phẫu thuật hút máu tụ, phần sọ lấy ra được nuôi cấy chờ ghép lại.
Sau khi xuất viện thì anh M. trở lại tái khám và được bác sĩ cho địa chỉ về nhà riêng. Tại đây, bác sĩ giới thiệu bệnh nhân đến một bệnh viện khác để mổ dịch vụ.
Mổ xong, chỉ một ngày sau điều dưỡng rút ống dẫn lưu trên đầu bệnh nhân thì máu phun xối xả, bệnh nhân tiếp tục… mê. Bệnh nhân lại lên bàn mổ tiếp và sau đó chuyển ngược lại bệnh viện ban đầu. Anh M. xuất viện trên chiếc xe lăn vì… liệt.
Sau sự cố, vị bác sĩ "mổ dịch vụ" thương lượng với gia đình bệnh nhân, đề nghị chịu 50% viện phí khi bệnh nhân nhập viện lần 2.
Một trường hợp khác là chị Đ.T.T.T (32 tuổi) cũng được một bác sĩ phó khoa đưa ra mổ dịch vụ thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng sau khi khám tại phòng mạch tư của mình. Chỉ tính riêng giá vật liệu mà bệnh nhân phải mua lúc đó là trên 33 triệu đồng. Tuy nhiên, sau mổ kết quả là bệnh nhân… tử vong.
Bác sĩ giải thích cứ 2.000 ca thì có một ca gặp phải. Tại sao không mổ ở bệnh viện mà bác sĩ đang làm phó khoa, lại chuyển sang mổ dịch vụ ở một bệnh viện khác? Bác sĩ giải thích là do đang có mâu thuẫn với trưởng khoa.

tin liên quan

Nghèo vẫn phải mổ dịch vụ
Ngành y tế TP.HCM khuyến khích các bệnh viện (BV) làm giường dịch vụ không quá 30%, còn mổ dịch vụ thì cho đến bây giờ chẳng có một quy định nào nên các BV muốn mổ bao nhiêu thì mổ.
Với các bác sĩ, tiền công mổ dịch vụ thường gấp đôi so với mổ ở bệnh viện công. Thí dụ công mổ một ca vá sọ não ở bệnh viện công là 3,5 triệu đồng (khi chưa tăng giá viện phí) thì bệnh viện tư là 7 triệu đồng.  Ở bệnh viện công, bác sĩ hưởng 40%, ra tư nhân, bác sĩ hưởng 50%.
Trước thực trạng quá tải bệnh viện mà bệnh nhân phải xếp hàng chờ mổ,  Bộ Y tế đã đồng ý cho các bệnh viện công thực hiện cơ chế kết hợp công - tư trong khám, chữa bệnh. Các bệnh viện công sẽ tận dụng được nguồn lực là cơ sở vật chất, máy móc hiện đại của bệnh viện tư để khám, chữa bệnh cho nhân dân. Tuy nhiên, cơ chế này phải xây dựng lại giá cả hợp lý.
Hiện một số bệnh viện công đã thực hiện kết hợp công - tư: Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển bệnh nhân đã ổn định qua Bệnh viện quốc tế Ngoại thần kinh, Bệnh viện Ung bướu chuyển bệnh nhân qua Bệnh viện Hồng Đức…. Nhưng giá cả dịch vụ ở các bệnh viện này thì người nghèo “với” không tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.