Mở đường bay quốc tế, sao còn chần chừ?: Không thể chậm hơn nữa!

25/11/2021 07:12 GMT+7

Từng đóng góp 9,2% GDP cho Việt Nam năm 2019, nhưng sau 2 năm, ngành du lịch Việt Nam hiện đang “thoi thóp”.

Nhìn ra khu vực, kinh tế Thái Lan dự kiến tăng trưởng 1,2% GDP trong năm 2021, cao hơn nhiều so với các dự đoán trước đó nhờ mở cửa trở lại ngành du lịch, xương sống của nền kinh tế nước này. Vì thế, việc mở cửa lại bay quốc tế và du lịch tại VN không thể chậm trễ thêm nữa, nếu không sẽ để lỡ cơ hội cạnh tranh điểm đến với các nước trong khu vực.

Thấp thỏm chờ

Tưng bừng khai trương tổ hợp Chợ đêm Phú Quốc Grand World, Saigon SeaFood Hub Market và NightZone 68 tại siêu quần thể nghỉ dưỡng Phú Quốc United Center, nhưng chưa đầy nửa tháng đã phải đóng cửa vì dịch bệnh. Ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty CP Ngôi sao biển Sài Gòn, đã mong chờ từng ngày, từng giờ Phú Quốc được mở cửa đón khách quốc tế để đánh thức “đứa con tinh thần” đầy tâm huyết của mình.

Chậm mở cửa hàng không, du lịch khó chớp thời cơ hồi phục

Nguyễn Long

Thậm chí, khi đoàn charter hơn 200 khách Hàn Quốc đã hạ cánh an toàn để tận hưởng kỳ nghỉ đặc biệt tại Phú Quốc, tổ hợp giải trí về đêm hấp dẫn nhất Phú Quốc United Center của Ngôi sao biển Sài Gòn vẫn chưa “sáng đèn”. Ông Sơn thở dài cho biết: “Hơn 200 khách lọt thỏm giữa cả khu nghỉ dưỡng quá lớn. Số khách ít ỏi này chưa đảm bảo để chúng tôi có thể mở lại bất cứ dịch vụ nào”.

Theo vị này, mặc dù Bộ VH-TT-DL cùng các bộ, ngành khác đã nỗ lực mở một số chuyến bay charter, nhưng đây chỉ là những bước đi rất rụt rè, khẽ khàng. Vì mở “he hé”, nên các doanh nghiệp (DN) muốn cùng nhịp hồi dậy cũng không được. Mặt khác, kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc đề ra từ tháng 7, dự kiến bắt đầu từ tháng 10, nhưng đã hoãn tới 3 lần.

Đến giờ, tình hình đã thay đổi rất nhiều. Quan điểm của Chính phủ hiện nay đã là thích ứng an toàn, linh hoạt, không còn theo đuổi mục tiêu “zero Covid” nữa. Mức độ bao phủ vắc xin của VN cũng đã đạt mức rất cao, hệ thống y tế đảm bảo không còn quá tải. Đặc biệt, chúng ta đã đi sau quá nhiều các đối thủ nặng ký như Thái Lan, Singapore, Indonesia...

Campuchia cũng đã mở cửa rất thông thoáng. Do đó, cần nhanh chóng đánh giá việc mở cửa và có những bước đi tiếp theo một cách thực chất về chính sách, tiếp tục mở thêm để thu hút du khách. Các đường bay thương mại quốc tế được mở lại bình thường chính là yếu tố tiên quyết để hồi phục và phát triển du lịch bền vững.

“Nhìn lại, việc thời gian chính thức thí điểm mở cửa liên tục phải lùi lại do tốc độ tiêm vắc xin cũng như các quy định, hướng dẫn về tiêu chuẩn an toàn chống dịch, điều kiện dịch tễ chậm trễ kéo theo sự bị động của các bộ, ngành liên quan đã khiến Phú Quốc bỏ lỡ “cơ hội vàng” bứt phá sau đại dịch. Với những bước đi tiếp theo, càng kéo dài bao nhiêu thì càng chậm chân, lãng phí cơ hội bấy nhiêu”, ông Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh.

