Mở đường liên vận, thông hàng xuất khẩu

03/05/2024 06:23 GMT+7

Sáng 2.5, chuyến tàu liên vận đầu tiên từ ga Cao Xá (Hải Dương) đã thông tuyến sang Trung Quốc, mở ra cơ hội xuất khẩu thông thương hàng hóa bằng đường sắt qua quốc gia hơn 1,4 tỉ dân và sang các nước châu Âu.

Quả vải Thanh Hà lên tàu xuất khẩu

Ga Cao Xá (Hải Dương) khai trương đoàn tàu liên vận quốc tế đi Trung Quốc ngày 2.5, tham gia “đường đua” liên vận quốc tế sau các ga Kép (Bắc Giang), Sóng Thần (Bình Dương)

Ga Cao Xá (Hải Dương) khai trương đoàn tàu liên vận quốc tế đi Trung Quốc ngày 2.5, tham gia “đường đua” liên vận quốc tế sau các ga Kép (Bắc Giang), Sóng Thần (Bình Dương)

VIỆT HÙNG

Đoàn tàu gồm 12 container chở lưu huỳnh, nhôm và sữa, đóng tại các nhà máy ở Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, từ ga Cao Xá sau khi về đến ga Yên Viên (Hà Nội) sẽ được kết nối vào các đoàn tàu liên vận quốc tế để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Dự kiến ngày 20.5 tới, tỉnh Hải Dương sẽ tổ chức mở vườn vải Thanh Hà, cắt băng xuất khẩu vải chuyến đầu tiên tại ga Cao Xá. Sau quả vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) xuất bằng tàu hỏa qua ga liên vận quốc tế Kép (Bắc Giang), đặc sản vải Thanh Hà của Hải Dương sẽ lần đầu tiên lên tàu hỏa đi xuất khẩu.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN (VNR), sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác giai đoạn 1, ga Cao Xá trở thành ga hàng hóa trong mạng lưới vận tải hàng hóa bằng đường sắt, tham gia tích cực vào vận tải hàng hóa nội địa từ Hải Dương đi các tỉnh; trở thành một mắt xích quan trọng, tham gia vào hành trình vận tải liên vận quốc tế.

Giai đoạn 2 nếu được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, VNR sẽ tiếp tục triển khai nâng cấp, cải tạo ga Cao Xá đủ điều kiện là ga liên vận quốc tế, trong đó đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan số.

Ngành đường sắt sẽ tổ chức khai thác 2 tuyến liên vận quốc tế từ đây, gồm tuyến Cao Xá - Yên Viên (Hà Nội) - Kép (Bắc Giang) - Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) và đi sâu vào nội địa Trung Quốc hoặc quá cảnh sang các nước Trung Á, Nga, EU.

Tuyến 2 là Cao Xá - Lào Cai - Sơn Yêu (Hà Khẩu Bắc, Vân Nam, Trung Quốc) và chuyển đổi phương tiện đi sâu vào nội địa Trung Quốc. Đặc biệt, sau khi nâng cấp, hàng hóa xuất, nhập khẩu có thể thực hiện được thủ tục hải quan ngay tại ga Cao Xá, vận chuyển bằng đường sắt liên vận đi tiếp đến các cửa khẩu biên giới để sang các nước, rút ngắn được thời gian làm thủ tục cũng như vận chuyển.

Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, cho biết quy hoạch đến năm 2030, tỉnh có 32 khu công nghiệp và trên 60 cụm công nghiệp. Đến nay, tỉnh có 550 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư hơn 20 tỉ USD, xếp thứ 11 trong cả nước. Với hàng hóa xuất nhập khẩu ngày càng tăng, việc định hướng quy hoạch nâng cấp ga Cao Xá thành ga liên vận kết nối với cảng biển, sân bay mang lại lợi thế lớn cho tỉnh.

Khai trương đoàn tàu liên vận quốc tế đầu tiên từ ga Cao Xá (Hải Dương) ngày 2.5

Khai trương đoàn tàu liên vận quốc tế đầu tiên từ ga Cao Xá (Hải Dương) ngày 2.5

T.N


Lý do là ga này nằm gần các khu công nghiệp, nên việc nâng cấp để vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu là cần thiết, giúp doanh nghiệp (DN) giảm chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian giao hàng, vận chuyển thẳng qua biên giới, không bị ách tắc vận chuyển như đường bộ, gia tăng cung ứng các loại hình dịch vụ góp phần tăng thu ngân sách của địa phương và liên vùng.

Có cạnh tranh được đường bộ?

Mục tiêu của VNR là nâng sản lượng vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt lên 4,5 triệu tấn/năm trong các năm tiếp theo. Để làm được điều này, ngành đường sắt phải giải bài toán cạnh tranh và thu hút thêm nhiều nguồn khách.

Bà Đỗ Thị Bích Thủy, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải 1 Traco (TP.Hải Phòng), cho biết DN của bà bình quân mỗi tháng có khoảng 400 - 500 toa liên vận quốc tế từ Lào Cai và Hải Phòng. Với các điều kiện hiện nay sử dụng toa liên vận quốc tế rất thuận lợi cho DN, có thể vận chuyển xuyên suốt từ nhà máy về cảng khu vực Hải Phòng và các ga hàng có kho liên vận quốc tế.

Nhiều DN băn khoăn về thời gian vận chuyển dài và quản lý hàng hóa của đường sắt. Song theo bà Thủy, kinh nghiệm vận chuyển bằng đường sắt đã 20 năm của DN bà cho thấy rất an toàn, hàng được kẹp chì đầy đủ, đảm bảo từ Km số 0 của VN đến các ga, các cảng. "Thời gian vận chuyển cũng được ngành đường sắt cải tiến rất nhiều, như hàng từ Lào Cai chỉ từ 20 - 30 giờ là về cảng Hải Phòng để đóng container xuất khẩu. Với ga Cao Xá, thời gian vận chuyển từ Hải Dương lên Lào Cai chưa đến 24 giờ, thời gian làm thủ tục vận chuyển sang Trung Quốc cũng rất thuận lợi. Lịch trình vận chuyển xuyên suốt, không dừng, không cắt đoạn nên rất thuận tiện", bà Thủy chia sẻ. Với đặc thù của DN vận chuyển từ Hải Phòng đi Lào Cai, chỉ có đường bộ và đường sắt, thì đường sắt vẫn là mô hình tốt nhất cho chi phí hợp lý.

Đoàn tàu chở vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu tại ga Kép (Bắc Giang)

Đoàn tàu chở vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu tại ga Kép (Bắc Giang)

NHUNG NGUYỄN

Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc VNR, phân tích từ ga Cao Xá đến ga Yên Viên khoảng 50 km, thuận lợi cho việc tổ chức vận tải liên vận quốc tế đi Trung Quốc và các nước qua cửa khẩu Lào Cai và Đồng Đăng, cũng như vận chuyển nội địa đi các tỉnh thành miền Trung và miền Nam, đồng thời thu hút khách hàng từ các tỉnh lân cận Hải Dương như Hưng Yên, Thái Bình…

Để thu hút khách, VNR sẽ tích cực quảng bá hoạt động liên vận quốc tế bằng đường sắt tới các DN trên địa bàn tỉnh Hải Dương và các tỉnh lân cận, tới các đối tác trong và ngoài nước, để thu hút hàng hóa đi và đến Hải Dương thông qua ga Cao Xá.

"Ngành đường sắt sẽ tiếp tục đầu tư để tổ chức liên vận quốc tế, đặc biệt là liên quan xuất nhập cảnh quốc tế tại ga Cao Xá, khai báo hải quan theo quy định của Bộ Tài chính. Hiện tại hỗ trợ các luồng hàng từ ga Cao Xá đến Yên Viên khai báo hải quan rồi đi tới ga Đồng Đăng hoặc Lào Cai", ông Khánh nói.

Theo Tổng giám đốc VNR, lợi thế của ngành đường sắt là vận chuyển với khối lượng lớn, thủ tục chuyên chở bằng đường sắt thuận lợi hơn với đường bộ; thời gian vận chuyển rút ngắn nhờ làm thủ tục hải quan tập trung; giải quyết vấn đề an toàn giao thông… "Để hút khách hàng, cạnh tranh được với đường bộ, ngành đường sắt phải tổ chức vận tải hàng hóa tốt nhất, thuận lợi nhất, ưu việt hơn về thời gian và an toàn. Giá cả phải có các chính sách cạnh tranh được với thị trường", ông Khánh cho hay.