Covid-19 sáng 25.11:1.155.778 ca nhiễm | Nhiều nhầm lẫn về gói hỗ trợ đợt 3

Cấp bách mở cửa

Không chỉ du lịch, hàng không, rất nhiều lĩnh vực kinh tế khác cũng đang chịu ảnh hưởng lớn do khó khăn trong quá trình di chuyển, nhập cảnh vào VN. Điển hình, do không có chuyến bay cùng yêu cầu cách ly tập trung đã khiến các chuyên gia nước ngoài của tuyến metro số 1 tại TP.HCM có tâm lý e ngại khi nhập cảnh vào VN. Thiếu kỹ sư, hụt chuyên gia, sự cố của tuyến metro số 1 mãi vẫn chưa thể “chốt” nguyên nhân và giải pháp.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng trong bối cảnh hầu hết các hoạt động kinh tế đã trở lại bình thường như hiện nay, cần cấp bách mở các chuyến bay thương mại quốc tế để đáp ứng nhu cầu hồi phục của thị trường. Thời gian qua, nhiều “lệnh” phong tỏa quá nghiêm ngặt đã được ban hành, kéo dài quá lâu khiến các DN, đặc biệt là DN hàng không, du lịch kiệt quệ, thoi thóp. Với các chuyển biến tích cực về dịch bệnh như hiện nay, cần mở lại càng sớm càng tốt các đường bay để cứu DN du lịch, DN hàng không, tạo nguồn thu giúp nền kinh tế sớm phục hồi.

“Chính phủ cần có những quyết định mạnh dạn, đưa chính sách kịp thời, hợp lý để thúc đẩy thêm cho nỗ lực của DN, giúp nền kinh tế sớm hồi phục và phát triển”, ông Lê Đăng Doanh đề xuất.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không (VABA) Bùi Doãn Nề, VN đã cam kết áp dụng “hộ chiếu vắc xin” với nhiều quốc gia kiểm soát dịch tốt. Vì thế, với các địa bàn trọng điểm của hàng không, du lịch, không nên yêu cầu cách ly đối với khách đã tiêm 2 mũi vắc xin, xét nghiệm âm tính. Mặt khác, chuyên gia này cho rằng ngành hàng không và du lịch cần tạo hành lang khép kín, vùng du lịch “xanh”, an toàn để khách nghỉ ngơi, vui chơi...

Ông Philip Goh, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận định tình hình dịch Covid-19 hiện nay đã khác so với 18 tháng trước. Đến nay, không còn lý do gì để thực hiện các biện pháp này, nhất là khi xét nghiệm và vắc xin Covid-19 đã và đang được triển khai rộng rãi.

IATA kêu gọi chính phủ các nước tuân thủ các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới khi mở cửa biên giới như tiêm chủng vắc xin nhanh nhất có thể, tạo thuận lợi cho hành khách đã tiêm vắc xin. Chính phủ nên trả chi phí xét nghiệm, để chi phí xét nghiệm không trở thành rào cản kinh tế khi hành khách đi lại, du lịch… Đặc biệt, IATA đề xuất VN nên nhanh chóng ứng dụng các chứng nhận số về xét nghiệm và tiêm chủng để thúc đẩy bay quốc tế đến và đi từ VN.

Tại cuộc gặp gỡ kiều bào VN tại Nhật trong chuyến công du Nhật đang diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã giao các bộ, ngành liên quan xem xét mở lại đường bay quốc tế một cách bình thường, trong đó có đường bay đến Nhật. Thủ tướng cũng khẳng định VN đã có kinh nghiệm ứng phó với Covid-19, có vắc xin và thuốc điều trị, nên có thể tự tin bình thường hóa với Covid-19, chấp nhận Covid-19 như một dịch bệnh bình thường để có giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.