Tàu container lạnh từ ga Sóng Thần (Bình Dương) đi Đồng Đăng (Lạng Sơn), tháng 7.2023

Tàu container lạnh từ ga Sóng Thần (Bình Dương) đi Đồng Đăng (Lạng Sơn), tháng 7.2023

NGỌC NĂM

Tham gia mạng lưới liên vận quốc tế

Trước đó, vào tháng 4.2023, chuyến tàu chở hàng đầu tiên theo lộ trình Thái Lan - Lào - Trung Quốc đã từ Thái Lan đi Quảng Châu (Trung Quốc). Tuyến tàu hàng này không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển mà còn giảm hơn 20% chi phí vận tải, đưa sầu riêng tươi từ Thái Lan tới tay người dùng Trung Quốc chỉ trong 5 ngày. Mạng lưới tàu liên vận quốc tế đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn giữa các nước. Nếu không sớm tham gia vào mạng lưới liên vận quốc tế, ngành đường sắt VN sẽ ngày càng thụt lùi so với khu vực.

Bất cập lớn nhất của đường sắt VN hiện tại vẫn là hạ tầng. Hiện đường sắt kết nối quốc tế qua 2 cửa khẩu là ga Lào Cai và ga Đồng Đăng. Trong đó, đường ray ga Đồng Đăng là khổ lồng (1.435 mm) có thể chạy tàu thẳng tới Trung Quốc và các nước thứ 3 qua Trung Quốc. Song ga Lào Cai chỉ có đường ray khổ đơn (1.000 mm), khi hàng hóa vận chuyển tới đây sẽ phải sang tàu để di chuyển sang Trung Quốc qua ga Hà Khẩu.

"Với ga Lào Cai, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu đầu tư nâng cấp, kết nối cửa khẩu tại ga Hà Khẩu. Thông được tuyến bằng khổ ray tiêu chuẩn 1.435 mm sẽ hòa nhập được với mạng lưới liên vận quốc tế đồng bộ và hiệu quả nhất", ông Hoàng Gia Khánh cho hay.

Đầu năm 2024, Cục Đường sắt VN cho biết đang làm việc với Cục Đường sắt quốc gia Trung Quốc thống nhất điểm nối ray đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435 mm giữa hai nước tại Lào Cai, bắt đầu triển khai từ năm 2025. Từ đó giải quyết được khó khăn về kỹ thuật "vênh" khổ đường 1.000 mm và 1.435 mm giữa 2 nước. Dự kiến đoạn tuyến sẽ được triển khai vào năm 2025, chuẩn bị sẵn sàng cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khổ tiêu chuẩn đang được thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Trong đó, xây dựng mới 2,85 km tuyến đường lồng từ đầu bắc ga Lào Cai đến điểm giữa cầu Hồ Kiều (Trung Quốc).

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh, việc đưa các ga Kép, Sóng Thần (Bình Dương) và Cao Xá vào "đường đua" liên vận quốc tế không chỉ giảm được chi phí vận tải trong nội địa cho các DN mà còn thực hiện được mục tiêu đưa cửa khẩu vào sâu trong nội địa, thông quan tại chỗ tại các ga đầu mối liên vận quốc tế; tránh ùn tắc cho các cửa khẩu, tăng năng lực cạnh tranh của hàng hóa VN và quốc tế. 

Ngành đường sắt sẽ tiếp tục đầu tư để tổ chức liên vận quốc tế, đặc biệt là liên quan xuất nhập cảnh quốc tế tại ga Cao Xá, khai báo hải quan theo quy định của Bộ Tài chính. Hiện tại hỗ trợ các luồng hàng từ ga Cao Xá đến Yên Viên khai báo hải quan rồi đi tới ga Đồng Đăng hoặc Lào Cai.


Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc VNR

Với việc tổ chức hoạt động vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt tại Hải Dương, từ ga Cao Xá, hàng hóa xuất nhập khẩu của các DN sẽ được kết nối trực tiếp với đường sắt Trung Quốc và đường sắt các nước nằm trên tuyến vận tải đường sắt Á - Âu. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN sẽ giao VNR tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng cao năng lực vận tải hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt như đầu tư thêm phương tiện đầu máy, toa xe, kiến nghị cấp có thẩm quyền giao nhà ga, bãi hàng cho VNR để tạo điều kiện, phát huy lợi thế tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt và tính chủ động của DN…

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.